Nâng cao năng lực của thành viên độc lập hội đồng quản trị

Minh bạch được coi là tiêu chí hàng đầu để bảo đảm tính hiệu quả và tính bền vững của hoạt động quản trị doanh nghiệp và để bảo vệ những lợi ích hợp pháp của các bên có quyền lợi liên quan. Và để nâng cao tính minh bạch trong một doanh nghiệp thì vai trò của thành viên độc lập hội đồng quản trị (HĐQT) là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc thực thi các quy định này, đặc biệt là ở các công ty đại chúng chưa được xem xét một cách cẩn trọng tại Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Bỏ phiếu bầu thành viên hội đồng quản trị tại công ty cổ phần. Ảnh: NGUYỄN MINH
Bỏ phiếu bầu thành viên hội đồng quản trị tại công ty cổ phần. Ảnh: NGUYỄN MINH

Theo khảo sát của Hội Thành viên độc lập Hội đồng quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VNIDA), hiện tại việc bổ nhiệm thành viên độc lập HĐQT tại Việt Nam thường chỉ đơn thuần là để phục vụ mục đích tuân thủ hơn là nhắm đến giá trị thật sự mà thành viên độc lập HĐQT có thể mang lại. Bên cạnh đó, một số báo cáo còn cho thấy sự hiện diện của thành viên độc lập HĐQT mang lại những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh.

Quy định về thành viên độc lập HĐQT bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2007. Kể từ đó đến nay, quy định đã được cải thiện đáng kể và áp dụng rộng rãi đối với các công ty cổ phần chưa đại chúng, công ty đại chúng (bao gồm cả công ty đại chúng niêm yết và công ty đại chúng chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán) và các công ty trong một số lĩnh vực chuyên ngành (ngân hàng, bảo hiểm và quản lý quỹ). Các mô hình quản trị như mô hình quản trị một lớp và mô hình quản trị hai lớp đã được ghi nhận trong pháp luật Việt Nam và các công ty hoạt động theo một trong các mô hình này có thể được yêu cầu phải có thành viên độc lập HĐQT (cùng với ủy ban kiểm toán hoặc ban kiểm soát) trong HĐQT, tùy thuộc loại hình công ty và mô hình quản lý mà công ty lựa chọn.

Yêu cầu về số lượng thành viên độc lập HĐQT được pháp luật quy định rõ ràng đối với từng loại hình công ty, thay đổi từ một phần năm đến một phần ba tổng số thành viên trong HĐQT. Pháp luật đã đưa ra các yêu cầu tương đối cụ thể để bảo đảm tính độc lập của thành viên độc lập HĐQT. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, các quy định này chưa thật sự rõ ràng ở một số điểm và chưa đủ toàn diện để bảo đảm tính độc lập của thành viên độc lập HĐQT. Ngoài các quy định chung dành cho các thành viên HĐQT theo Luật Doanh nghiệp 2020, vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của thành viên độc lập HĐQT không được pháp luật quy định cụ thể.

Thay vào đó, pháp luật trao cho Đại hội đồng cổ đông thẩm quyền quy định vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của thành viên độc lập HĐQT trong điều lệ công ty. Để tạo điều kiện thuận lợi cho quyền độc lập, các thành viên độc lập HĐQT cần được trao cho các quyền phù hợp, bao gồm nhưng không giới hạn ở quyền tiếp cận thông tin và quyền đưa ra ý kiến trong các lĩnh vực quan trọng của công ty như kiểm toán, đánh giá HĐQT, đề cử, thù lao...

Theo VNIDA, các kết quả khảo sát chỉ ra rằng, việc bổ nhiệm thành viên độc lập HĐQT của các công ty đại chúng tại Việt Nam chủ yếu là để đáp ứng yêu cầu luật định về số lượng tối thiểu. Mặc dù các công ty đại chúng đang đạt được các tiến bộ trong việc thúc đẩy các thông lệ quản trị và nhận thức liên quan đến các thành viên độc lập HĐQT đã được nâng cao, việc tuân thủ quy định về thành viên độc lập HĐQT vẫn chưa được chú trọng.

Nhiều công ty chưa tuân thủ, tức là không có thành viên độc lập HĐQT hoặc có thành viên độc lập HĐQT nhưng với một số lượng thấp hơn so yêu cầu luật định. Nhiều công ty không công bố đầy đủ thông tin về độ tuổi, trình độ chuyên môn và mức thù lao của thành viên độc lập HĐQT. Đồng thời, mức thù lao thấp ở nhiều công ty cho thấy thành viên độc lập HĐQT không đóng vai trò quan trọng mà chủ yếu chỉ được bổ nhiệm để đáp ứng yêu cầu luật định.

Vì vậy, cần củng cố và thúc đẩy hơn nữa tầm quan trọng của quản trị công ty nói chung và thành viên độc lập HĐQT nói riêng; tăng cường thực thi các quy định về thành viên độc lập HĐQT để cung cấp khung pháp lý hoàn thiện hơn cho các thành viên độc lập HĐQT thực hiện và tối đa hóa giá trị từ các nhiệm vụ và trách nhiệm được kỳ vọng của họ; và liên tục nâng cao chất lượng và chuẩn mực của thành viên độc lập HĐQT để ngày càng có nhiều công ty nhận thấy được các lợi ích của thành viên độc lập HĐQT và thực hành các thông lệ tốt.

