Nhiều bệnh nhưng không được đi khám
Mỏ chì kẽm Chợ Điền nằm ở xã Bản Thi là mỏ chì kẽm lớn nhất Việt Nam. Vài chục năm qua, Công ty TNHH Một thành viên Kim loại mầu Bắc Cạn đã khai thác, chế biến khoáng sản tại đây. Công nghệ chế biến chủ yếu là tuyển nổi, sử dụng nhiều nước trong quá trình sản xuất, phát sinh nhiều nước thải sau tuyển quặng. Phần lớn các ngày trong năm, người dân phải sống trong điều kiện có mùi từ nhà máy, đồng thời không rõ nguồn nước sinh hoạt có bị nhiễm chì hay không.
Anh Triệu Tài Thành, thôn Kéo Nàng cho biết, bà con sinh sống sát mỏ khai thác, các xưởng chế biến của công ty nên cũng rất lo lắng về tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, đa phần các hộ còn nghèo nên cũng chưa có điều kiện đi khám, kiểm tra xem sức khỏe, mức độ nhiễm độc chì ra sao. Năm ngoái, khi có đơn vị xuống xét nghiệm cho các cháu học sinh thì riêng Kéo Nàng có 15 cháu đều bị nhiễm chì ở nhiều mức độ. Người dân đặc biệt lo lắng khi có đơn vị khai thác khoáng sản ở đầu nguồn nước chảy xuống thôn.
Theo lãnh đạo xã Bản Thi, trên địa bàn ở nhiều hộ có tình trạng, vịt nuôi thả ở suối, ao thường xuyên bị què chân không rõ nguyên nhân, chậm lớn. Tình trạng nhiều người bị bệnh tim, mạch… không phải hiếm, có thời điểm tỷ lệ người dân trong xã mắc các chứng bệnh như chóng mặt, buồn nôn, khó thở, tức ngực, bệnh ngoài da, huyết áp, mắt, khớp... ở mức cao so các xã khác. Đặc biệt, khu vực trường học nằm cách không xa nhà máy chế biến càng khiến người dân lo lắng. Cách đây vài năm, một số giáo viên của nhà trường được đi xét nghiệm lượng độc tố chì trong cơ thể. Kết quả cho thấy các giáo viên đều bị nhiễm chì ở mức 5 đến 10 mg chì/lít máu, có trường hợp có mức nhiễm từ 17 đến 20 mg/lít máu đã phải đi tẩy chì. Nhiều biểu hiện khiến người dân lo ngại. Do vậy, liên tục trong các đợt tiếp xúc cử tri, người dân đã phản ánh tới cơ quan chức năng.
Trưởng thôn Hợp Tiến Khổng Thanh Phụ cho biết, chúng tôi nơm nớp lo lắng vì biết là ô nhiễm nhưng mức độ tới đâu thì lại không rõ. Đặc biệt, thời gian qua, một số giáo viên công tác tại trường THCS đóng trên địa bàn thôn tự đi kiểm tra mức độ nhiễm độc chì cho kết quả cao, trong thôn nhiều người mắc bệnh về phổi, tim mạch. Hiện tại, người dân trong thôn đang thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nguồn nước cũ phập phù không bảo đảm, nước giếng khoan không sử dụng được. Thôn định lấy nước từ nguồn trên đỉnh Phja Khao về nhưng cũng phải bỏ do lo sợ nhiễm chì. Người dân đã nhiều lần kiến nghị công ty phải hỗ trợ đưa đi tẩy chì nhưng mãi đến năm 2018 mới được đưa đi một lần duy nhất.
Trạm trưởng Y tế xã Nguyễn Chí Dư cho biết, hiện tại tỷ lệ người dân trong xã mắc các bệnh về hô hấp, thần kinh, xương khớp… ở mức cao so các xã khác. Nguyên nhân chủ yếu là do môi trường không khí, nước bị ô nhiễm gây ra. Cần sớm có giải pháp khắc phục để bảo đảm sức khỏe cho nhân dân.
![]() |
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Cạn lấy mẫu máu xét nghiệm nhiễm độc chì cho người dân xã Bản Thi.
