Mòn mỏi chờ bãi đậu xe ngầm
Để đáp ứng nhu cầu đậu xe của người dân trên địa bàn thành phố, nhất là các quận trung tâm (quận 1, quận 3), các cơ quan chức năng đã lập hàng chục bãi giữ xe. Tuy nhiên, phần lớn theo kiểu “tận dụng”, “dã chiến” để đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân.
Tại nhiều tuyến đường khu vực trung tâm quận 1, quận 3, vỉa hè của nhiều tuyến đường cũng được “thiết kế” làm bãi gửi xe. Như khu vực trước cổng Công viên Lê Văn Tám (quận 3), thành phố lập hai bãi giữ xe ngay trước cổng ra vào trên đường Hai Bà Trưng. Một bãi khác tại Công viên 23-9 cũng được Sở Xây dựng kiến nghị cho giữ lại để phục vụ người dân dù công viên đã xuống cấp và thành phố đã lên kế hoạch nâng cấp, cải tạo lại.
UBND TP Hồ Chí Minh từ năm 2010 đã lập quy hoạch xây dựng các bãi đậu xe ngầm dưới lòng đất ở các vị trí thích hợp như: Công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng, sân vận động Hoa Lư, sân bóng đá thuộc Công viên văn hóa Tao Đàn (đều thuộc quận 1). Thậm chí, dự án bãi đậu xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám đã từng được nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư phát triển không gian ngầm tổ chức lễ động thổ rầm rộ cách nay đúng 10 năm.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có dự án bãi giữ xe ngầm nào được “kích hoạt” để đưa vào sử dụng. Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan thực hiện thủ tục chấm dứt hợp đồng với công ty trên do vi phạm hợp đồng dự án và không bảo đảm năng lực tiếp tục triển khai.
Cần tầm nhìn xa
Theo quy hoạch tại Quyết định 568/QĐ-TTg ngày 8-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, hệ thống giao thông tĩnh (bến bãi) có diện tích là 1.145,88 ha. Trong đó, chỉ tiêu quy hoạch bến bãi đậu xe ô-tô là 519,98 ha. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ theo quy hoạch này vẫn chưa đạt được như yêu cầu.
Hiện, thành phố cũng có một số bãi đậu, đỗ xe như: nhà đậu xe cao tầng tại 121 - 139 đường Cô Giang (quận 1) với sức chứa 500 xe ô-tô, 1.500 xe gắn máy hai bánh. Bãi đậu xe cao tầng tại số 71 đường Chế Lan Viên (Tân Phú) có sức chứa 1.400 xe ô-tô, 1.400 xe gắn máy hai bánh… Nhiều trong số đó đều tận dụng quỹ đất hiện có của chính doanh nghiệp. Việc triển khai các dự án này đều rất thuận tiện, các cơ quan chức năng không phải ứng trước khoản kinh phí để thực hiện thu hồi và bồi thường giải phóng mặt bằng.
Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, những dự án như vậy cần được triển khai nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu gửi xe của người dân. Điều này cũng sẽ tạo thêm thời gian cho việc triển khai các dự án bãi đậu xe ngầm khi các dự án này vẫn đang còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Trong tương lai, TP Hồ Chí Minh cũng xác định, phương tiện công cộng sẽ là loại hình giao thông chủ đạo để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, nên việc quy hoạch các bến, bãi đậu, giữ xe là vấn đề cần được triển khai sớm và cẩn trọng. UBND TP Hồ Chí Minh đã giao UBND các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông rà soát quỹ đất dọc hành lang tuyến tàu điện ngầm số 2 TP Hồ Chí Minh tại địa phương để bố trí bãi đậu xe phục vụ giao thông công cộng trong tương lai và bãi đậu xe công cộng hiện hữu chung quanh vị trí các nhà ga, với khoảng cách dưới 1.000 m.
Cùng với đó, các sở, ngành cũng làm việc với các dự án thương mại triển khai dọc hành lang tuyến tàu điện ngầm số 2 trong thời gian tới để khuyến nghị các chủ dự án tự bố trí thêm phần diện tích đậu xe phục vụ giao thông công cộng, nhất là bố trí thêm diện tích không gian ngầm để tạo thuận lợi cho hành khách tiếp cận các nhà ga.