1/Chợ hoa Hàng Lược tồn tại hàng trăm năm. Sau này thêm chợ hoa kéo dài mấy cây số suốt đường Âu Cơ sang Lạc Long Quân. Hà Nội cũng có một khu vực rộng lớn chuyên trồng đào gọi là “dinh” để thỏa mãn thú chơi hoa đào, đó là vùng đất Nhật Tân, Quảng Bá.
Đường từ trung tâm thành phố đi về phía Tây Bắc hồ Tây là làng Nhật Tân cận kề làng Quảng Bá. Xa xưa, làng này là một phường có tên là Nhật Chiêu có nghề trồng hoa cây cảnh. Làng Nhật Tân qua nhiều thế hệ người dân sống bằng nghề lúa nước, trồng dâu nuôi tằm, sau chuyển sang trồng rau xanh, trồng hoa… Xuất xứ nghề trồng đào từ vùng đất gò cao (dinh đào). Sau giải phóng Thủ đô, mỗi vụ Tết người dân trồng hoa Nhật Tân dùng cây sào tre buộc cành đào 2 đầu, gánh đến chợ hoa Hàng Lược bán. Đào, quất được Sở Thương nghiệp Hà Nội đến tận vườn thu mua, trả bằng lương thực: Gạo, đỗ xanh, bột mì, khoai sắn, lá dong… và thực phẩm như lợn, gà, cá, cùng chất đốt… Từ khi vùng đất Nhật Tân, Quảng Bá phải nhường đất để làm khu đô thị thì người trồng đào lại chuyển ra bờ sông Hồng, tôn cao nền đất để cây đào đơm bông vào dịp Tết cổ truyền. Nếu miền nam coi trọng thú chơi hoa mai vàng, thì Hà Nội, Tết đến ít nhà thiếu được cành đào tươi thắm đón xuân, nó như mối tình tri kỷ, xa nhau một năm, bây giờ lại có mặt cùng nhau thắm thiết.
![]() |
Ảnh: NGÔ MINH ĐẠO |
2/Đào thường có ba loại: Bích đào hoa thắm, cánh kép, mộc mạc, chơi gần hết tháng Giêng mới tàn một cành đào… Cành tròn, cân đối, cành tăm tỏa đều, trên mọi tia cành, đều có nụ từ nụ ruồi đến nụ bộp, đôi khi có một vài cành nẩy sớm chút lộc xuân xanh. Đào phai hay gọi đào Mông Tự hay đào Vân Nam, cánh cũng giống đào bích, nhưng mầu hoa phớt hồng, như mầu má cô gái dậy thì vừa trong bếp đỏ lửa bên nồi cơm sáng ra đồng. Loại thứ ba là đào ta, loài đào ăn quả, trồng nhiều ở các tỉnh biên giới. Nhiều nhất là Sa Pa, Mường Khương và Bắc Hà tỉnh Lào Cai; Quản Bạ, Yên Minh, Phố Cáo, Mèo Vạc, Đồng Văn tỉnh Hà Giang.
Giống đào ta, vùng xuôi thưa thớt có nhà trồng vài cây cho vui. Mầu hoa cũng phớt hồng như đào phai, nhưng là hoa đơn chỉ có 5 cánh mong manh như con bướm nhỏ, có cảm giác khẽ động vào nó đã rã rời phận hoa. Loại đào này chỉ để chơi cành vì đồng bằng nóng, không bao giờ đậu quả. Người ưa cổ điển, có cốt cách thanh cao thường thích loại này vì thân cành gầy guộc, sương mốc rêu phong, lại nhiều lộc nõn, mưa xuân rất vui mắt.
Còn thêm một loại đào đặc biệt mà mỗi năm cả chợ hoa chỉ có một vài cành, đó là đào nhung hoa trắng muốt, gọi nó là Bạch đào, là con phượng hoàng trước bầy công nên nó chỉ xuất hiện một giờ là có người mang đi ngay.