Sản xuất phải tránh xa khu dân cư
Vừa qua, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) đã lấy mẫu, xét nghiệm nồng độ chì tại xã Bản Thi. Kết quả cho thấy, môi trường ở Bản Thi có biểu hiện ô nhiễm chì, nhất là đất dân sinh. Cụ thể, 28/30 mẫu đất có hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn cho phép; ba mẫu rau, ba mẫu nước sinh hoạt, một mẫu quả có nồng độ chì vượt tiêu chuẩn cho phép. Nồng độ chì trong không khí ở mức cao. Tỷ lệ trẻ em nhiễm chì mức độ nhẹ chiếm tới 80%, các trường hợp này chưa có chỉ định điều trị bằng thuốc thải chì nhưng cần phải có biện pháp dự phòng để hạn chế tác động bất lợi tới sức khỏe. Viện kiến nghị cần di chuyển khu tập kết quặng ra xa khu dân cư; trồng cỏ, cây lâu năm bao phủ đất khu vực nồng độ chì cao; không trồng các loại rau ăn lá, củ trên đất có nồng độ chì vượt quá 400 mg/kg; thực hiện tốt an toàn vệ sinh, tránh mang chì từ nơi ô nhiễm về nhà.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Bản Thi Triệu Tài Xương, mức độ nhiễm độc chì đương nhiên là phổ biến khi năm ngoái xét nghiệm cho tất cả các cháu nhỏ thì gần 100% bị nhiễm ở nhiều mức độ. Công ty khai thác hầm lò sâu khiến mực nước ngầm bị tụt, đến nay, tại thôn Phja Khao, nguồn nước đã cạn dần, nguy cơ gây thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tới. Bí thư Xương nhấn mạnh: Chúng tôi không đồng tình với việc công ty đã khai thác, chế biến khoáng sản 32 năm trên địa bàn, thu rất nhiều lợi nhuận nhưng tỷ lệ trích lại từ phí tài nguyên-môi trường, đóng góp, hỗ trợ bảo vệ môi trường trên địa bàn gần như không có.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Cạn Nguyễn Tiến Tôn, tỉnh đã có chỉ đạo trung tâm khẩn trương triển khai lấy mẫu đối với toàn bộ người dân ở xã Bản Thi để xét nghiệm, đưa ra kết quả chính xác về mức độ nhiễm độc chì để có giải pháp kịp thời. Tổng cộng, toàn xã có hơn 1.465 người dân cần lấy mẫu máu, hiện trung tâm đã lấy mẫu được hơn 800 người. Trung tâm sẽ hoàn thành việc lấy mẫu, xét nghiệm trong năm 2018.
Trong khi đó, thông tin từ Sở Y tế Bắc Cạn cho thấy, theo kết quả của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường thì ước tính toàn xã Bản Thi có 282 người nhiễm mức nhẹ, 55 người nhiễm mức trung bình và chín người nhiễm nặng. Sau khi có kết quả chính xác, Sở chỉ đạo đối với các trường hợp nhiễm nhẹ, trung bình sử dụng sản phẩm thải độc chì, điều trị trong hai tháng; định kỳ hằng năm xét nghiệm theo dõi. Đối với các trường hợp nặng sẽ chuyển đi điều trị tẩy độc chì tại Hà Nội.
Trước mắt, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Cạn đã khuyến cáo người dân Bản Thi giữ gìn sạch sẽ nhà ở nếu trong nhà có người tham gia tái chế chì; giữ gìn vệ sinh cá nhân; có chế độ ăn lành mạnh. Bắc Cạn yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên Kim loại mầu Bắc Cạn hằng năm phối hợp khám sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay, người dân ở Bản Thi vẫn sinh sống rất gần nhà máy chế biến, sử dụng nhiều nguồn nước mặt, nước ngầm trong sinh hoạt. Về lâu dài cần có giải pháp căn cơ hơn như di dời các điểm tập kết, chế biến quặng, xử lý đất nhiễm chì, kiểm tra các biện pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất của công ty; theo dõi, chăm sóc sức khỏe định kỳ để nhân dân yên tâm sinh sống.