Đội hình tình nguyện xanh

Nhiều nơi tại Quảng Bình đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân “ai ở đâu ở yên đó”. Vì thế, nhiều hộ gia đình gặp khó khăn trong việc mua lương thực và hàng hóa thiết yếu. Để giúp người dân, Tỉnh đoàn Quảng Bình tổ chức các tổ, nhóm đoàn viên, thanh niên tình nguyện để mua - giao hàng hóa hộ. Nhìn những bóng áo xanh tình nguyện lao đi trong buổi trưa nắng gắt hay lúc trời chiều đổ mưa, người dân vùng dịch Quảng Bình rất cảm kích. Họ gọi đó là những “shipper xanh”. 

Các bạn trẻ đang tập kết hàng để chuyển đến người dân.
Các bạn trẻ đang tập kết hàng để chuyển đến người dân.

Hơn 10 ngày nay, anh Hoàng Ngọc Hướng và các đoàn viên, thanh niên Chi đoàn thôn Đồng Dương, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới tất bật với công việc đi chợ hộ cho người dân trong thôn đang bị phong tỏa nghiêm ngặt do có nhiều ca F0. Bình thường, bán đảo Bảo Ninh sôi động với rất đông khách du lịch và những chuyến biển cá đầy khoang. Nhưng tháng 8 năm nay, dịch Covid-19 như “trận bão” quét qua làng biển này đã làm cho bà con phải nhọc nhằn chống đỡ. Làng biển Bảo Ninh vốn sầm uất, nhưng từ khi có các ca F0 liên quan đến Cảng cá Nhật Lệ mà như “bị thương”, nhà nhà cửa đóng then cài, tiếng loa liên hồi thông tin về dịch bệnh. Bà con ở tâm dịch Đồng Dương và nhiều thôn khác ở Bảo Ninh bắt đầu lo lắng. 

Nhận thấy rõ khó khăn của bà con, Xã đoàn Bảo Ninh tổ chức các đội đoàn viên, thanh niên tình nguyện làm nhiệm vụ đặt mua và giao hàng miễn phí. Trương Hồng Chiến, Bí thư Chi đoàn thôn Đồng Dương chia sẻ: “Ban đầu nhận nhiệm vụ này, anh em đều ái ngại vì chưa làm bao giờ nhưng sau một, hai chuyến giao nhận, bà con tin tưởng và từ đó, đơn hàng mỗi ngày một tăng. Khi hàng được chuyển tới địa điểm tập kết, anh em dán tên, số điện thoại của hộ đặt hàng và phân công người giao nhận. Các bạn thực hiện giao, nhận hàng hóa đều bảo đảm đúng quy định phòng, chống dịch Covid-19”.
 
Anh Hà Quốc Vương Anh, Bí thư Thành đoàn Đồng Hới cho biết, chỉ ít ngày sau khi TP Đồng Hới áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, nhận thấy người dân có nhu cầu mua lương thực, thực phẩm khá nhiều, Thành đoàn Đồng Hới đã hướng dẫn cho đoàn cơ sở tại các xã, phường tùy nhu cầu thực tế để thành lập đội hình “shipper xanh”. Hiện toàn thành phố có 7/15 xã phường đã lập mô hình này. Các tổ, nhóm “shipper xanh” hoạt động nhiệt tình bất kể thời gian và thời tiết giúp người dân yên tâm trong những ngày thực hiện giãn cách.

Cũng là địa bàn đang thực hiện Chỉ thị 16, xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch bên cạnh các hoạt động phòng, chống dịch bệnh đã tổ chức mô hình “đi chợ” giúp dân trong mùa dịch. Mô hình “đi chợ” hộ này do đoàn viên, thanh niên tình nguyện thực hiện không chỉ giúp người dân trong thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt vẫn có đầy đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu để dùng mà còn giúp cho các hộ sản xuất giải quyết đầu ra các loại nông sản. Chỉ trong 5 ngày đầu triển khai, từ địa chỉ “Shipper xanh Trung Trạch”, các đoàn viên, thanh niên tình nguyện đã giúp tiêu thụ, trao đổi lượng hàng hóa gồm hơn 1,7 tấn thịt heo, gà, vịt, ngan; 2.000 quả trứng, gần 1 tấn tôm và gần 1,2 tấn rau, củ, quả các loại ngay tại địa bàn. Anh Nguyễn Sơn, ở thôn 8 xã Trung Trạch nhận xét: “Tôi thấy cách tổ chức đi chợ giúp dân của xã đoàn hiệu quả ở chỗ là không chỉ mua giúp bà con trong những ngày phong tỏa mà còn bán hàng hóa thay cho các trang trại, gia trại khi họ không thể tự mình làm được”.

Anh Đặng Đại Bàng, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Bình cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tuổi trẻ Quảng Bình đã thể hiện vai trò xung kích tham gia nhiều hoạt động phòng, chống dịch. Trong đó có những cách làm hay như mô hình “shipper xanh” ở các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Các đoàn viên đã thể hiện được tinh thần sáng tạo, tình nguyện của mình vào nơi khó khăn, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh để đưa nhu yếu phẩm đến cho bà con, góp phần thực hiện hiệu quả phương châm “ai ở đâu thì ở yên ở đó”.

Trong chiều mưa nặng hạt ở phố biển Đồng Hới, nhìn những “shipper xanh” mang trang phục phòng hộ, đội thêm áo mưa vội vã lao đi, trong chúng tôi dấy lên niềm xúc cảm. Họ không chỉ xanh trong bộ đồ bảo hộ, xanh trong mầu áo tình nguyện mà sự nỗ lực vượt khó của họ sẽ mang lại những “vùng xanh” hy vọng về cuộc sống yên bình sớm trở lại.