Hành động khi dòng tiền luân chuyển nhanh

Thị trường chứng khoán đang có những tín hiệu khá tích cực khi dòng tiền nhập cuộc sôi động hơn, chỉ số VN-Index tăng nhẹ, nhiều mã cổ phiếu bước vào xu hướng tăng giá… Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định hiện mới xuất hiện tín hiệu tích cực trong ngắn hạn, nhà đầu tư cần có phản xạ linh hoạt hơn trong bối cảnh dòng tiền luân chuyển nhanh.
0:00 / 0:00
0:00
Một số cổ phiếu thời gian qua đã có sự hồi phục đáng kể. Ảnh: NGUYỆT ANH
Một số cổ phiếu thời gian qua đã có sự hồi phục đáng kể. Ảnh: NGUYỆT ANH

Sắc xanh đã trở lại

Thị trường chứng khoán đang chứng kiến sự hưng phấn trở lại khi tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE 5 phiên vừa qua đều đạt hơn 10.000 tỷ đồng/phiên, so với vùng giá trị khoảng 6.000 - 8.000 tỷ đồng/phiên cách đây một tháng. Kết thúc phiên giao dịch chiều 17/5, chỉ số VN-Index đạt 1.061.54 điểm, tuy giảm nhẹ 0,41% so với phiên trước nhưng đã tăng gần 3% so với mốc 1.034,85 điểm của ngày 25/4.

Trao đổi ý kiến với phóng viên, nhà đầu tư Nguyễn Hải cho biết, sau khi miệt mài “cưa chân bàn” (từ mà nhà đầu tư chứng khoán vẫn dùng để chỉ hành động trung bình giá xuống của cổ phiếu), đến giờ nhà đầu tư này đã sắp “về bờ” (tức là hòa vốn hoặc có lãi) đối với một số cổ phiếu đang nắm giữ như HPG, DBC, DGC…

Trong khi đó, nhà đầu tư Hoàng Trang chia sẻ, tận dụng thị trường lình xình đi ngang suốt giai đoạn vừa qua, chị kiên trì chiến lược mua ngắn hạn, chốt lời nhanh nên đến nay đã có lợi nhuận từ các mã DIG, DXG, SSI, VND… sau một số phiên tăng điểm.

Quan sát thị trường cho thấy, một số cổ phiếu thời gian qua đã có sự hồi phục đáng kể. Đơn cử, “cổ phiếu quốc dân” HPG của Tập đoàn Hòa Phát vừa vượt ngưỡng cản quan trọng để lên mức giá cao nhất trong vòng tám tháng qua, đạt 22.350 đồng/CP vào ngày 12/5. Kể từ vùng đáy ngắn hạn hồi tháng 11/2022, thị giá HPG đã tăng tới 85% chỉ sau nửa năm. Cổ phiếu NLG của tập đoàn Nam Long đóng cửa phiên 16/5 tại mức 33.150 đồng/CP, ghi nhận tăng gần 12% trong vòng một tháng qua. Từ ngày 15/11/2022 đến 12/5/2023, cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển xây dựng (DIC Corp) đã tăng từ 10.100 đồng lên 20.650 đồng/CP, tương ứng mức tăng hơn gấp đôi.

Ngay sau khi thông tin quy hoạch điện VIII được phê duyệt, tại phiên giao dịch ngày 16/5, nhóm cổ phiếu điện như GEG, REE, PC1, BCG, HDG,... đều kết phiên trong sắc xanh, khối lượng khớp lệnh tăng mạnh. Riêng cổ phiếu REE của Công ty Cơ điện lạnh tăng 1,34% lên 68.000 đồng/CP…

Thậm chí, dòng tiền cũng lan nhanh sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Tại phiên sáng 17/5, hàng loạt mã vừa và nhỏ như CIG, LSS, TDC, ABS, HTL, AMG đều tăng kịch trần… Trước đó, cổ phiếu DDG của Công ty CP Đầu tư công nghiệp xuất nhập khẩu Đông Dương vừa trải qua 5 phiên tăng trần liên tiếp khiến nhiều nhà đầu tư tăng gấp rưỡi giá trị tài khoản chỉ trong vòng một tuần (từ 6.000 đồng lên hơn 9.000 đồng/CP).

