Ngọn núi quê

Nhìn lên ngọn núi với đỉnh nhọn tràn xuống rồi chạy ngang, tôi lại nhớ ngày nhỏ cứ hay ví nó là chiếc xe ô-tô vì cái dáng hình độc đáo đó.
0:00 / 0:00
0:00
Ngọn núi quê

Sau trận mưa gần nửa tháng, vạt rừng keo lá tràm đọng nước. Ngày ba tôi còn nhỏ, rừng cây nguyên sinh xanh rì giữ dòng nước trên đỉnh núi. Có những năm mưa mù trời, đất lở nhưng cánh đồng sát chân núi rất ít khi bị ngập. Bây giờ, con đường nhựa băng ngang chân núi, cản mạch suối nguồn chảy xuống thì ruộng lại lai láng nước. Chẳng hiểu, ngọn núi quê đã thay đổi “tính cách” hay do mỗi thời, cách nhìn đã đổi thay. Tiết mùa lạnh ở quê tôi thường kéo dài trong nhiều ngày. Trên cao, ánh mặt trời ló rạng càng làm mảng mây chứa đầy hơi nước nằm vắt ngang lưng núi tỏa hơi lạnh. Tê cóng. Ngày hanh khô, nhìn lên đỉnh núi, ba tôi kể trên đó có một khoảng đất bằng phẳng. Đó từng là nơi quân ta đứng chân trong thời kháng chiến.

Con đường rộng thênh dẫn về nhà tôi đi ngang đám ruộng cũ. Giờ ruộng nằm dưới nền đường. Núi sát bên. Từng mảng rừng xanh mấy mươi năm trước đã biến mất. Thay vào đó, rừng cây keo tái sinh mọc lên rồi bị chặt đi, đất trống đồi trọc lộ khắp triền núi. Những người cao niên cho rằng, ngọn núi của làng tôi vẫn còn trẻ, đó là so những ngọn “núi anh, núi chị” nằm rải rác chung quanh. Một mình một cõi, ngọn núi cao ấy vững chãi che chở bao đời người. Có đợt, tôi đi từ quê nhà ra thành phố theo quốc lộ 1A, dù đã cách nhà hơn 40 cây số nhưng thấp thoáng giữa màn mây chính là đỉnh núi quê tôi.

Ngày còn bé tí, tôi lớn lên từ những hộp sữa đổi bằng từng gánh củi ba tôi lên núi đốn về. Những loài cây to hai, ba người ôm không xuể thì không được phép đốn. Cây thấp, tự chết khô sẽ thành nguồn thu nhập của dân làng tôi. Giữa trưa hè nắng gắt, nhóm người đi củi ngồi dưới tán lá dày kín giải tỏa cơn mệt ngay tức khắc. Ngày mưa, tiếng suối chảy ào ạt trên cao dội xuống lòng khe núi khiến con mang rừng đi lạc hốt hoảng gọi bầy. Những năm qua, bước chân con người đã khám phá lên tận đỉnh núi khiến dấu vết động vật tự nhiên dần xa. Chúng đã di cư sang ngọn núi, cánh rừng mới kiếm ăn.

Giờ đây, nước máy hay giếng đào nhà nào cũng có. Vậy mà đối với tôi, vị ngọt mát của mạch nước từ đỉnh núi dẫn về vẫn ngon nhất. Có đoạn, ngọn cây rừng ngã chắn ngang làm đứt đường ống. Lại nối, lại đứt. Khó là thế nhưng ngọn núi không phụ lòng người. Mùa khô, từng con suối nhỏ trên cao gom dòng giúp nguồn nước vẫn chảy. Dân làng chia đều mấy thùng nước núi. Tiếng í ới rủ nhau đi thay đường dây, sửa đoạn ống bị đứt lại vang cả vùng rừng cây.

Xa quê, những thứ càng xa lại rất gần trong tôi. Mỗi đợt về thăm nhà rồi đi lại, đôi phút tôi dừng xe, quay đầu nhìn ngọn núi thân thương đó. Mây xa dần, mầu xanh của núi cũng nhạt đi. Nhiều người bảo núi lớn dần theo thời gian, tôi cũng tin vậy. Lớn có thể cả về mặt vật lý và đối với tôi, càng ngày núi càng lớn về giá trị hai tiếng quê hương. Núi liền làng, làng bên sông. Lòng người được an yên trong mối gắn kết đó!