Tôi tìm về làng gốm Quế An, hay còn có tên là làng “Lò nồi”, vào nhà bà Võ Thị Sương (năm nay 52 tuổi). Khoảng sân bê-tông trước nhà cũng chính là nơi hằng ngày bà Sương phơi các sản phẩm gốm đã được thành hình. Dưới mái nhà gỗ đã phai mầu ngói, một chiếc bàn xoay dùng bằng sức người vẫn nằm đó. Chính từ đây, các sản phẩm như nồi, niêu, chum, vại, cái ấm nấu nước đến lu đựng gạo, lu đựng nước uống, bùng binh đựng tiền, ống nhổ trầu… nối tiếp nhau ra đời. Đống đất sét ước chừng hai xe tải được trữ sẵn trong kho, chừng ấy đất là nguyên liệu cho bà Sương “hành nghề”.
Ngồi trò chuyện, đôi tay vẫn làm, người phụ nữ đã quá ngũ tuần nhưng đôi mắt vẫn lóe lên sự hãnh diện về cái nghề gốm gia truyền. Bà vẫn nhớ như in cái ngày mình còn tấm bé. Hồi đó, bà mới khoảng 10 tuổi, ấy mà đã có ý “học lỏm nghề” từ người lớn trong nhà. “Từ hồi nhỏ, ngồi nhìn theo ông, bà mình làm thì tự mò mẫm tập nặn đất rồi dần nhuần nhuyễn cho đến nay. Nghề ni thì không cầm tay chỉ việc được. Lớn lên, về nhà chồng, cũng là gia đình làm gốm nên cứ rứa làm tiếp tới chừ thôi…”. Bà Sương cười nói.
Tay chỉ vào cái bàn xoay, bà Sương vừa chỉ bày, khi làm cái nồi, niêu thì tự tay mình vừa xoay cái bàn, rồi nắn, vuốt cho ra hình như mong muốn. Nhìn thì tưởng dễ nhưng thật sự, từ một cục đất sét vô tri, vô giác để cho ra thành phẩm đem bán được không hề dễ. Mùa nắng thì không sao, vì với cái khí hậu nóng hầm Quế Sơn thì phơi đất rất mau khô. Còn những ngày mưa giông hay lũ đầu nguồn kéo về, vừa lo dọn nhà mà còn lo số đất nặn ra bị hư. Khi đó, cả gia đình bà Sương phải đun lửa lên hong khô sản phẩm. Nhọc nhằn là vậy, chân lấm tay bùn là vậy, giọt mồ hôi người làm gốm thấm đẫm trong những chiếc chum, nồi đất vô tri, vô giác ấy. Có lẽ cũng một phần vì thế mà giờ đây, đi khắp huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam muốn tìm ra nơi còn làm gốm mang thương hiệu Quế An sẽ vô cùng khó.
Trong căn nhà, chính giữa gian khách treo một bức ảnh một người phụ nữ chừng hơn 80 tuổi ngồi bên những chiếc nồi gốm. Đó chính là người mẹ chồng của bà Sương. Cụ là một trong những bậc cao niên đã gắn bó cả đời mình với đồ gốm. Giai đoạn sau năm 1975 được xem là thời kỳ “vàng son” của làng gốm này. Khi đó, khắp làng đâu đâu cũng phơi đầy nồi, niêu, chum, vại. Từ năm 1990 về sau, ở đây hầu như mọi nhà bỏ hết cái nghề này. Chỉ còn lác đác vài ba hộ vẫn ráng theo. Sản phẩm làm ra bao nhiêu thì đem bỏ sỉ cho các hộ buôn bán ở chợ Quế Sơn, một số ít phân phối ở các huyện lân cận như Nông Sơn, Tam Kỳ, Hiệp Đức…
Bà Sương vẫn biết còn nhiều khổ cực khi quyết sống cùng nghề. Với đôi tay đã mỏi theo tháng năm, nhưng từ cái lòng quyết tâm riêng có, một năm trời đã trừ đi những tháng ngày mưa bão, bà Võ Thị Sương cố làm nghề được khoảng 10 tháng trời. Cái mùi nồng tỏa ra từ đất sét chính là sợi dây đã níu giữ người phụ nữ này vẫn bám với nghề. Cái tính lo xa của người dân xứ Quảng không lẫn vào đâu được. Đất sét nguyên liệu được trữ trong nhà kho. Ngay cả vỏ của cây keo sau thu hoạch thân gỗ bán đi cũng được bà Sương thu về chất đống cao quá 3 m trong sân. Nhưng đó là một thứ vật liệu độc đáo tạo nên than để nung sản phẩm được bền chắc. Một điều kỳ lạ là gốm Quế An không hề được bao phủ bởi bất kỳ một thứ men nào, chỉ từ đất sét nhào nhuyễn rồi nặn hình. Khi làm đủ 200 sản phẩm thì mới nung một lượt bằng than củi keo. Chỉ vậy thôi, sức nóng từ than củi keo đã cho ra những mầu nâu đỏ đẹp mắt. Với giá thành hiện nay khoảng 20 nghìn đồng/sản phẩm. Một ngày công làm gốm của bà Sương có thu nhập khoảng 300 nghìn đồng.
Thời buổi đổi thay, cuộc sống có nhiều nhu cầu riêng, vậy nên những thế hệ trẻ trạc tuổi con bà Sương giờ đã lên thành phố làm ăn, sinh sống với những công việc khác. Cũng vì lẽ đó mà một ước muốn mong cho tên tuổi gốm Quế An được vực dậy, được hồi sinh như khoảng thời gian cách đây vài ba mươi năm là điều mà không chỉ “người giữ lửa” Võ Thị Sương mong muốn. Bà Sương, hay những vị cao niên của làng gốm Quế An đã gắn bó cả đời với mùi nồng đất sét quê hương, mùi khét nghẹt củi keo cũng sẽ phải đến lúc nghỉ ngơi. Họ nghỉ cũng chính là một dấu chấm cho cuộc đời gốm Quế An. “Nồng nặc mùi đất là vậy nhưng cái nồi đất mà đem kho cá, nấu cơm thì rất ngon. Nó không giống như khi mình nấu bằng nồi kim loại như chừ”, bà Sương hứng khởi.
Gần bốn mươi năm lăn lộn với những mẻ gốm của bà Sương, chừng ấy thời gian đã làm nên giá trị sống cho làng gốm Quế An. Gốm Quế An sẽ đi về đâu, ai sẽ là những người kế nghiệp cha ông bao đời để lại này…?