Nâng niu những biểu tượng của chiến công vệ quốc

Căn nhà rộng 180m2 tại Lâm Đồng, Đào Thanh Quyền đã dành ra gần một nửa diện tích làm không gian trưng bày hiện vật. Hơn 4.000 kỷ vật trong kháng chiến mà anh dày công sưu tầm trong gần 15 năm được xếp đặt ngăn nắp, hệ thống. Trong đó, huân, huy chương đã chiếm hơn 1.000 bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Đào Thanh Quyền cùng với bộ sưu tập huân, huy chương của mình.
Đào Thanh Quyền cùng với bộ sưu tập huân, huy chương của mình.

Duyên nợ với ký ức hào hùng

Đào Thanh Quyền (Đông Anh, Hà Nội) sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bố anh từng là bộ đội tham gia trong kháng chiến chống Mỹ từ những năm 60 của thế kỷ trước. Cho đến khi anh lớn lên, được thấy những tấm bằng khen, huân, huy chương của bố và các đồng đội của bố, thì anh đã say mê.

Niềm say mê đó đã thôi thúc Đào Thanh Quyền mày mò tìm hiểu: “Cách đây mười mấy năm thông tin trên mạng, trên internet chưa có nhiều, nên tôi phải rất khó khăn để tìm kiếm, tiếp cận với những thông tin về huân, huy chương. Chủ yếu tôi tìm tòi, nghiên cứu qua sách báo và qua những “nhân chứng sống” là bố tôi và các cựu chiến binh là bạn bè của bố”.

Đào Thanh Quyền còn nhớ như in những tấm huân, huy chương đầu tiên mà anh sưu tầm được, đó là kỷ vật của một bác cựu chiến binh người Hà Tĩnh - người đồng đội thân thiết của bố anh. “Ông thấy tôi thích quá nên tặng luôn cho tôi với lời dặn dò phải lưu giữ cẩn thận vì đó là những kỷ vật thiêng liêng, ghi dấu lại những chứng tích oai hùng của một thời máu lửa, của một thế hệ đã không tiếc thân mình, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc”.

“Chính vì vậy, cứ mỗi lần chạm tay vào những tấm huân, huy chương đó, tôi như được chạm tay vào lịch sử, chạm tay vào những chiến tích hào hùng của thế hệ cha anh, cả một vùng ký ức như lại hiện ra trước mắt tôi, cảm giác ấy thật khó tả!”, Đào Thanh Quyền hào hứng.

Từ Kiên Giang, Bạc Liêu cho đến Quảng Bình, Quảng Trị… cứ đằng đẵng làm dày thêm bộ sưu tập mà anh đã mang nhiều “duyên nợ”. Trong đó có những hiện vật đặc biệt quý hiếm như: Bộ Huân chương, Huy hiệu dũng sĩ diệt Mỹ kèm giấy chứng nhận của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; hơn 35 bộ huân, huy chương qua các thời kỳ, từ chống Pháp, chống Mỹ, đến năm 1990, gắn liền các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc; các văn bằng hồ sơ của Thiếu tướng Hoàng Sâm, người Đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân; bằng khen, huân chương kháng chiến của đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Công an đầu tiên…

Đào Thanh Quyền còn lưu giữ hơn 700-800 bộ cầu vai, quân hàm của 5 quân, binh chủng từ cấp binh nhì đến đại tướng qua các thời kỳ từ 1958 đến nay. Đặc biệt trong đó có hàng trăm bộ cầu vai, quân hàm và các hiện vật, sách ảnh, thư tay của hơn 100 tướng lĩnh trao tặng.

Nâng niu những biểu tượng của chiến công vệ quốc ảnh 1

Các văn bằng hồ sơ của Thiếu tướng Hoàng Sâm, người Đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.

Người sau biết tôn vinh thế hệ đi trước

Để có được bộ sưu tập như hiện nay, Đào Thanh Quyền đã mất rất nhiều công sức để tìm kiếm. Có bộ huân chương và giấy chứng nhận của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Quyền phải sưu tầm trong hơn 10 năm mới đủ. “Nhiều khi có những bộ huân chương thì tìm thấy ở một nơi, còn giấy chứng nhận lại tìm được ở một nơi, thật may sao khi ghép vào lại thành một bộ. Tôi nghĩ đó cũng là cơ duyên của mình”, Đào Thanh Quyền nhớ lại.

