Cháu tôi do vi phạm pháp luật nên đang phải thi hành án phạt tù. Cháu có nguyện vọng khi ra tù sẽ đi học nghề, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn không có kinh phí đi học. Xin hỏi Thời Nay, với trường hợp của cháu tôi thì có thể vay vốn đi học được không? (Đinh Văn Toán, huyện Văn Bàn, Lào Cai).
Thời Nay
Quyết định số 22 NĐ-CP ngày 17/8/2023 quy định về đối tượng và điều kiện vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù thì có áp dụng chính sách vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Cụ thể:
- Chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chi phí này bao gồm: Tiền học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập; chi phí ăn, ở, đi lại.
- Đối với vay vốn để đào tạo nghề, mức vốn cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ.
Cũng theo quyết định này, ngân hàng sẽ thực hiện phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù là người đứng tên vay vốn và giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp trong hộ gia đình không còn thành viên nào từ đủ 18 tuổi trở lên hoặc thành viên còn lại không còn sức lao động, không có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật thì người chấp hành xong án phạt tù trực tiếp đứng tên vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Quyết định số 22 NĐ-CP có hiệu lực chính thức từ ngày 10/10/2023.