Mùa xuân của mẹ

Không còn tầm tã nữa mà thay vào đó là những cơn mưa rả rích vào ban đêm và sáng ra ửng nắng. Mưa giao mùa rất dễ thương, đủ lớn để rửa sạch bụi bặm trên những cành cây ngọn cỏ và đủ nhỏ để hoa lá còn vẹn nguyên xanh nõn.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: NGUYỄN VĂN ĐỨC
Minh họa: NGUYỄN VĂN ĐỨC

Sáng thứ hai, tôi mặc bộ đầm đỏ đô đến cơ quan. Nghe có vẻ nực cười, nhưng không biết từ bao giờ, mầu này đã trở thành điểm tựa của tôi. Đỏ đô, mầu của rượu “boóc-đô” trứ danh. Mạnh mẽ dịu dàng, tinh tế tới mức sự kiêu kỳ được biểu lộ theo một cách nào đó rất tự tin, nghiêm túc. Tôi nghĩ đỏ đô có thể giúp người mặc nổi bật trong bất kỳ tình huống nào nên lúc tâm trạng đặc biệt vui sướng hay lúc cô đơn chán chường, tôi chọn nó để phô trương thầm lặng niềm vui và cũng để khẳng định mình chưa gục ngã nếu đang gặp cơn bĩ cực. Đó là lý lẽ của tôi - hai mẹ con đều thích mầu đó, mẹ bảo đỏ đô là sắc mầu vĩnh cửu của đam mê và nồng ấm. Đừng nói như tình yêu của mẹ nghen. Ôi, chết tôi rồi, sao giờ mới nghĩ ra ý này hả trời? Đồ con gái “mất nết”, trước nay cứ xoay đảo không ngừng trong nỗi đau của mình mà chưa bao giờ nghĩ cho mẹ. Phải làm thân đàn bà không chồng mới thấy (chắc vẫn chưa hết) khoảng trống vắng mênh mang của người mẹ đơn thân - gần trọn kiếp người. Đang miên man theo đuổi dòng suy tư thì chị Hạnh bước vào cùng kiểu chào… “rất chị”:

- Lại tông mầu không thể không chú ý! Hôm nay có gì vui sao, nhỏ?

- Mình thích thì bất thình lình mình vui thôi…

Tôi nói và cười, vẻ rất “trêu ngươi” vì biết chị không thích mầu này. “Chị ghét sự chú ý của người khác nên chả dại mà thu hút…”.

- Vấn đề không nằm ở chỗ thu hút hay không thu hút mà điều cốt lõi là điều gì mới khiến mình tự hài lòng. Cứ dâng hiến cho đời, đó mới là đích thực là tình yêu, đúng hem chị?!

- Ôi giời… Tinh vi bắt ớn! Chứ đứa nào từng trăm nghìn lần đòi tự tử vì một thằng đàn ông phải gió…

Chị Hạnh cười hiền, đó là lý do tôi thân với chị như máu mủ. Nếu không có chị, chắc đã không còn tôi để bồn chồn vào độ chớm xuân như bây giờ… Làm xong, chị Hạnh hẹn tôi mười lăm phút nữa sẽ xuất phát. Ý là lúc sáng tôi đi xe bus tới cơ quan, giờ chị lấy ô-tô chở tôi đi siêu thị rồi đem về tận nhà giao luôn. Lúc nào cũng vậy, chị sẵn sàng chiều đứa em gái không cùng huyết thống này.

*

Chị Hạnh giơ lên chiếc đầm xòe đỏ đô viền đăng ten đen:

- Cái này hợp với em nè! Mẹ con cùng đỏ cho mùa xuân tràn lộc…

Tôi nhìn chị, lòng bất giác trào lên một cảm xúc thỏa mãn. Có một người chị thế này, cuộc sống đã quá ưu đãi với tôi rồi. Nhớ ba cái Tết vừa rồi, sau những sang chấn tơi bời cả hình hài lẫn khối óc, may có chị Hạnh cận kề. Chị bạc phước không chồng con nên thương bé Cún con tôi bằng tình thương của một người mẹ. Rồi cũng chính chị đã thuyết phục tôi ẵm con về mẹ, cho khuất mắt người đàn ông phụ bạc, chịu khó đi làm xa, cực thân nhưng thảnh thơi tâm trí.

