Dốc O Hòa

Người dân hai xã Mường Típ, Mường Ải huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) và nhiều cán bộ cũ của huyện này biết rõ gốc tích về tên gọi “Dốc O Hòa”. Thế nhưng gần 60 năm trôi qua, dốc núi một thời lịch sử ấy bị lắng chìm vào mênh mông cây lau cù, cỏ dại giữa những cánh rừng giáp Lào.
0:00 / 0:00
0:00
Vợ chồng ông Moong Văn Nghệ kể chuyện về “Dốc O Hòa”.
Vợ chồng ông Moong Văn Nghệ kể chuyện về “Dốc O Hòa”.

Đi tìm tên gọi một dốc núi

Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7/2023, Facebook Lương Hoàng dẫn câu chuyện cảm động về một nữ dân công hỏa tuyến qua đời khi đang vận chuyển lương thực, thực phẩm giúp bạn trong chiến dịch thượng Lào (chiến dịch đánh phỉ Vàng Pao những năm 1966-1972 ở huyện Mường Mộc, tỉnh Xiêng Khoảng, Lào-PV).

Nữ dân công hỏa tuyến là chị Nguyễn Thị Hòa. Nơi chị qua đời là đỉnh “cổng trời” thuộc xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn. Bài viết nêu nỗi trăn trở là, cho đến nay chưa có một thông tin gì mới ngoài tên gọi “Dốc O Hòa” đằng đẵng đã 57 năm (chủ tài khoản Facebook Lương Hoàng là ông Hoàng Xuân Lương, nguyên Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ).

Lần theo câu chuyện cảm động này, chúng tôi tìm gặp ông Vi Tố Định, Đại tá, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An. Ông Định nói: “Không chỉ mình tôi, nhắc đến “Dốc O Hòa” nhiều người ở huyện Kỳ Sơn và huyện Con Cuông đều biết”. Ông Định là lính cơ động của biên phòng tỉnh, thường xuyên tăng cường cho địa bàn Mường Típ và Mường Mộc những năm 1969-1972 nên thạo đường qua đây. Ông còn nhớ mộ o Hòa ở gần nhà ông Hoa Phò Thò (nguyên Huyện đội trưởng huyện đội Kỳ Sơn nhiệm kỳ 1982-1986; đại biểu Quốc hội khóa VII). Hồi đó, ai đi qua đây cũng cắm một nhành cây cho mát mộ kèm một hòn đá để nhớ mộ.

Riêng về sự hy sinh của o Hòa, ông Định nói: “Tôi nghe nhiều người kể lại, trong một đợt vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch thượng Lào giúp bạn, o Hòa gánh hàng lên đến đỉnh dốc, đang ngồi nghỉ thì nghe tiếng gọi phía dưới dốc, nhờ o Hòa quay xuống gánh hộ. O Hòa quay xuống ngay và gánh hàng lên. Gánh hàng nặng 35 kg. Dốc dài khoảng 800 m. Xong chuyến thứ hai, o Hòa gánh giúp chuyến thứ ba nhưng khi lên tới đỉnh dốc thì bị ngất, không cấp cứu kịp nên đã qua đời”. Đỉnh dốc đó cao nhất khu vực xã Mường Típ, dân bản gọi là “cổng trời”. Qua bên kia “cổng trời”, đi bộ khoảng 4 giờ nữa mới đến bản Thăm Khợp, huyện Mường Mộc, tỉnh Xiêng Khoảng.

Chúng tôi xoay quanh câu hỏi, vì sao cho đến nay o Hòa vẫn chưa được truy tặng liệt sĩ. Ông Định nhớ lại: “Năm 1994, tôi về làm Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An. Tôi đã hai lần dự họp tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Nghệ An, bàn việc xác định thông tin để truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho o Hòa nhưng có lẽ do việc xác minh gặp khó, bởi o Hòa quê ở xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương là con gái độc nhất, mồ côi bố mẹ. O Hòa tình nguyện đi dân công hỏa tuyến cho đến khi qua đời khoảng năm 1966-1967. Gần 20 năm sau mới đi xác minh thì không tìm được thông tin gốc nên việc bỏ lỡ đến giờ”.

TẬP TRUNG XÁC MINH

“Chúng tôi đang chỉ đạo xã Thuận Sơn tiếp tục tìm mọi cách để xác minh thông tin này. Nếu có kết quả sẽ giúp các cơ quan chức năng xem xét việc truy tặng liệt sĩ cho o Hòa và dựng một tấm bia dẫn tích trên đỉnh “Dốc O Hòa”. Hẳn lúc đó cả người sống và người đã mất sẽ an lòng với những gian khổ, khốc liệt đã trải qua giữa núi rừng biên giới Việt-Lào” (Ông Bùi Duy Đông- Bí thư Huyện ủy Đô Lương).

Chúng tôi tìm gặp Đại úy Nguyễn Tường, bộ đội biên phòng nghỉ hưu ở xã Nam Sơn, huyện Đô Lương. Ông cho biết, năm 1977 ông là thượng sĩ, trợ lý Bảo tàng truyền thống của Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Nghệ An. Bảo tàng có hàng nghìn phim, ảnh trong đó có mảng nội dung dân công hỏa tuyến phục vụ chiến trường C (chiến trường Lào) ở huyện Mường Mộc. Ở mảng này có hình ảnh chiếc đòn gánh ngắn khoảng 1,2 m bằng tre của chị Nguyễn Thị Hòa.

