Cậu đang tìm cách gói khóm hoa hồng làm bằng ốc biển. Thấy chiến sĩ lóng ngóng, chỉ huy của anh lại gần, gập mấy tờ báo bọc quanh, cố định bằng dập ghim rất chuyên nghiệp, như thể anh làm việc ấy đã nhiều lần. Các tân binh xác nhận: “Anh ấy thường dạy chúng em làm hoa ốc!”. Cậu bước bên tôi thật chậm, tần ngần trước giờ khắc rời xa. Chuyến xuồng đầu trở về tàu bắt đầu rẽ sóng. Giữa sân khấu dưới tán bàng vuông, nữ ca sĩ trẻ còn nán lại hát cùng lính đảo: “Ôi câu hò quê hương, em hát chiều ni răng mà thương mà nhớ. Tiếng hát em vút cao, mây lẳng lặng cúi đầu…”.
Thường thì văn công, khách thăm đảo hay được tặng hoa ốc. Vài người lính chừng mười tám tuổi, giữ mãi khóm hoa trên tay, đồng đội cổ vũ, đẩy lưng mãi mới chạy vụt lên trao vội, mặt đỏ bừng rồi mất hút. Trước sóng gió gian lao bộ đội chẳng sờn lòng, ấy vậy mà trước những bóng hồng thường họ không giấu nổi vẻ ngượng ngùng, lúng túng. Lính đảo có những góc riêng đầy kỷ niệm. Hầu như mỗi người đều có ít nhất một khóm, một cây hoa ốc. Làm hoa ốc không quá khó nhưng ướm chừng qua mười lăm công đoạn đòi hỏi tỉ mỉ, kỳ công từ khâu chọn lựa, phơi khô, mài sáng, đục lỗ, sơn mầu lên vỏ ốc. Ngoài ra, cần thêm dây thép, dây đồng, dây thừng, các loại mảnh nylon… Nguyên liệu ấy nơi đảo xa thành quý hiếm, bộ đội dành dụm, chắt chiu và san sẻ cho nhau từng chút một. Phổ biến nhất là nụ hoa làm từ vỏ ốc nhảy, hiếm hơn thì ốc ngọc lan trắng ngần tinh khiết hệt hoa hồng bạch.
Khắp Trường Sa, đâu đâu cũng thấy hoa ốc. Ngoài những khóm hoa nhỏ xinh bộ đội hay gửi về đất liền tặng gia đình, bạn bè, người yêu hoặc khách thăm đảo… còn có những cây hoa thật đặc biệt. Trên đảo Phan Vinh, Ban chỉ huy làm hẳn cây hoa ốc hàng trăm bông, sơn đỏ để thờ liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh. Ở đảo Thuyền Chài A, chúng tôi ngỡ ngàng thấy người lính đứng gác cạnh hai cây hoa ốc. Hỏi ra, đó là phiên gác cuối trong kỳ nghĩa vụ của anh, hai cây hoa sẽ cùng người lính theo chuyến tàu về với quê hương, gia đình. Có chiến sĩ rưng rưng thổ lộ chuyện tặng khóm hoa duy nhất cho người khách nữ thăm đảo đôi mắt rất giống mẹ anh, người mãi mãi đi xa khi anh còn tấm bé. Tôi đọc các anh nghe những vần thơ của một người đồng nghiệp: “Nụ hoa ốc biển/Anh gắn lên sương gió dạn dày/Đường chỉ tay rạn vỡ/Vẽ những hải trình lênh đênh”.