Kể chuyện vượt sóng Trường Sa

Ba hồi còi chào cảng vừa dứt, những con tàu hướng về cửa vịnh tiến ra biển lớn, với bóng dáng xa dần… Bắt đầu những ngày hành trình hàng trăm hải lý để chúng tôi đến với các điểm đảo.
0:00 / 0:00
0:00
Kíp trực của các kiểm ngư giữa sóng, gió để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Kíp trực của các kiểm ngư giữa sóng, gió để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

1/Những con tàu rời cảng vào một buổi chiều, cùng với những chuyến hàng ra đảo, còn có cả sự chia tay ngậm ngùi lưu luyến của những gia đình người lính. Còn chúng tôi cũng bắt đầu tất bật với nhiệm vụ trước mắt của mình đầy sóng gió và khó khăn phía trước.

Là một kiểm ngư viên, đã đi theo cả trăm hải trình phối hợp với lực lượng hải quân, đưa vô số những chuyến xuồng cập đảo, chúng tôi cũng có vô vàn những kỷ niệm và những cảm xúc thiêng liêng giữa muôn trùng khơi sóng.

Trong mỗi hải trình, trên tàu luôn có hai kíp trực song song làm nhiệm vụ, một kíp trên cabin sẽ thay nhau lái điều khiển tàu theo hành trình hàng hải, một kíp là các nhân viên máy túc trực tại buồng máy đảm nhiệm phần sức sốc của con tàu... (chúng tôi sẽ thay nhau đi ca, cả đêm lẫn ngày), ngoài ra còn có các lực lượng bảo đảm theo tàu như hậu cần và quân y phục vụ cho lực lượng công tác và cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Thời gian cứ gối nhau liên tục, khi mọi người say giấc, chúng tôi thay phiên đi ca, khi tàu vào đảo chúng tôi lại tất bật hạ xuồng phục vụ công tác lên đảo.

Sau quãng đường vài trăm hải lý, chúng tôi sẽ bắt đầu với các điểm đảo đầu tiên. Mùa cuối năm biển hiếm khi êm sóng. Với điều kiện thời tiết không thuận lợi cho lắm, tàu sẽ tiến hành thả trôi gần đảo, chắn sóng để chúng tôi bắt đầu vào nhiệm vụ thả xuồng đưa hàng và người vào đảo. Thời điểm cuối năm 2022, khi đi làm nhiệm vụ, Biển Đông vừa qua một cơn bão, ảnh hưởng sau bão còn nặng nề, thời tiết rất xấu. Hơn 10 năm trên biển, tôi cũng đã quá quen với khung cảnh mưa gió hay sóng lừng này.

Xuồng bắt đầu được thả và cập gần mạn tàu. Con xuồng bé nhỏ như chiếc lá, tiếp cận tàu trong những cơn sóng dồn dập. Sóng chồm lên, rồi lại ép xuống, như muốn dúi con xuồng xuống biển. Ở trên xuồng trong trạng thái bập bềnh liên tục, người lái xuồng phải hết sức tập trung, vừa giữ thăng bằng, vừa nhanh chóng hỗ trợ vận chuyển hàng hóa và người lên xuồng để đưa vào đảo. Tiếng kíp xuống giục nhau át cả tiếng sóng: “Anh em khẩn trương, nhanh tay đưa đồ xuống xuồng, chú ý bám chặt tay vào xuồng, không được đưa tay ra ngoài...”. Mọi việc phải thực hiện rất khẩn trương, vì thời tiết không chờ đợi ai. Chỉ cần chậm vài phút, cơn giông trên biển có thể ập tới làm mọi kế hoạch đổ bể.

2/Khi chiếc xuồng đã đầy hàng hóa, chúng tôi thở phào lần một. Giai đoạn căng thẳng tiếp theo là lúc xuồng gối những cơn sóng vài mét, tiếp cận mép san hô của đảo. Đó là thời điểm những đợt sóng bạc đầu thách thức nhất, đánh dồn dập chỉ muốn quăng chiếc xuồng vào bãi san hô. Lúc này, chúng tôi phải tìm những vùng nước an toàn nhất, để điều khiển xuồng đi đúng hướng. Đó là kinh nghiệm lâu năm. Qua đường mép xanh tôi mới dám thở phào lần hai.

Sau đó, sẽ là một hành trình lại căng mắt để quan sát hướng phía trước, tránh những hòn đá mồ côi nhấp nhô trên những cơn sóng. Chân vịt ca-nô quẹt phải đá là thót tim ngay. Cứ như thế cho tới khi xuồng cập được đảo. Lúc đó tôi mới thở phào lần ba.

Cứ như thế, hành trình lại tiếp tục về tàu, với một chuyến xuồng mới, cho tới khi chở hết hàng hóa và khách trên tàu tới đảo, như đúng lịch trình công tác. Điểm đảo nào cũng là những cuộc vật lộn với thủy triều. Sáng sớm cũng có, xuyên trưa cũng có, thậm chí là tối mịt phải cầm đèn pin để rọi soi đường mà về tàu cũng có. Miễn sao tàu xuồng an toàn cập bến, mọi việc đều phải tính toán hết sức tỉ mỉ.

Trong hành trình của mình, khó khăn với anh em thủy thủ có lẽ là quá trình neo đậu tại hồ Đá Tây và đưa đón người lên An Bang. Đảo Đá Tây được bao bọc bởi thềm san hô, đảo lại có lòng hồ để cho các tàu vào neo đậu tránh bão. Nhưng do cấu tạo thềm đáy đặc biệt, việc neo đậu ở đảo không hề đơn giản. Những ngày sóng lớn là cả kíp tàu không ngủ để canh chừng, bảo đảm không có tình huống bất ngờ cho tàu và cho cả các tàu cá đang neo đậu chung quanh. Sóng gió quá lớn là hành trình chuyển hàng hóa lên đảo của chúng tôi phải gián đoạn, để chờ thời tiết thuận lợi. An toàn vẫn là trên hết, dù ai cũng nóng lòng muốn hoàn thành nhiệm vụ.

Còn An Bang luôn là hòn đảo khó khăn nhất trong quần đảo Trường Sa. Đảo có thềm bãi rất nhỏ và sâu, lại có hai dòng chảy rất mạnh, nên sóng dồn từ hai phía khiến xuồng rất khó tiếp cận. Các tàu sẽ dùng những chiếc xuồng chuyển tải thô sơ chở hàng, rồi thả dây để xuồng máy kéo. Tới gần đảo, anh em trên đảo sẽ lội nước đón dây rồi kéo xuồng chuyển tải lên bãi cát. Hành trình đòi hỏi sự phối hợp ăn ý của cả người trên tàu, trên xuồng chuyển tải, anh em trên đảo.

Mỗi lần hoàn thành một chuyến đi là ai nấy mệt nhoài, ướt sũng. Mùa cuối năm, dù vẫn nắng và gió, nhưng quần áo chúng tôi chẳng mấy khi khô. Công việc của chúng tôi là vậy. Nhưng mỗi chuyến đi tôi lại thấy mình thêm trưởng thành. Có vất vả nhọc nhằn đến mấy, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ, góp phần vào công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.