Lúng túng chọn môn tổ hợp

Năm học 2022-2023, lần đầu tiên lớp 10 sẽ thực hiện Chương trình mới - còn gọi là Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Dù đã chắc chân vào lớp 10 công lập nhưng nhiều phụ huynh, học sinh, thậm chí cả nhà trường đang lúng túng trong việc tổ chức cũng như lựa chọn môn học theo tổ hợp.
0:00 / 0:00
0:00
Lựa chọn học theo tổ hợp là định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Ảnh: BÍCH NGỌC
Lựa chọn học theo tổ hợp là định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Ảnh: BÍCH NGỌC

1/Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh học tất cả 12 môn, trong đó có bảy môn và hoạt động bắt buộc, năm môn lựa chọn theo ba nhóm: Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, nhóm Công nghệ và nghệ thuật. Việc phụ huynh và học sinh lựa chọn tổ hợp môn học từ lớp 10 đồng nghĩa với định hướng lựa chọn nghề nghiệp sớm.

Em Nguyễn Thanh Xuân, học sinh vào lớp 10 Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ: “Đứng trước các tổ hợp, em phải tự nhìn lại năng lực. Em cũng cần phải biết đâu là thế mạnh, đâu là điểm yếu để đưa ra lựa chọn phù hợp và chính xác!”. Anh Nguyễn Thành Long, phụ huynh có con theo học tại Trường THPT Việt Đức nói: “Mình thấy đổi mới giáo dục như vậy rất ổn, tạo điều kiện cho các con khi định hướng tương lai từ sớm. Tùy theo ngành nghề con theo đuổi mà các con sẽ đăng ký những tổ hợp môn học cho phù hợp nguyện vọng”.

Là một trong những trường công lập có chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất ở Hà Nội, Trường Việt Đức đã sớm xây dựng kế hoạch tuyển sinh và chương trình dạy theo tổ hợp môn để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh, đồng thời chủ động thông tin hướng dẫn cụ thể cho phụ huynh. Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ngay sau kỳ tuyển sinh vào 10, trường đã nhận được rất nhiều thắc mắc của phụ huynh về việc lựa chọn các môn tổ hợp theo mục tiêu vào các trường đại học, về đội ngũ giáo viên, về việc thay đổi tổ hợp sau một năm học… Chúng tôi sẽ phải dành một buổi tư vấn cho các bậc phụ huynh”.

2/Rất nhiều phụ huynh và học sinh lớp 10 đang đứng trước việc lựa chọn tổ hợp môn học. Chia sẻ về vấn đề này, PGS, TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu, Đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nói: “Đây là lần đầu tiên các trường phổ thông thực hiện việc phân nhóm học sinh học theo tổ hợp với các môn học khác nhau. Trong khi, việc thi đầu vào THPT vẫn theo các môn giống nhau. Giá như ngay từ lớp 7-8-9 ở bậc THCS, các em học sinh đã được định hướng xu hướng mình lựa chọn môn học như thế nào, mình sẽ thi vào lớp 10 và được phân theo đúng nhóm, nguyện vọng, sở trường của mình thì sẽ logic hơn!”.

Một giáo viên THPT lo lắng: “Mới đây, môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc. Sự thay đổi đó vào thời điểm này tôi cho là cập rập khi mà các trường đã công bố xây dựng tổ hợp rồi và cho học sinh đăng ký môn tự chọn cũng xong rồi! Ngay sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có cam kết trong hai tháng chuẩn bị xong các phương án để đưa môn Lịch sử vào học tập bắt buộc. Nhưng sự thay đổi liên tục này làm đội ngũ giáo viên, nhà trường và cả học sinh rất “chóng mặt!”.

3/Mục tiêu của việc xây dựng tổ hợp các môn học là để các em học sinh THPT có thể lựa chọn theo năng lực của mình. Tuy nhiên, nhiều trường đang rất lúng túng về năng lực đáp ứng như đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất… PGS Chu Cẩm Thơ cho biết: “Tháng 3 tôi có làm một nghiên cứu trong phạm vi trên websise của các trường thôi, tôi rất ngạc nhiên là kỳ thi tuyển sinh đã đến, năm học mới đã đến mà chưa trường nào công bố phương thức tuyển sinh cũng như tổ hợp môn học cả. Về lý thuyết, chúng ta có vô cùng nhiều các phương án tổ hợp các môn học, học sinh có 108 sự lựa chọn tổ hợp môn nhưng đến nay, trường nào nhiều nhất cũng chỉ có 15 tổ hợp, còn lại thông thường 7-8 tổ hợp cho học sinh lựa chọn thôi. Bởi vì chúng ta phải cân đối giữa nhu cầu của học sinh hiện nay, trong khi nhu cầu này đến khi học sinh đỗ vào 10 mới biết được. Đây chính là bất cập cho quá trình tiếp theo trong quá trình giáo dục các em ở trường học”.

Những lúng túng ban đầu này rất dễ dẫn đến việc học sinh sẽ có những lựa chọn ban đầu chưa phù hợp và sau này sẽ phát sinh việc các em có nguyện vọng thay đổi tổ hợp môn học. Văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn tổ chức năm học 2022-2023 đã ghi rõ: “Lần đầu tiên lớp 10 sẽ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh có thể thay đổi nguyện vọng theo học tổ hợp”. Tuy nhiên, quyền quyết định cuối cùng lại là các hiệu trưởng. Dựa trên năng lực của nhà trường, hiệu trưởng mới ký duyệt và báo cáo với Sở Giáo dục và Đào tạo.

Với cái vòng luẩn quẩn này, nhiều phụ huynh đang rất lo âu trước những cái “mới” vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai cho con em mình!