Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý II/2023 là 4,14% cao hơn mức 3,3% của quý I, đến chủ yếu từ lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ, lần lượt là 11,3% và 43,2% GDP. Lĩnh vực nông nghiệp tăng 3,2% so cùng kỳ nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc, trong khi lĩnh vực dịch vụ tăng 6,1% so cùng kỳ nhờ sự phục hồi của ngành du lịch. Sau khi giảm nhẹ trong quý I, khu vực công nghiệp và xây dựng (36,6% GDP) đã tăng trưởng trở lại (2,5% so cùng kỳ) nhờ hoạt động xây dựng tăng tốc, bù đắp cho sự yếu kém trong công nghiệp (+0,4% so cùng kỳ).
Doanh số bán lẻ duy trì tăng trưởng khi tăng 6,5% so cùng kỳ trong tháng 6 và tăng 11% so cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023. Mặc dù tiêu dùng trong nước không mạnh nhưng sự trở lại của du khách quốc tế mang lại động lực cho tăng trưởng. Nửa đầu năm, đã có 5,6 triệu lượt du khách quốc tế đến Việt Nam, với lượng khách Hàn Quốc chiếm gần 29%. Du khách Trung Quốc cũng quay trở lại và chiếm 10% tổng lượng khách du lịch. Số lượng khách du lịch được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tiếp theo khi Chính phủ phê duyệt gia hạn thị thực điện tử cho khách du lịch quốc tế lên 90 ngày thay vì 30 ngày như trước đây.
Về tiêu dùng trong nước, mức cắt giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đã được thông qua trong kỳ họp gần nhất của Quốc hội được kỳ vọng sẽ hỗ trợ chi tiêu trong thời gian còn lại của năm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tiếp tục giảm xuống 2% so cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022. Mặc dù hai nhóm hàng lớn nhất là lương thực - thực phẩm và nhà ở - vật liệu xây dựng (chiếm 51% tổng rổ CPI) tăng lần lượt là 3,3% và 6,5%, nhưng chi phí giao thông giảm và giá các mặt hàng khác cơ bản không đổi đã giúp duy trì CPI ở mức thấp. Giá lương thực - thực phẩm tăng do khách du lịch quốc tế quay trở lại, trong khi nhóm nhà ở - vật liệu xây dựng tăng do giá điện tăng và nhu cầu cao hơn. Mặt khác, giá xăng dầu giảm gần 30% so cùng kỳ giúp chi phí vận tải được giữ ở mức thấp.
Trong nửa đầu năm 2023, vốn FDI giải ngân là 10 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% so cùng kỳ. Chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 6 đã giúp Việt Nam có được thỏa thuận đầu tư 2 tỷ USD vào các lĩnh vực giao thông và cơ sở hạ tầng. Về phía doanh nghiệp, LG Innotek đăng ký đầu tư 1 tỷ USD để mở rộng năng lực sản xuất tại Hải Phòng. Nhìn chung, bất chấp những khó khăn trên toàn cầu, Việt Nam vẫn là một địa điểm hấp dẫn đối với các doanh nghiệp FDI.
Về xuất nhập khẩu, trong tháng 6, ghi nhận thặng dư thương mại 2,6 tỷ USD và 12,3 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023 mặc dù xuất khẩu và nhập khẩu vẫn yếu (lần lượt là -12,1% so cùng kỳ và -18,2% so cùng kỳ). Tuy nhiên, theo báo cáo “Tương lai của thương mại: Cơ hội mới tại các hành lang tăng trưởng cao” của ngân hàng Standard and Chartered, vai trò của Việt Nam với tư cách là một động lực quan trọng của thương mại toàn cầu sẽ được tăng cường, với doanh thu xuất khẩu dự kiến đạt mức đáng kể là 618 tỷ USD vào năm 2030. Việt Nam có thể có tốc độ tăng trưởng cao 7%. Về mặt nhập khẩu, nhập khẩu của Việt Nam ước tính đạt 578 tỷ USD vào năm 2030, đánh dấu mức tăng trưởng hằng năm là 6,9%.
Giải ngân vốn đầu tư công trong sáu tháng đầu năm cũng đạt gần 10 tỷ USD, tăng mạnh 20,5% so cùng kỳ, nhưng chỉ hoàn thành 33% kế hoạch cả năm. Giải ngân từ Bộ Giao thông vận tải là động lực chính, tăng 76,9% so cùng kỳ (14,0% tổng vốn giải ngân). Nhiều tuyến đường cao tốc mới được phê duyệt, khởi công vào quý II khiến tốc độ giải ngân tiếp tục tăng.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 6 là 46,2, tăng nhẹ so mức 45,3 của tháng 5. Tuy nhiên, tình hình sản xuất vẫn chưa có nhiều cải thiện khi cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tiếp tục sụt giảm. Điều tích cực là nhu cầu yếu hơn dẫn đến chi phí đầu vào giảm, tạo dư địa cho các nhà sản xuất giảm giá bán để hỗ trợ nhu cầu.
LG Innotek đăng ký đầu tư 1 tỷ USD mở rộng năng lực sản xuất tại Hải Phòng. |
Trong tháng 6 cũng có tín hiệu tích cực khi số lượng doanh nghiệp mới đăng ký cao kỷ lục, với 13.904 doanh nghiệp đăng ký mới trong tháng, tăng 4,8% so cùng kỳ năm ngoái. Đã có hơn 7.098 doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động, tăng 215% so cùng kỳ năm ngoái. Trong sáu tháng đầu năm, khoảng 113.000 doanh nghiệp thành lập hoặc quay trở lại hoạt động và khoảng 100.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, riêng tháng 6 là 12.333 doanh nghiệp. Hiện tại, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường bình quân mỗi tháng là 16.600 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục giảm trong sáu tháng đầu năm, với tổng số là 707.457 tỷ đồng, bằng 75-80% tổng vốn đăng ký cùng kỳ những năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Con số này là 942.648 tỷ đồng vào năm 2021 và 882.122 tỷ đồng vào năm 2022. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp mới trong sáu tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 9,3 tỷ đồng, mức thấp nhất trong sáu tháng đầu năm kể từ năm 2017. Trong sáu tháng, tổng vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp đang hoạt động cũng giảm 48,1% so cùng kỳ năm 2022.
Vào tháng 6, Quốc hội đã họp và thảo luận về một số chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các quy trình pháp lý và luật hóa lại khung pháp lý để hỗ trợ các hoạt động kinh tế trong môi trường kinh tế toàn cầu và quốc gia đầy thách thức. Chính phủ cũng đang soạn thảo Luật Đất đai mới và Luật Kinh doanh bất động sản mới, dự kiến sẽ giảm đầu cơ và cải thiện tính nhất quán trong thủ tục phát triển và cấp phép dự án. Những thay đổi cơ cấu như vậy trong quy trình và khuôn khổ pháp lý sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế trong dài hạn.
Vào ngày 19/6/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tiếp tục cắt giảm lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới sáu tháng lần lượt là 50 điểm cơ bản và 25 điểm cơ bản. Các chuyên gia đánh giá quyết định này là kết quả của tỷ lệ lạm phát thấp và thặng dư thương mại kéo dài, cho phép nới lỏng tiền tệ hơn nữa. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng 6,5% được đặt ra cho năm 2023 là một mục tiêu khó khăn, cần phải tiếp tục giữ ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và theo dõi sát tác động của tình hình kinh tế, tài chính quốc tế đến khu vực sản xuất để hỗ trợ kịp thời hoạt động sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian còn lại của năm.