3/Hoa đào gắn với thú chơi tao nhã của người Hà Nội yêu cái đẹp, yêu cái sinh tiết mà chơi. Còn có một số người lặn lội, tìm kiếm, phải có tri âm, tri kỷ để thưởng hoa, bình hoa, phải pha trà ngon để đàm đạo về cành hoa kiếm được, phải ngắm nghía, nâng đỡ, nắn vuốt sao cho cành về đến tay mình không thừa chi tiết nào. Có thể nụ và hoa chỉ thưa thớt dăm ba cánh, nhưng cành phải có dáng riêng, vẻ riêng, không giống bất cứ cây nào, cũng không hề giống cành đào những năm trước. Đó là thú chơi đào thế. Mỗi cây đào hoặc cành đào được người chơi đặt tên theo con mắt mình, theo trí tưởng tượng của mình, cái tên ấy sẽ sống mãi trong lòng người chơi nhiều năm sau nữa, dù mùa xuân đi qua, cành đào đã thành thiên cổ như người đẹp vội chia ly… Có thể kể đến thế nhất trụ kình thiên nếu cây đứng một mình vươn thẳng. Một cao một thấp, cây thấp hơn nép vào cây cao thì đó là thế phụ tử hay mãn tử. Nếu cành lả nghiêng sang một bên, nằm ngang mặt chậu thì đó là thế hoành. Nếu nó lả ngọn, như cánh tay người thiếu nữ ngủ ngày buông thõng xuống, dưới mặt phẳng chậu rồi mới vươn lên chút ít thì đó là thế huyền. Nếu một thân chính vươn cao nhưng tất cả cành nhỏ đều mọc về một phía thì đó là thế bạt phong, tưởng như có con gió mạnh thổi qua, cành hiên ngang vượt qua giông tố đầy sức sống. Nếu bạt phong mà đầu cành còn quay lại chút ít thì đó là thế bạt phong hồi đầu. Có khi may mắn, tìm được cành đào trông giống như con chim phượng hoàng đang giương cánh ra múa trong ánh sáng xuân, thì đó là thế phượng vũ. Sung sướng hơn nữa nếu bỏ công ra tìm kiếm được cây đào cõi, có dáng như con rồng cúi xuống uống nước, thì đó là thế quý, chân rồng, móng rồng rất dễ tưởng tượng ra. Đó là thế long giáng. Không đủ kiên nhẫn để chơi một cành đào có thế độc đáo, đẹp, vội chọn một cành tạm ưng cho dịp Tết, chỉ một gốc xòe dăm ba cành nhỏ, không cao lắm, ta gọi nó là thế kim kê độc lập…
Hà Nội vẫn còn số người thích chơi đào thế. Có năm phải lên dinh đào giúp chủ vườn để uốn cây cho có thế đẹp. Nhiều người ít thì giờ, gần Tết mới rủ nhau đi chợ hoa, có khi đi hàng tuần mới tìm được cành ưng ý. Đó là mấy nhà nhiếp ảnh lão thành, mấy thi sĩ cao tuổi, mấy nhà Hán học, mấy nhà viết thư pháp như phượng múa rồng bay, vài nhà văn mê viết về văn hóa Hà thành… Nhưng mỗi năm mỗi thưa vắng dần mà lớp trẻ thì ưa cái xô bồ hơn chưa theo kịp người đi trước. Hội chơi sinh vật cảnh chơi cây thế là chính, chứ chưa có nhiều người chơi đào thế.
Chơi đào thế thì không nhất thiết là đào bích hay đào phai, cũng không cần xum xuê hoa với nụ, mà chọn thế cây là chính. Riêng đào ta, thường mang dáng tự nhiên, không có bàn tay con người uốn nắn, nên nó ẩn tàng một nét dung dị, tự nhiên, quay sang đông hay ngoặt sang tây, vẫy gió từ phương bắc hay ngả về nam. Nét thanh tao sương kính của cành đào ta mộc mạc như cô gái nông thôn còn nguyên chút e lệ mà không phô trương lộ liễu.