Mang tiếng Anh về làng

Với phương châm sống “Lấy khó khăn tạo thành công”, thầy giáo Ating Toàn (trong ảnh), SN 1994, quê huyện Đông Giang, Quảng Nam đã hiện thực giấc mơ mang tiếng Anh về làng, chung sức giúp tương lai vùng cao cùng hội nhập.
0:00 / 0:00
0:00
Mang tiếng Anh về làng

Vượt núi tìm con chữ

Làng Gừng, một ngôi làng nhỏ của vùng cao Đông Giang. Nhiều năm trước, cuộc sống của đồng bào Cơ Tu nơi đây chỉ biết gắn với nương rẫy, cây rừng. Những khó khăn, thiếu thốn đó khiến ý chí phấn đấu tìm tri thức của chàng trai Ating Toàn đã có ngay từ nhỏ. Cậu quyết tâm rời làng, thi vào Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Nam để làm nền móng học lên đại học.

Năm 2012, với mong muốn tạo dựng tương lai cho lớp trẻ cùng vươn lên trong cuộc sống, chàng trai Ating Toàn khăn gói ra Huế học ngành Sư phạm tiếng Anh - Trường đại học Ngoại ngữ Huế. “Từ thời phổ thông tôi đã phải xa nhà, xuống TP Hội An để học, đó là giai đoạn giúp tôi dần luyện tính tự lập. Nhờ vậy mà khi quyết định ra Huế học đại học, mọi thứ cũng dễ dàng hơn”, thầy Toàn tâm sự.

Hành trình bốn năm học ở Huế, Ating Toàn tìm các công việc làm thêm có tính chất tương tác, giao tiếp với người nước ngoài để luyện thêm ngoại ngữ. “Càng khó khăn càng phải rèn luyện để sau này có thể thành công. Ít nhất là thành công hơn với chính mình của ngày hôm qua”, thầy Toàn tự nhủ.

Ngày trở về giảng dạy ở quê nhà Đông Giang với tấm bằng loại giỏi, nhìn thấy học trò vẫn còn có khoảng cách nhất định với môn tiếng Anh, thầy Toàn cho rằng, phải làm một điều khác biệt hơn. Cùng bàn bạc với các giáo viên khác, thầy Toàn tìm tòi phương pháp dạy học mới, cho phép học sinh sử dụng thiết bị di động để tiếp cận với các phần mềm, ứng dụng học tiếng Anh trong lớp học để tương tác trên nền tảng bài học chung (giáo viên sẽ quản lý các thiết bị di động này). Ngoài ra, học sinh được giáo viên “giao khoán” trước một số nội dung để các em tự xây dựng bài, sau đó thuyết trình nhóm theo đề tài đã được chuẩn bị. Quá trình học tại lớp thực tế là sự trao đổi, góp ý của các nhóm với nhau. Giáo viên sẽ là người theo sát, đúc kết lại bài học theo tiến độ phù hợp cho học sinh kịp tiếp thu.

Từ khi phương pháp này được áp dụng ở Trường THPT Quang Trung (Đông Giang), việc dạy và học môn tiếng Anh đã có sự chuyển mình nhất định.

Mở lối tương lai bằng ngoại ngữ

Năm 2019, sau khi được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cử đi tập huấn tại Trường đại học Tôn Đức Thắng (Thành phố Hồ Chí Minh), thầy Ating Toàn cùng với các thầy, cô nhóm bộ môn Ngoại ngữ đã tham mưu với nhà trường thành lập CLB Tiếng Anh để học sinh Trường THPT Quang Trung cùng giao lưu, sinh hoạt mỗi tháng một lần. Từ những phương pháp giảng dạy hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, thầy và trò vùng sơn cước Đông Giang ngày càng gần hơn với ước mơ chinh phục tiếng Anh.

“Sung sướng là cảm xúc của tôi khi học trò đoạt giải ở các cuộc thi Olympic, Tài năng tiếng Anh. Bản thân tôi muốn các em phải nỗ lực nhiều hơn nữa, không chỉ dừng lại ở điểm số. Khi đi thi cấp tỉnh, việc cọ xát, giao lưu với các trường ở đồng bằng sẽ là bước đệm cho học sinh vùng cao chuẩn bị hành trang cho cuộc sống cũng như cho việc học lên cao sau này”, thầy Toàn nói.

Là vùng đất có đủ các tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng như làng văn hóa Bhơ Hôồng, làng nghề dệt Đhrôồng, khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang… những năm qua, lớp trẻ Đông Giang dần chủ động tiếp cận với tiếng Anh để sẵn sàng tiếp đón, hướng dẫn du khách quốc tế tham quan quê hương. Tấm gương sáng của thầy giáo Ating Toàn say sưa trò chuyện với ông khách Tây là một trong những nguồn cảm hứng cho các em học sinh đến với ngoại ngữ.

Không những là giáo viên trẻ giảng dạy môn tiếng Anh, thầy Ating Toàn còn là đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Đông Giang nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là điều kiện giúp thầy có cơ hội bàn bạc, thảo luận và giải quyết những khó khăn không chỉ của nhà trường, của ngành giáo dục huyện nhà mà còn những vấn đề khác trước hội đồng. Ngoài những nghiệp vụ sư phạm nhất định, thầy Toàn hiểu rằng, độ tuổi học trò cần nhất là sự sẻ chia. Ating Toàn là thầy giáo trong lớp học nhưng khi về nhà, hình ảnh “anh Toàn”, một người anh tâm lý, giản dị luôn được học trò yêu mến. Mỗi ngày, sợi dây thân tình đó góp phần uốn nắn học trò, góp phần vạch ra tương lai tươi sáng hơn nơi vùng núi cao.