Đáng lưu ý, trên biểu đồ kỹ thuật, tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của chỉ số chung trong những phiên gần đây vẫn duy trì ở trạng thái tích cực ngay cả thời điểm có rung lắc. Giới chuyên gia đánh giá, thị trường đang trong khu vực sóng hồi và kỳ vọng xu hướng tăng sẽ tiếp tục với mục tiêu là vùng kháng cự 1.100 - 1.150 điểm.

Khuyến nghị chốt lời nhanh

Nói thêm về chiến lược của mình, chị Hoàng Trang cho biết, vài tháng gần đây thị trường chủ yếu vận động đi ngang trong vùng trên dưới 1.050 điểm, nhịp tăng giảm đan xen với thanh khoản ở mức thấp. Trong phần lớn thời gian, lực cầu thấp do thiếu nhóm cổ phiếu lớn dẫn dắt, dòng tiền không hướng về các cổ phiếu trụ mà có xu hướng luân chuyển nhanh giữa các nhóm ngành, nhóm cổ phiếu.

“Trong bối cảnh đó, tôi kiên trì chiến lược đánh sóng ngắn, chốt lời nhanh, với kỳ vọng mức sinh lời thấp. Vừa rồi thị trường tăng cao hơn kỳ vọng nên tôi có lợi nhuận khá tốt”, chị Trang nói và lưu ý nhà đầu tư không quên kỳ luật cắt lỗ bởi thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn nên có thể đảo chiều bất cứ lúc nào.

Cùng quan điểm, một nhà đầu tư cá nhân khác có 10 năm kinh nghiệm trên thị trường lưu ý, khi chưa có tín hiệu tăng trong dài hạn, dòng tiền vẫn luân chuyển nhanh qua các nhóm cổ phiếu, nhà đầu tư cần ưu tiên hành động nhanh, dứt khoát bởi không chốt lời nhanh dễ rơi vào thua lỗ.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhận định, sau một năm thị trường khốc liệt, chưa hồi phục được nhiều từ đáy, xu hướng rủi ro giảm sâu sẽ không quá lớn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý hai biến số có tính “thiên nga đen” là rủi ro đổ vỡ trên thị trường tài chính toàn cầu và câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, vị chuyên gia cũng khuyến nghị nhà đầu tư nên tận dụng nhịp điều chỉnh để mua vào, đồng thời bán ra chốt lời khi có sóng tăng, không nên kỳ vọng lợi nhuận cao quá, cũng như không nên chờ đợi thị trường giảm quá sâu mới bắt đầu vào.

Trong dài hạn, việc dòng tiền luân chuyển nhanh tạo ra các “con sóng” nhỏ, tuy không khiến thị trường bùng nổ nhưng giúp giữ chân dòng tiền. Với xu hướng vận động giao dịch hiện tại, nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ tạo nền tảng cho sự hồi phục trong thời gian tới. Đây cũng là cơ hội để nhà đầu tư giá trị canh mua cho mục tiêu dài hạn 3-5 năm trở lên.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo, dòng tiền sẽ gia tăng sau giai đoạn quý II/2023, khi các chính sách kích thích kinh tế và hỗ trợ thanh khoản của thị trường bất động sản phát huy hiệu quả.

Ở thời điểm hiện tại, vị chuyên gia chú ý nhóm sản xuất và phân phối điện, xây dựng, vật liệu xây dựng, thép, bất động sản khu công nghiệp; đồng thời nhấn mạnh, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn có thể là nhóm tăng trưởng vượt trội so với thị trường chung.