Lời thuyết minh viết dưới tấm ảnh chiếc đòn gánh như sau: “Chị Nguyễn Thị Hòa quê ở xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương thuộc Đại đội dân công hỏa tuyến huyện Đô Lương. Chị là người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, hoạt bát, có mái tóc dài, là người hay hát và hát hay. Chị có đức tính sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Trong chiến dịch thượng Lào, sau khi gánh suất của mình lên dốc “cổng trời” chênh vênh bên sườn núi ở địa bàn xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn, chị Hòa gánh giúp người khác. Chuyến hàng thứ ba chị gánh giúp vừa lên tới đỉnh dốc thì bị kiệt sức, y tá cấp cứu không kịp nên chị đã qua đời”. Ông Tường cho biết thêm, o Hòa hy sinh vào những năm đầu đánh Mỹ, khoảng năm 1966 -1967. Từ đó, lối lên “cổng trời” được người ta gọi là “Dốc O Hòa”.

Dốc O Hòa ảnh 1

Lối lên đỉnh “Dốc O Hòa” cách trụ sở UBND xã Mường Típ 12 km.

Dốc núi lịch sử

Tại khối 5, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, chúng tôi đến nhà ông Moong Văn Nghệ, nguyên Chủ tịch UBND huyện, nhiệm kỳ 1991-1996. Khi biết chúng tôi muốn xác minh gốc tích tên gọi “Dốc O Hòa”, ông Nghệ gọi vợ đến cùng tiếp chuyện. Ông giới thiệu, ông là người Khơ Mú, 80 tuổi. Vợ ông là Ven Thị Thanh, 75 tuổi, cũng người Khơ Mú. Quê ông ở xã Kim Đa, huyện Tương Dương nhưng quê vợ ở bản Chẻng Lau, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn. Năm 1963, ông là chiến sĩ CANDVT ở đồn Mường Típ. Năm 1968, ông cưới bà Thanh. Do nhà vợ là trạm dừng chân của các đoàn bộ đội và dân công hỏa tuyến hồi đó nên cả hai vợ chồng biết rất rõ sự tích vì sao đường lên “cổng trời” nay gọi là “Dốc O Hòa”.

Ông Nghệ đưa hai cánh tay gầy guộc lên miêu tả “Dốc O Hòa” là cái dốc đứng, dốc tức ngực, chỉ có ngựa và người đi nhưng phải đi rất chậm. Còn bà Thanh kể: “Tôi nghe dân bản nói o Hòa là cô gái trẻ, khỏe. Đợt nào qua đây, gánh hàng của o luôn đi đầu tiên. Lên hết dốc, đặt gánh hàng của mình là quay xuống gánh giúp những người yếu hơn. Hôm o Hòa bị ngất lịm rồi mất, anh em đoàn dân công hỏa tuyến quây lại, ngồi khóc. Sau đó, họ cử người chạy vô bản Huồi Khói mượn cuốc xẻng ra đào huyệt chôn cất o Hòa một bên đỉnh dốc”.

Ông Nghệ nối tiếp câu chuyện, đồn CANDVT hồi ấy của ông đóng quân là đồn 79, cách “Dốc O Hòa” 15 cây số đường rừng. O Hòa mất khoảng năm 1966-1967 trong chiến dịch đánh phỉ ở Mường Mộc. Năm 1972, huyện Mường Mộc giải phóng. Cuối năm 1972, người qua lại “Dốc O Hòa” thưa vắng dần. Từ đó, “Dốc O Hòa” trở thành lối mòn đi rẫy của người dân ba bản Huồi Khói, Huồi Khe, Chà Lạt. “Sau gần 60 năm, nhắc lại chuyện o Hòa gắn với tên dốc núi tôi thấy hình ảnh o Hòa vẫn hiện lên sáng đẹp như thật giữa đoàn dân công hỏa tuyến. Người dân tộc chúng tôi nghĩ rằng, câu chuyện về nữ dân công hỏa tuyến gắn với con đường cheo leo, gắn với chiến dịch giúp bạn Lào giải phóng Mường Mộc là một sự kiện mang đậm dấu ấn lịch sử giữa núi rừng biên giới. Việc truy tặng liệt sĩ và dựng một cái bia tưởng niệm tại đỉnh dốc này là cần thiết vì nó có ý nghĩa đối với người sống và cả người đã khuất”, ông Nghệ xúc động nói.

Rời nhà ông Nghệ, chúng tôi trở về xã Thuận Sơn là điểm xác minh cuối cùng về gốc tích của o Hòa. Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Đảng ủy xã mời cán bộ chính sách đến để cung cấp thông tin về o Hòa. Lạ thay, sau khi rà soát danh sách những người tham gia Đội dân công hỏa tuyến huyện Đô Lương, không hề có tên o Hòa. Một cán bộ xã nêu tình huống: “Có thể gia đình o Hòa di dân đi làm kinh tế mới ở huyện Tân Kỳ, Con Cuông, Nghĩa Đàn trong những năm 1960 rồi từ đó o Hòa đi dân công hỏa tuyến”. Ông Lợi cầm điện thoại liên lạc với người phụ trách hội đồng hương xã Thuận Sơn ở huyện Tân Kỳ nhưng không có thông tin về o Hòa. Có lẽ, “sự cố” này gây nên khó khăn cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Nghệ An những năm 1994-1995-1996 như ông Vi Tố Định đã nêu ở trên.