Ngược thượng nguồn

Ký ức dòng sông

“Tăng ta la lắng tăng, tăng ta la lắng tăng tăng...” - không hiểu sao khi nghe âm thanh này tôi lại nhớ đến đầu nguồn sông Kỳ Cùng (Lạng Sơn). Ở đó có một người chị mà mỗi lần gặp, chị lại kể chuyện mình, cứ như thể chúng tôi là chị em một nhà, đứa được ăn học đến nơi đến chốn, đứa dang dở... sách đèn!
0:00 / 0:00
0:00
Đầu nguồn sông Kỳ Cùng. Ảnh: THUẬN BÙI
Đầu nguồn sông Kỳ Cùng. Ảnh: THUẬN BÙI

Đầu nguồn... thời con gái

Nay, về lại dòng sông, nhìn thôn bản của người Nùng, người Tày với thiết kế trình tường, mái ngói âm dương thâm nâu, sống dọc theo dòng chảy và con đường đi về phía thượng nguồn rất thoải mái, không lầy lội trơn trượt, trèo dốc, băng qua suối như xưa. Trên đường, nhiều cửa hàng tạp hóa, hàng ăn uống, quán cà-phê khiến người đi không bị rơi vào cảm giác heo hút, hoang mang như ngày ấy.

Năm đó, tôi vừa tròn 21 tuổi, với tấm bằng trung cấp sư phạm, được phân công về một bản nhỏ thuộc xã biên giới Bắc Xa (Đình Lập), dạy các em học sinh. Cứ nhìn mặt các em nhọ nhem, cách đưa tay quẹt ngang mũi, tôi càng yêu nét thơ ngây đó và chăm bẵm các em như người chị. Những năm đó, tạm bợ lắm, điện-trường-trạm không có, tiền cũng khó tiêu vì ở đó không ai buôn bán gì mà đồng lương của chúng tôi vẫn không đủ ăn, vẫn xin gạo mẹ gửi.

Thôn Bản Văn của tôi, nằm ở giữa hai con suối thượng nguồn, chảy từ tít tầng rừng cao, núi thẳm với những cú lao dốc ầm ào như cách tôi đi xe đạp bị mất phanh, miệng toáng lên. Tôi ở trong một căn nhà của người đồng bào, nhà rộng, neo người, chỉ có bà cụ và tôi, cụ ông mất rồi, con cái ở riêng. Căn nhà đó cũng là lớp học.

Chị Nông Thị Mượn, người bạn hàng xóm, nói tiếng phổ thông giỏi nhất ở đây. Chị kể, nếu ngày xưa, chị không yêu sớm, chị cũng được làm cô giáo đấy. Nghe vậy, tôi lại nghĩ về dòng nước mát lạnh đầu nguồn, khi mình u mê thẫn thờ vì chuyện gì đó, chỉ cần thả chân xuống nước, mọi thứ bất chợt tỉnh táo trở lại với mình. Ước mơ bị lỡ hụt của chị Mượn do chị xa nguồn nước mát sông Kỳ Cùng? Chị Mượn kể, chị được về thị trấn huyện Đình Lập học nội trú, học xa lắm xa xôi, chị mân mê tấm khăn trong lòng bàn tay, miệng nói về cái thuở đi học. “Chồng chị hay về nhà thôi. Anh ấy có đôi chân đi bộ bám đất như con gà rừng”.

“Mỗi lần anh về, nhà lại gửi cho tôi ít đậu lạc, bột sắn khô làm bánh. Nhưng anh cũng mang phần xôi, bắp ngô luộc của nhà anh cho tôi... Rồi” - chị ngừng lại, mặt thèn thẹn, “rồi tôi có bụng chửa, tôi không được học nữa, về nhà để đẻ con”.

Tôi choàng ôm chị Mượn, hơi ấm, mùi nước lá rừng chị gội đầu truyền cho tôi một sự nhẹ nhõm, một sức sống nơi này. Ngày đầu, tôi mới về đây, quan sát người dân đi trên đường, hễ thấy bộ đội, cán bộ, giáo viên đi ngược chiều là họ dừng lại hoặc đứng nép bờ đường để nhường. Nếu chúng tôi có bị sa sảy trên đường là chạy lại đỡ đần, ân cần lắm. Ngày đó, hoa chuối rừng, mớ cúc tần, ngải cứu đều được bà con đem cho, củi nấu cũng được đem đến trường cho cô giáo.

Trở lại với chuyện của chị Mượn, chị kể: “Ngày đó, tôi cũng được để tóc dài xõa ngang vai, chân đi dép lê, cũng được múa, được hát trong những ngày hiến chương thầy cô giáo... thích lắm!”.

Chị Mượn trở về với đầu nguồn sông Kỳ Cùng, sống cuộc sống như bao người phụ nữ, chồng chị cũng xin nghỉ học, về nhà lao động nuôi vợ con. Khi tôi về làm giáo viên cũng là ngày chị đưa đứa con gái đầu lòng đến điểm trường ghi tên, vào học. Hôm đó, chị Mượn mặc chiếc áo bê bết nhọ nồi, mặt thẹn, tay núm kéo cái chỗ vạt áo xấu bẩn. Chị kể, hôm qua gánh xoong nồi ra dòng nước cọ rửa, rồi chị bị té, nồi xoong lăn chỏng quảnh, cọ nhọ áo quần. Tôi cầm tay chị, nói nhỏ đừng ngại điều đó.

