Khởi động nhiều dự án giao thông trọng điểm

Cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Bến Lức-Long Thành, các tuyến đường vành đai… là những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang được TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh lân cận nỗ lực chuẩn bị các đầu việc liên quan để sớm đưa vào khởi công xây dựng. Qua đó, nhằm đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông vùng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Một đoạn đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây. Ảnh: VNEXPRESS
Một đoạn đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây. Ảnh: VNEXPRESS

“Nút thắt” được khơi thông

Trước tình trạng quá tải trên tuyến đường dẫn vào cao tốc TP Hồ Chí Minh- Long Thành-Dầu Giây, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh vừa có báo cáo gửi UBND thành phố về tình hình thực hiện các dự án giao thông liên vùng. Trong đó, đề xuất thành phố chi hơn 1.123 tỷ đồng để mở rộng gần 4km đường dẫn cao tốc từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2 (TP Thủ Đức) trong quý II/2025, hoàn thành năm 2027, với vận tốc thiết kế 80km/giờ, bề rộng 36m, 8 làn xe. Theo Sở Giao thông vận tải, việc sử dụng ngân sách thành phố để triển khai dự án mở rộng đường dẫn cao tốc là phù hợp vì dự án thuộc thẩm quyền quản lý của TP Hồ Chí Minh. Chưa kể, đoạn đường dẫn này đã giải phóng mặt bằng theo hành lang rộng 116m.

Tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây dài hơn 55km, đã khai thác từ năm 2016 với quy mô bốn làn xe. Tháng 6/2022, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã xây dựng phương án mở rộng, đoạn từ sau nút giao An Phú tới nút giao cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Tiếp đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đã có văn bản thống nhất với đề nghị của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, kiến nghị Thủ tướng xem xét giao VEC thực hiện các bước chuẩn bị mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây. Theo Bộ Giao thông vận tải, từ khi đưa vào khai thác đến nay, lưu lượng xe trên cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây liên tục tăng cao (trung bình khoảng 10,45%/năm), nhiều đoạn đã mãn tải. Với quy mô bốn làn xe hiện tại, đoạn tuyến từ nút giao An Phú (Km 0) đến nút giao cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (Km 25+920) không đáp ứng được nhu cầu vận tải, đặc biệt là khi sân bay Long Thành đi vào khai thác. Do đó, việc nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến cao tốc là cần thiết và cấp bách. Nếu được thực hiện, tuyến cao tốc sẽ mở rộng 22km, từ nút giao vành đai 2 đến nút giao với cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Quy mô mở rộng từ 8 đến 10 làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến 14.787 tỷ đồng, thực hiện trong năm 2023 đến năm 2026.

Một dự án giao thông quan trọng khác là cao tốc Bến Lức-Long Thành cũng đang được tái khởi động lại sau hơn ba năm dừng thi công. Theo đó, VEC vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến việc bố trí vốn đối ứng cho dự án. Cụ thể, VEC cam kết sẽ tự bố trí số tiền 758 tỷ đồng cho phần vốn đối ứng còn lại của dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức-Long Thành, đồng thời sẽ cân đối tài chính để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của VEC (bao gồm các khoản vay ODA đến hạn và trả nợ gốc, nợ lãi trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định). VEC cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương về bố trí vốn đối ứng cho dự án xây dựng tuyến cao tốc để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo. Hiện, khối lượng thi công của công trình đạt khoảng 80%. Dự án được khởi công từ năm 2014, dự kiến hoàn thành vào năm 2019 nhưng do gặp nhiều vướng mắc về cơ chế pháp lý, trong đó có thủ tục bố trí vốn ODA, vốn đối ứng, nên phải dừng từ giữa năm 2019. Mới đây, Bộ Giao thông vận tải cũng đã trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và thời gian hoàn thiện dự án vào năm 2025.

Cùng với đó, cao tốc TP Hồ Chí Minh-Mộc Bài đã được TP Hồ Chí Minh trình Chính phủ chủ trương đầu tư. Nếu được thông qua, năm 2023, thành phố cố gắng hoàn tất lập dự án, lựa chọn nhà đầu tư và khởi công vào năm 2024. Tuyến cao tốc là điểm đầu của vành đai 3 và kết nối với vành đai 4 nên có ý nghĩa chiến lược về kết nối vùng.

Tương tự, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ khởi động lại dự án vành đai 2 sau nhiều năm gián đoạn. Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Trần Quang Lâm, dự án vành đai 2 dài 64km còn tới 14km chưa khép kín, chia làm bốn đoạn. Hiện, Sở đã cơ bản chuẩn bị xong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với tổng mức đầu tư đoạn 1 và đoạn 2 (dài hơn 6km) khoảng 17.000 tỷ đồng. Nếu dự án được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư năm 2023, công trình có thể hoàn thành năm 2026.