Một trong những bộ huân chương có nhiều kỷ niệm với Quyền là bộ Huân chương Thành đồng Tổ quốc và Huy chương Thành đồng Tổ quốc. Bộ huân, huy chương này đến với anh cũng là một cái duyên, sau gần 15 năm Quyền đã gắng công tìm kiếm. Vốn bộ huân, huy chương này là của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, người đã trao tặng cho Đào Thanh Quyền nhiều hiện vật. “Bản thân tôi thật tình cũng không biết bác Hiệu có đâu. Mặc dù, tôi đã xin được nhiều hiện vật của bác trong nhiều năm rồi, nhưng chưa bao giờ thấy bộ huân, huy chương ấy cả. Sau hơn 10 năm, một lần tôi vô tình đến nhà bác chơi, bác mới mang ra tặng tôi trong sự ngỡ ngàng, mãi tôi mới nhận ra đây đúng là bộ huân, huy chương mà mình luôn tìm kiếm”, Đào Thanh Quyền kể.

Hay như những kỷ vật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, để có được, anh Quyền cũng phải dành nhiều công sức để thuyết phục gia đình Đại tướng trong 5 năm (từ năm 2016 đến năm 2020). Có lẽ hiểu được tấm lòng của chàng trai trẻ Đào Thanh Quyền, gia đình Đại tướng đã trao tặng cho anh một số kỷ vật mà sinh thời Đại tướng đã sử dụng như bộ quân phục, cầu vai, quân hàm, mũ kê-pi và một số huân, huy chương.

Để bảo quản, phục hồi các hiện vật quý giá, Quyền đã nghiên cứu các tài liệu, phỏng vấn các nhân chứng lịch sử để tái hiện lại từng đường nét, chất liệu, mầu sắc trên các tấm huân, huy chương đúng với nguyên mẫu nhất. Như bộ Huân chương Hồ Chí Minh đầu tiên năm 1949, sau khi dành hơn ba năm sưu tầm, Đào Thanh Quyền tìm cách phục hồi nguyên bản, bởi những tấm huân chương này đã gỉ sét, nhàu đi theo năm tháng.

Có những bộ huân, huy chương, Quyền phải đấu giá ở các trang web nước ngoài như Ebay với chi phí lớn. Tâm sự với chúng tôi, anh cũng bộc bạch: “Nhiều người không hiểu, họ cho rằng, tôi không bình thường khi bỏ ra một số tiền lớn như vậy chỉ để mang về những đồ vật cũ kỹ. Nhưng với tôi, giá trị của những kỷ vật này thiêng liêng, cao cả hơn rất nhiều, không thể đo đếm được bằng tiền”.

Cảm nhận về công việc mà anh Đào Thanh Quyền đang thực hiện, Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng: “Đào Thanh Quyền đã rất kỳ công để sưu tầm các hiện vật của các tướng lĩnh trong Quân đội nhân dân Việt Nam và của các đơn vị, các quân binh chủng, giúp cho người xem hiểu được quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, về cả ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Đặc biệt, các hiện vật mà Quyền sưu tầm đã mang dấu ấn từng giai đoạn lịch sử phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi rất vui khi Quyền thuộc thế hệ sau nhưng đã kế thừa được truyền thống của thế hệ đi trước. Đây là một việc làm hết sức có ý nghĩa, để chúng ta gửi thông điệp cho thế hệ mai sau về truyền thống đánh giặc giữ nước của ông cha, đặc biệt trong thời đại Hồ Chí Minh”.

Không gian trưng bày của anh Đào Thanh Quyền vẫn đang ngày một nhiều thêm các bộ huân, huy chương và kỷ vật chiến tranh, đây là nơi đón nhiều lượt khách tham quan, đặc biệt là các em học sinh trên địa bàn đến tìm hiểu lịch sử, bổ túc cho môn học. Anh mong rằng, trong tương lai có thể kết cấu lại các hiện vật một cách hệ thống, chuyên nghiệp hơn để công chúng, đặc biệt là những người trẻ có thể dễ dàng theo dõi, từ đó giúp lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước, cách mạng đến với thế hệ thanh niên, để họ hiểu thêm về quá khứ hào hùng của dân tộc.

Thiếu tướng Hoàng Kiền, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh cũng rất trân trọng tấm lòng của Đào Thanh Quyền, với ông: “Những hiện vật mà Quyền sưu tầm được sẽ thành một bộ sưu tập có giá trị về văn hóa, lịch sử nước ta nói chung và đặc biệt là của quân đội ta. Bộ sưu tập này nhất định phải được giới thiệu rộng rãi đến công chúng, nhất là cho thế hệ trẻ, thanh niên ngày nay, để mọi người thấy được, học tập và tự hào với truyền thống của dân tộc ta, quân đội ta”.