*

Nghe dì Út kể ba tôi là một người đàn ông không có tiền đồ, lái xe tải cỡ trung cho một đại lý vật liệu xây dựng nên khi biết chuyện hẹn hò với mẹ, gia đình nhà ngoại không lấy làm điều vui mừng. Nhưng tính mẹ tôi biết, đã quyết gả mình cho ai rồi thì ông Trời cũng không cản nổi. Lấy nhau về, ngay sau đó, đại lý đóng cửa thì ba chuyển qua làm phụ hồ. Dân phụ hồ không có thứ bảy chủ nhật, làm xong, buổi chiều thường lai rai đã đời rồi mới xách đít về. Cứ nói với vợ đi làm ở khu đó, chứ vợ cũng chẳng biết chính xác làm ở đâu, công trình đã tới đoạn nào. Làm phụ hồ đâu được nửa năm thì nghỉ hẳn, ba kêu bà chủ không phải đổ nợ mà chuyển hướng làm ăn. Nên nay ba vẫn đi làm cho bà chủ không già, không trẻ đó, một quán nhậu cỡ bự kiêm luôn phòng karaoke, nhà nghỉ bên cạnh - mô hình ăn chơi khép kín đầu tiên ở quê tôi. Mẹ nghe tin đó cũng há hốc mồm, té ra đi phụ hồ cho công trình của bà chủ, kỳ lạ là không chịu nói thật ngay từ đầu mà cứ ỡm ờ úp mở...

Phục vụ ở “khu ăn chơi khép kín”, ba tôi thường đi tỉnh về say. Chồng say tít mù, lột áo quần đem giặt lại nghe mùi lạ. Đau lắm, đau không chịu nổi đâu - tôi biết cảm giác này. Nhưng tính tôi như lửa nên làm ầm cho ra ngô, khoai liền, còn mẹ thì không. Mẹ có sự im lặng rất cần thiết - không phải cam chịu mà đó là bản lĩnh đàn bà. Chắc cũng vì những dấu hiệu lén lút bị phát giác trong lúc tôi đang tượng hình nên mẹ dằn lòng cư xử ấm êm, chẳng người mẹ nào muốn tâm trạng buồn phiền ảnh hưởng đến đứa con trong bụng cả.

Nhưng giá việc chỉ dừng lại ở mùi nước hoa trên ngực áo. Ngày mẹ lâm bồn, chồng cũng nôn nao chạy vô bệnh viện ôm hôn đứa bé còn đỏ ảu đỏ au, chi tiết ấy làm mẹ cảm động nên vụ tòm tem vụng trộm đã thành chuyện ngoài đường, ngoài sá, con nhỏ sẽ giữ chân bố - mẹ nghĩ và tin như vậy. Cố tìm lý do chính đáng để an ủi mình nhưng hình như lại có cái gì đó không được quang minh chính đại. Vô bệnh viện thăm con sao cứ “mắt dơi mắt chuột”, rón rén bước lại giường của vợ như một tên trộm sợ cảnh sát đang âm thầm theo dõi. Lạ thiệt, ngồi bên đông mà hồn bỏ đằng tây. Bế con trên tay lại nhìn sang giường đối diện bằng đôi mắt đau khổ và áy náy. Không ổn. Rõ ràng không ổn. Mẹ đã không giấu được nỗi uất ức hờn tủi khi ba tôi cứ thấp thỏm nhìn người phụ nữ xinh đẹp ngồi ở giường bên kia, đi thăm cô em gái sinh cùng ngày, cùng phòng với mẹ. Người đẹp không còn trẻ nhưng nhìn chiếc áo đang mặc thì ai cũng hiểu muốn che cái bụng đang căng tràn lên sau. Chắc là quá nhạy cảm thôi, mẹ lại tự dỗ dành mình.

