Bất ổn gia tăng
Một vụ không kích mới được tiến hành nhằm vào một trại tị nạn tại thị trấn Dedebit thuộc khu vực Tigray ở miền bắc Ethiopia làm hơn 100 người thương vong. Lập tức, LHQ tuyên bố ngừng các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại đây, đồng thời rút toàn bộ nhân viên khỏi khu vực này. Trong khi lực lượng Mặt trận Giải phóng nhân dân Tigray (TPLF) cho rằng có 56 người thiệt mạng, thì giới chức y tế địa phương xác nhận 55 người chết và 126 người bị thương trong vụ không kích.
Trước đó, cuối tháng 6/2021 cũng xảy ra vụ không kích vào một khu chợ ở Tigray, làm gần 150 người thương vong. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) nhấn mạnh, các tổ chức nhân đạo đã ngừng hoạt động do lo ngại những cuộc tiến công tiếp tục gia tăng, đồng thời kêu gọi các bên xung đột bảo đảm an toàn và thuận lợi cho các nhân viên LHQ cũng như các hoạt động nhân đạo.
Vụ không kích xảy ra chỉ vài giờ sau khi Chính phủ Ethiopia kêu gọi hòa giải dân tộc và ban hành lệnh ân xá cho các nhân vật cấp cao của TPLF, cùng một số thủ lĩnh đối lập của hai nhóm sắc tộc Oromo và Amhara, nhằm thúc đẩy đối thoại và thống nhất. Lệnh ân xá được cộng đồng quốc tế hoan nghênh, coi đây là một giải pháp giúp chấm dứt cuộc giao tranh đẫm máu kéo dài 14 tháng qua ở Ethiopia. Người phát ngôn TPLF Getachew Reda cáo buộc quân đội Eritrea đã phát động các cuộc tiến công nhằm vào lực lượng này ở tây bắc Tigray. Chính phủ Ethiopia chưa đưa ra bình luận về cáo buộc này, trong bối cảnh binh sĩ Eritrea đang trợ giúp quân đội Chính phủ Ethiopia đối phó TPLF.
Xung đột bắt đầu nổ ra từ đầu tháng 11/2020, khi quân đội Chính phủ Ethiopia tiến công vào Tigray sau khi TPLF có hành động tương tự nhằm vào Bộ Chỉ huy quân sự miền bắc của Các lực lượng quốc phòng Ethiopia (ENDF). Sau đó, TPLF đã chiếm lại hầu hết khu vực Tigray, đồng thời tiến đến gần Thủ đô Addis Ababa. Xung đột đã leo thang và mở rộng về phía nam đến các vùng Amhara và Afar lân cận, làm dấy lên lo ngại về bất ổn rộng hơn ở vùng Sừng châu Phi.
Nguy cơ thảm họa nhân đạo
Theo ước tính của LHQ, giao tranh đã khiến hàng nghìn người Ethiopia thiệt mạng, hơn 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, đẩy hơn 350.000 người đứng bên bờ vực của nạn đói, gây ra nguy cơ một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Sau một chuyến thăm Ethiopia, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã phải dùng từ “khủng khiếp” khi tận mắt chứng kiến thực trạng ở Tigray. Theo ông Ghebreyesus, có khoảng 4,5-5 triệu người dân ở khu vực này đang cần hỗ trợ nhân đạo, đặc biệt là viện trợ lương thực. Tình trạng thiếu nhu yếu phẩm, đặc biệt là thuốc chữa bệnh và khí đốt, đã làm tê liệt hoạt động cứu thương và khiến hệ thống y tế ở Tigray gần như sụp đổ. Xung đột cũng khiến hàng trăm nghìn người phải đi sơ tán, trong đó hơn 60.000 người đã chạy sang nước láng giềng Sudan.
Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết, số trẻ em phải nhập viện do suy dinh dưỡng tại khu vực Tigray năm 2021 đã tăng gấp đôi so năm 2020. Chỉ trong sáu tháng giữa năm 2021, có tới 18.600 trẻ dưới 5 tuổi tại Tigray đã phải nhập viện do suy dinh dưỡng cấp tính, tăng 100% so cùng kỳ năm trước. UNICEF cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng suy dinh dưỡng ở nhóm phụ nữ mang thai và cho con bú ở mức cao, chiếm khoảng 63%.
Trong khi đó, trong hơn 3 tháng (từ giữa tháng 7 đến 10/2021), chỉ chưa đầy 900 xe vận chuyển hàng viện trợ tiếp cận được khu vực Tigray, đáp ứng được khoảng 14% nhu cầu thực tế của 6 triệu người dân địa phương. Theo UNICEF, 887.000 trẻ em tại Tigray đang chờ vaccine phòng bại liệt, 790.000 trẻ cần vaccine phòng bệnh sởi và tình trạng thiếu vaccine như hiện nay sẽ khiến dịch bệnh bùng phát.
Trước khó khăn trên, LHQ đã thông báo viện trợ 65 triệu USD cho hoạt động ứng phó nhân đạo ở Ethiopia, trong đó 40 triệu USD được sử dụng để hỗ trợ người dân Tigray nơi trú ẩn khẩn cấp, nước sạch, chăm sóc sức khỏe... Tuy nhiên, việc tiếp cận người cần hỗ trợ nhân đạo ở khu vực Tigray nói riêng và Ethiopia nói chung là không dễ dàng. Cuối tháng 11 năm ngoái, hơn 10 nhân viên địa phương làm việc cho LHQ tại Ethiopia đã bị bắt giữ tại Thủ đô Addis Ababa trong các cuộc truy quét nhằm vào những người thiểu số Tigray. Trước đó, ngày 30/9/2021, Bộ Ngoại giao Ethiopia tuyên bố trục xuất bảy quan chức cấp cao của LHQ với cáo buộc can thiệp công việc nội bộ của nước này. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, động thái này là nhằm trả đũa việc các nhân viên LHQ công khai phàn nàn về việc khó tiếp cận nhân đạo đối với khu vực Tigray.
Trong một tuyên bố đầu năm 2022, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các bên ở Ethiopia đối thoại tìm giải pháp chấm dứt xung đột và bạo lực, tiến hành hòa giải dân tộc, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhân viên LHQ và các tổ chức quốc tế trong thực thi hoạt động nhân đạo ở quốc gia Đông Phi này.