Để làm được điều đó, đầu tiên cần có một khung pháp lý hoàn thiện, thẩm quyền và quyền hạn cụ thể của thành viên độc lập HĐQT. Hiện nay, thẩm quyền và quyền hạn của thành viên độc lập HĐQT chủ yếu phụ thuộc vào điều lệ công ty mà chưa được pháp luật quy định cụ thể. Ở một mức độ nhất định, các cổ đông kiểm soát, thông qua nhiều cách thức khác nhau, có thể gây ảnh hưởng đến thẩm quyền và quyền hạn của thành viên độc lập HĐQT. Một trong những quyền quan trọng nhất đối với thành viên độc lập HĐQT để thực hiện vai trò của họ, bao gồm cả vai trò giám sát và vai trò cố vấn, là quyền được tiếp cận thông tin. Nhưng Luật Doanh nghiệp 2020 chỉ quy định chung về quyền yêu cầu cung cấp thông tin của thành viên HĐQT. Tuy nhiên, do thành viên độc lập HĐQT không dành toàn bộ thời gian để làm việc trong công ty, họ có thể không bắt kịp và nắm rõ hết về tất cả các vấn đề đang xảy ra. Do đó, quyền tiếp cận thông tin của thành viên độc lập HĐQT nên được ưu tiên hơn so với các thành viên khác trong HĐQT.

Thứ hai là cần khuyến khích sự tương tác giữa thành viên độc lập HĐQT và các cổ đông. Trong trường hợp chủ tịch của HĐQT không phải là một thành viên độc lập HĐQT, HĐQT nên bổ nhiệm một thành viên độc lập HĐQT đứng đầu hoặc thành viên độc lập HĐQT cấp cao chịu trách nhiệm giải trình trước các cổ đông. Việc bổ nhiệm một thành viên độc lập HĐQT đứng đầu như vậy sẽ cung cấp thêm cho một kênh dự phòng để các cổ đông có thể trao đổi các vấn đề trong trường hợp kênh trao đổi thông thường với HĐQT hoặc giám đốc của công ty bị mất kết nối. Sự hiện diện của thành viên độc lập HĐQT đứng đầu cũng cung cấp một cơ chế bổ sung cho tất cả các thành viên độc lập HĐQT và thành viên HĐQT không điều hành tổ chức các cuộc họp bí mật để thảo luận về bất kỳ vấn đề nào cũng như tạo điều kiện để giải quyết các vấn đề về xung đột lợi ích.

Thứ ba là cần bổ sung quy định về xử phạt để tăng cường việc thực thi các quy định đối với thành viên độc lập HĐQT, các biện pháp xử phạt đối với hành vi không đáp ứng đủ quy định về số lượng các thành viên độc lập HĐQT đối với các công ty đại chúng và các tổ chức tín dụng nên được áp dụng với các loại hình công ty khác, bao gồm các công ty cổ phần chưa đại chúng lựa chọn hoạt động theo mô hình quản trị một lớp.

Thứ tư là cần xây dựng quy định về các ủy ban chuyên môn để nâng cao vai trò cụ thể của thành viên độc lập HĐQT trong các ủy ban chuyên môn của HĐQT, cần thiết phải có khung pháp lý rõ ràng hơn cho việc tổ chức và hoạt động của các ủy ban này, thay vì để công ty tự do quyết định. Cụ thể, tương tự như ủy ban kiểm toán, các mẫu quy chế hoạt động của các ủy ban/tiểu ban khác cũng cần được ban hành.

Thứ năm là cần quy định bắt buộc các nội dung bắt buộc phải có trong báo cáo của thành viên độc lập HĐQT trong ủy ban kiểm toán như thù lao, chi phí hoạt động và các lợi ích khác của ủy ban kiểm toán; kết quả giám sát báo cáo tài chính, tình hình hoạt động, tình hình tài chính của công ty; kết quả đánh giá hệ thống quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ của công ty, các kết quả giám sát HĐQT, giám đốc và các thành viên điều hành khác. Việc thiếu quy định đã dẫn đến thực trạng phổ biến là các hoạt động đánh giá và báo cáo kết quả hoạt động của thành viên độc lập HĐQT và của HĐQT chỉ được thực hiện đại khái, hời hợt và thiếu hiệu quả. Để nâng cao vai trò giám sát của thành viên độc lập HĐQT, cần có quy định chi tiết về các tiêu chí cụ thể và nội dung bắt buộc đối với báo cáo của thành viên độc lập HĐQT và báo cáo của HĐQT, tương tự như quy định về báo cáo của thành viên độc lập HĐQT.

Cuối cùng là phát huy vai trò thành viên độc lập HĐQT như một nghề nghiệp. Để làm được điều này, các hiệp hội và tổ chức nghề nghiệp nên được khuyến khích thiết lập và duy trì một nền tảng hoặc mạng lưới để kết nối các thành viên độc lập HĐQT, đặt ra các tiêu chuẩn/tiêu chí cho thành viên độc lập HĐQT, hỗ trợ cho tiếng nói của thành viên độc lập HĐQT, tăng cường chuyên môn và chia sẻ kinh nghiệm của họ.