Ôm con về nhà mẹ đẻ, tới chừng cứng cáp thì hai mẹ con về với chồng. Về với chồng, nhưng thực chất chỉ hai mẹ con. Nhà không phải chỗ trọ mà chỉ là nơi ghé về giây lát lấy cái nọ, cái kia rồi xải. Ban đầu về ngủ cho qua đêm nhưng sau đó đêm cũng biền biệt. Hôn nhân khủng khoảng không bờ bến khi có ai đó báo với mẹ chuyện bà chủ của ba tôi có bầu và ổng tò tõ theo chăm như tên đầy tớ phục vụ một bà hoàng. Nuốt nước mắt, mạnh mẽ cầm đơn lên tòa. Thực tế dù đau khổ cũng phải đối mặt. Khi đã không còn tình yêu thì nên “đường ai nấy bước” - mẹ kiên quyết.

Đúng như mong đợi, ba tôi sớm minh bạch người đàn bà tranh sáng, tranh tối kia. Ôi chao! Cái mất của người này đôi khi lại thành cái được của người kia. Đời nó đời vậy!

Lại kể hồi nhỏ tôi èo uột lắm, nay bệnh mai đau, mẹ con tới bác sĩ còn nhiều hơn những cô gái lấy chồng xa về thăm mẹ đẻ.

Khang là một bác sĩ có tiếng ở khoa nhi của bệnh viện tỉnh. Áo blue rất hợp với dáng người cao to, điềm đạm. Bốn hai tuổi vẫn chưa có vợ. Bác bảo, duyên chưa tới có muốn cũng không được…

Y như một bác sĩ riêng, mẹ ẵm tôi tới chỗ bác Khang mỗi khi ốm, nhiều lần rồi thành chỗ quen biết. Nhìn cách bác sĩ nhẹ nhàng với con gái mà mẹ cảm động đến chảy nước mắt - là cung cách của người đàn ông yêu trẻ.

Chuyện này do chính mẹ kể. Hôm đó tôi bất ngờ sốt cao co giật. Đến bệnh viện cấp cứu khi đêm đã gần khuya, đúng ca trực của bác Khang. Trong khi người mẹ trẻ tái mặt thì bác sĩ bình tĩnh, tận tình và không quên vỗ vai dặn đừng quá lo lắng.

Một đêm trắng khiến họ gần nhau hơn. Từ lần đó, mẹ tôi và bác sĩ đã là bạn bè. Gọi điện tư vấn chăm sóc sức khỏe cho con, tâm sự chuyện nọ chuyện kia, rồi hẹn gặp nhau ở đâu đó. Gặp nhau một lần, hai lần… n lần. Cuối cùng, chuyện gì tới cũng đã tới, nếu có cái ranh giới lý trí của tình bạn - tình yêu thì họ đã bước qua hồi nào không hay biết.

- Anh muốn được cùng em chăm sóc con gái?

- Cho em thời gian…

Mẹ còn đắn đo là chuyện dễ hiểu thôi. Người đàn bà nào cũng thận trọng sau một lần đổ nát. Đặc biệt mặc cảm đàn bà cũ.

Lần lựa rồi người lớn bên nhà bác sĩ cũng biết chuyện. Thật khó để chấp nhận cái lý “trai tân lấy gái nạ dòng”, mà lại là “trai tân” danh giá.

- Chắc cô hiểu ý tôi ??

Mẹ bác Khang đã đánh bài ngửa như thế thì làm sao không hiểu. Trong tình cảnh ấy thì chỉ nụ cười ngập nước mắt là câu trả lời thỏa đáng.

*

- Vừa rồi, em vô tình nhặt được lá thư của bác Khang trong ngăn kéo khi đang sắp xếp đồ đạc chuẩn bị đón năm mới. Bác sĩ mới từ Pháp về… Đêm đó, hai mẹ con thủ thỉ tận sáng, cuối cùng em nhất quyết “bắt” mẹ vào phố biển với dì Út - trong khi đã thỏa hiệp với dì và bác Khang để mẹ có một cuộc gặp đẹp hơn mùa xuân rồi.

- Em không sợ?

- Bác Khang vẫn sống một mình - với đứa con gái - sau khi cuộc hôn nhân theo ý cha mẹ đã sớm tan tành. Em còn ước nếu có phép mầu, em muốn chị có thêm một cô em gái nuôi nữa nè!”.

- Ý hay! - chị Hạnh cười ủng hộ. Đây đích thị là cái Tết của mẹ…