Mới đó, cũng đã hơn 30 năm, chị Mượn đã lên bà, bản làng mái ngói thâm nâu một mầu, nay đã lốm đốm nhà tôn, nhà tầng. Tôi cũng già đi theo tháng năm. Và bây giờ, ở bản Văn, bản Mạ, bản Quảy, bản Chè Mùng, bản Kéo Cần, bản Khuổi Sâu... ai cũng có dép lê để đi, không ai phải mơ ước như chị Mượn. Mà thân tình lắm, chị mới kể với tôi về thời con gái của chị.

Ký ức dòng sông ảnh 1

Sông Kỳ Cùng chảy qua thành phố Lạng Sơn. Ảnh: THUẬN BÙI

Dòng sông vẫn bên tôi

Hết ba năm nghĩa vụ giáo viên miền núi xa xôi, tôi lưu lại đó thêm một năm nữa mới được chuyển vùng. Ngày tôi chia tay nơi đó cũng là ngày chị Mượn quyến luyến nhìn theo một chiếc xe đạp công kênh cái rương gỗ đựng quần áo cùng vài thứ đồ buộc bên trên. Con đường xuôi theo sông Kỳ Cùng, cong theo sông Kỳ Cùng nhưng vang tiếng nhạc “tăng ta la lắng tăng, tăng ta la lắng tăng tăng...” .

Tiếng nhạc “tăng ta la lắng tăng, tăng ta la lắng tăng tăng...” là tôi tự phiên âm khi nghe âm thanh đâu đó trong bản, trong khuya, vang lên. Tôi cũng không hỏi ai về điệu nhạc đó và giữ cho riêng mình để khi vui, nhảy chân sáo cũng “tăng”, lúc buồn cũng “tăng” lên một tiếng để cắt cơn buồn.

Rồi, tôi nghĩ lại, cũng như chị Mượn xa nguồn nước đầu nguồn, khiến chị không tỉnh táo, lỡ đường học hành. Tôi xa đầu nguồn, sống giữa phố thị đông đúc, một năm có ba tháng nghỉ hè, một áp lực khác nữa phải tham gia hỗ trợ kinh tế gia đình, tôi tập tành buôn bán và so sánh. Khi so sánh là người ta muốn phá vỡ và tôi rẽ sang một hướng khác. Tôi đã đánh mất ước mơ của chị Mượn, bỏ cả một quá trình theo đuổi của mình.

Nhớ một lần, về cửa khẩu Bình Nghi (Tràng Định, Lạng Sơn), tôi gặp một cô giáo ở đây. Tôi khoe từng là giáo viên đầu nguồn sông Kỳ Cùng. Và cô cũng khoe, cô là giáo viên dạy ở đầu nguồn sông Kỳ Cùng? Cô hỏi tôi, dạy ở xã nào trong huyện Tràng Định? Tôi đáp lời cô giáo, sông Kỳ Cùng chảy từ phía đông sang phía tây của tỉnh, chỗ cô dạy cũng chỉ là một nhánh suối nhỏ đổ vào sông Kỳ Cùng, tôi mới đích thị đầu nguồn. Chúng tôi cùng cười, vì không ai sai nếu chúng ta chưa hiểu hết dòng sông.

Đầu nguồn sông Kỳ Cùng của tôi ngày ấy, với những thôn, bản mà tôi nhớ nằm lòng, dòng nước vẫn trong xanh như năm xưa tôi đến đây. Nhưng con đường đến với các bản làng ven biên giới thì đã khác hẳn, cộng với phương tiện di chuyển là xe máy, ô-tô nên mỗi chuyến đi vào bản như một chuyến đi du lịch an nhàn. Người dân ở đây có cuộc sống khá hơn nhờ trồng thông, lấy nhựa bán qua biên giới.

Sách “Địa chí Lạng Sơn” ghi: Sông Kỳ Cùng là sông lớn nhất của Lạng Sơn, có chiều dài 243km, bắt nguồn từ vùng núi Bắc Xa (Đình Lập) chảy hướng đông nam - tây bắc qua Lộc Bình, Điềm He, Na Sầm, Thất Khê (Tràng Định). Tại đây sông uốn khúc chảy theo hướng tây bắc - đông nam tới biên giới rồi chảy sang nước bạn. Ở mỗi vùng đất mà sông chảy qua, sẽ được dân gian dùng chính tên đất để gọi tên sông, như sông Khuất Xá (Lộc Bình), sông Na Sầm (Văn Lãng). Dân cư sống hai bên bờ sông Kỳ Cùng chủ yếu là người Tày, người Nùng tạo nên những nét văn hóa đặc sắc. Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ bên dòng sông Kỳ Cùng diễn ra tại thành phố Lạng Sơn, từ ngày 22 đến 27 tháng giêng âm lịch.