Hỏi & đáp

Bạn đọc:
0:00 / 0:00
0:00

Tôi đang được chào mời mua sản phẩm “sở hữu kỳ nghỉ” nhưng tìm hiểu thấy sản phẩm này có nhiều thông tin trái chiều. Xin Thời Nay có thể tư vấn cách để bảo vệ người tiêu dùng khi nghiên cứu hợp đồng này? (Bùi Thu Thủy, quận Đống Đa, Hà Nội).

Thời Nay:

Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, hầu như tất cả các hợp đồng mua - bán sở hữu kỳ nghỉ hiện nay đều là hợp đồng dài hạn và khách hàng đều phải trả số tiền lớn từ trước nên người tham gia cần đánh giá rõ về rủi ro hoặc tỷ suất sử dụng dịch vụ trên thực tế. Trước khi quyết định, người mua cần yêu cầu cung cấp đầy đủ bộ hợp đồng và nghiên cứu kỹ những vấn đề sau:

- So sánh các thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc “cam kết miệng” của doanh nghiệp với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng. Đặc biệt khi có sự không thống nhất giữa thông tin chào bán và hợp đồng hoặc có các quy định, điều khoản trong hợp đồng chưa rõ ràng thì người tiêu dùng cần đề nghị doanh nghiệp giải thích, làm rõ và sửa đổi, bổ sung.

- Xác định rõ toàn bộ các chi phí phải đóng trong thời hạn hợp đồng. Bên cạnh khoản phí cố định ngay từ đầu, người tiêu dùng sẽ còn phải đóng thêm nhiều khoản phí khác phát sinh trong quá trình thực hiện. Các khoản chi phí này có thể chỉ được quy định trong hợp đồng (không có trong thông tin quảng cáo, chào bán) và có thể không được quy định một cách rõ ràng, đầy đủ.

- Các điều kiện, hạn chế đối với bên mua trong việc hưởng, chuyển nhượng quyền nghỉ dưỡng hoặc các điều khoản bất lợi trong hợp đồng, thí dụ như hạn chế quyền khiếu nại, khởi kiện của người mua; không cho người tiêu dùng hủy ngang hợp đồng; chế tài xử lý vi phạm không công bằng giữa hai bên; các trường hợp bên cung cấp dịch vụ được miễn trừ trách nhiệm…