Năm học 2021 - 2022

Giáo dục đại học tăng cường tự chủ

Trong bối cảnh tuyển sinh chịu tác động của tình hình dịch bệnh, tại Hội nghị Giáo dục đại học (GDĐH) vừa được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ nghiên cứu, xây dựng phương án và lấy ý kiến rộng rãi về đổi mới công tác tuyển sinh, gắn với đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng năng động hơn, tăng cường phân cấp trong thi tốt nghiệp THPT.

Các trường thi riêng, thi bổ sung, thi đánh giá năng lực bảo đảm yêu cầu gọn nhẹ. Ảnh: HẢI NAM
Các trường thi riêng, thi bổ sung, thi đánh giá năng lực bảo đảm yêu cầu gọn nhẹ. Ảnh: HẢI NAM

Triển khai tự chủ ĐH còn chậm

Trong năm học vừa qua, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở GDĐH đã áp dụng phương thức giảng dạy, học tập trực tuyến linh hoạt trong tổ chức đào tạo và đánh giá kết quả học tập. Tuy nhiên, nhiều cơ sở GDĐH còn chậm đổi mới phương pháp dạy và học để khai thác thế mạnh của công nghệ. Một số cơ sở đào tạo tuyển sinh tốt, nhưng chưa đầu tư về các điều kiện bảo đảm chất lượng tương xứng với quy mô đào tạo (thiếu nguồn lực); trong khi đó, một số trường hoạt động kém hiệu quả, tuyển sinh thấp so năng lực (kết quả nhập học năm học 2020 - 2021 tại các trường cho thấy, gần 25% trường có tỷ  lệ nhập học thấp). Số lượng chương trình đào tạo của GDĐH được kiểm định chưa tăng nhiều. 

Tại hội nghị, vấn đề tự chủ đã được trao đổi nhiều và đây được xác định là nhiệm vụ  với GDĐH. Bộ trưởng GD&ĐT lưu ý, năm học 2021 - 2022 tiếp tục đẩy mạnh tự chủ ĐH theo hướng toàn diện, đúng hướng, đầy đủ, có chiều sâu và hiệu quả. Trong đó, phải thực hiện cho được định hướng lớn là: tự chủ để cho ĐH được năng động hơn, giải phóng được các nguồn lực và sức sáng tạo; nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tự chủ chỉ có giá trị khi nó đem lại sức mạnh để phát triển các trường ĐH, đem lại sức sáng tạo lớn cho các trường ĐH, đem lại chất lượng đào tạo. 

Cần tiếp tục rà soát về phương diện thể chế, từng bước đồng bộ, tạo cơ chế chính sách đầy đủ để tạo điều kiện cho tự chủ. Hiện nay, một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực của các bộ, ngành khác nhau có liên quan, cũng như một số quy định của chính Bộ GD&ĐT còn cần phải hoàn thiện, rà soát để tự chủ được đầy đủ. Trong đó các vấn đề về bộ máy, tài chính, nhân sự còn cần được chú ý trong thời gian tới.

Đi cùng với việc tăng cường tự chủ, theo Bộ trưởng, các cơ sở giáo dục đương nhiên phải làm rõ hơn, mạnh hơn cơ chế về trách nhiệm giải trình: Giải trình trước cơ quan quản lý nhà nước, trước người học, trước các bên liên quan và trước xã hội.

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Bộ GD&ĐT đề nghị các trường ĐH triển khai giải pháp chuyển đổi số trong quản trị ĐH như thanh toán học phí trực tuyến; đăng ký tuyển sinh trên Cổng dịch vụ công quốc gia; khuyến khích và lựa chọn một số cơ sở GDĐH hàng đầu, phối hợp xây dựng nền tảng trực tuyến dùng chung.

Đẩy mạnh bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng

Bên cạnh tiếp tục triển khai tự chủ ĐH, một trong những mảng công tác cần tăng cường trong thời gian tới là bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng. Thực hiện đổi mới giáo dục ĐH, các cơ sở giáo dục ĐH đang gia tăng tự chủ, các quyền tự quyết tăng lên; công cụ để Bộ GD&ĐT thực hiện quyền quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục ĐH phải có điều chỉnh tương ứng và đổi mới để điều hành, quản lý. Một trong những công cụ quản lý rất quan trọng của tự chủ là công cụ kiểm định.

Bộ GD&ĐT sẽ triển khai rà soát các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí, củng cố và phát triển các trung tâm kiểm định và đội ngũ kiểm định viên; hoàn thiện hệ thống chế tài xử phạt; làm sát thực tế hơn, nghiêm minh hơn chế tài xử phạt đi cùng với hoạt động kiểm định. “Đây là một hướng rất quan trọng trong đổi mới quản lý nhà nước với các cơ sở giáo dục đại học tự chủ”, Bộ trưởng GD&ĐT nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng quan tâm nhiều hơn đến hậu kiểm và kiểm tra, giám sát các vấn đề về trách nhiệm giải trình cũng như hậu kiểm định. Các cơ sở giáo dục ĐH cần đặc biệt lưu ý vấn đề này. Đây không chỉ là một trong những điều kiện để tiến hành các quyền tự chủ tuyển sinh, tự chủ tài chính, mà còn là một “kênh” để thực hiện trách nhiệm giải trình.

Các lĩnh vực khác về đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đổi mới phương pháp, hoạt động dạy học, thanh tra, kiểm tra, hoạt động hợp tác quốc tế, tăng cường nhân lực cho các cơ sở giáo dục… cũng đều hết sức quan trọng và được nêu chi tiết trong báo cáo của Vụ Giáo dục đại học.

Về công tác tuyển sinh ĐH, năm học 2021 - 2022 sẽ cơ bản giữ ổn định với một số cải tiến về mặt kỹ thuật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tuyển sinh; đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở GDĐH.

Đối với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD&ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường hoặc tổ chức các trung tâm khảo thí độc lập.

Cụ thể, nếu các trường thi riêng, thi bổ sung, thi đánh giá năng lực thì phải bảo đảm yêu cầu gọn nhẹ, có thể thi một đến hai môn, thi năng khiếu, kết hợp kết quả thi THPT. Có thể hình thành Trung tâm Khảo thí độc lập, với yêu cầu là chuẩn hóa ngân hàng đề thi, thi trên máy tính, có thể thi nhiều lần trong năm. Bên cạnh đó, các trường có thể thi theo nhóm trường với yêu cầu phải gọn nhẹ, giảm tải, chỉ còn một buổi thi để tạo thuận lợi, tiết kiệm cho thí sinh…