Đối với đường vành đai 3, đi qua TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An, dự kiến sẽ khởi công vào tháng 6/2023 và hoàn thành năm 2026. Đối với dự án vành đai 4, dài gần 200km, đi qua TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu, đã được các địa phương thống nhất trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư vào cuối năm 2023. Theo dự kiến sẽ khởi công dịp 30/4/2025, cơ bản hoàn thành và thông xe kỹ thuật cuối năm 2027, khai thác năm 2028.

Là tuyến “độc đạo” ra vào Cảng Cát Lái (TP Thủ Đức), đường Đồng Văn Cống được thành phố nâng cấp, mở rộng nhưng đến nay dự án trọng điểm này đã chậm trễ khoảng 27 tháng (hơn 2 năm) so tiến độ đề ra, nhà thầu thi công ngưng thi công từ tháng 6/2022. Mới đây, ngày 6/3, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (chủ đầu tư, gọi tắt Ban Giao thông) đã báo cáo UBND thành phố và đề xuất đổi nhà thầu để tiếp tục thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường Đồng Văn Cống. Nếu được UBND thành phố chấp thuận, Ban Giao thông sẽ triển khai ngay thủ tục chỉ định nhà thầu phụ đủ năng lực, kinh nghiệm theo quy định và sẽ tiến hành thi công ngay trong tháng 3 và hoàn thành toàn bộ công trình trước ngày 31/8 tới.

Khởi động nhiều dự án giao thông trọng điểm ảnh 1

Tuyến đường vành đai tại TP Hồ Chí Minh được khởi động trở lại. Ảnh: THÀNH SƠN

Tăng tốc, không để lỗi hẹn

Để bảo đảm tiến độ thi công hoàn thành, Viện trưởng Kinh tế và Quản lý thành phố Trần Quang Thắng cho rằng, thành phố cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và bảo đảm nguồn kinh phí để các dự án triển khai đúng kế hoạch đề ra.

Liên quan về cơ chế chính sách cũng như nguồn vốn để triển khai các dự án trên, Giám đốc Ban Giao thông Lương Minh Phúc cho hay, các dự án khi trình trong năm 2023, UBND thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan liên quan phải bảo đảm đã hoàn thành hồ sơ. Theo đó, trong

quý I này, thành phố tập trung hoàn thiện phần việc này để xác định dự án, công trình nào sẽ triển khai, dự án nào có nguy cơ không hoàn thành sẽ điều chỉnh. Đối với tuyến đường vành đai 3, 4, thành phố lập tổ công tác gồm các tỉnh, thành có dự án đi qua và đại diện bộ, ngành liên quan sẽ rà soát quy mô đầu tư, nguồn vốn, cơ chế..., để sớm triển khai thực hiện, khép kín hai tuyến này.

Để tăng tốc triển khai các dự án, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm cho biết, TP Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị Trung ương cho phép thành phố xem xét, quyết định việc thực hiện đầu tư các dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dọc theo các tuyến giao thông trong phạm vi theo quy định (đường sắt đô thị, vành đai, cao tốc) và các vị trí tiềm năng trên địa bàn thành phố để thực hiện dự án tái định cư tại chỗ hoặc tạo quỹ đất để tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD).

Đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trước đây, thành phố xin tiếp tục được áp dụng hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đối với các dự án đầu tư công trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường bộ hiện hữu. Riêng các dự án xây dựng chuyển giao nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất hoặc quỹ đất kết hợp ngân sách trên địa bàn thành phố, thành phố được sử dụng quỹ đất do nhà nước trực tiếp quản lý để kết hợp thực hiện đồng bộ dự án khác, làm cơ sở thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy hoạch.

Trong năm 2023, Sở Giao thông vận tải cũng vừa trình UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành danh mục dự án công trình giao thông trọng điểm năm 2023 trên địa bàn thành phố. Theo đó, năm 2023, thành phố có 33 dự án trọng điểm, trong đó có 20 dự án đã có quyết định phê duyệt đầu tư đã được bố trí vốn, nhiều dự án đang thi công. Ngoài ra, có 13 dự án chuẩn bị đầu tư cũng được đưa vào danh mục để đẩy nhanh tiến độ làm thủ tục, chuẩn bị khởi công vào năm 2024.

Để các dự án đi đúng lộ trình đề ra, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường nhấn mạnh: “UBND thành phố giao Sở Giao thông vận tải là cơ quan thường trực, chủ trì theo dõi, đôn đốc sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ được giao trong các dự án giao thông trọng điểm. Mặt khác, thành phố sẽ phê bình, kiểm điểm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, giải quyết công việc chậm trễ làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án theo kế hoạch đề ra”.