Ngày 16/3/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Đề án áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính (BCTC) tại Việt Nam bao gồm phương án và lộ trình áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) theo Quyết định số 345/QĐ-BTC. Theo lộ trình, các công ty mẹ, tập đoàn kinh tế có quy mô lớn, các công ty đại chúng, niêm yết được áp dụng IFRS một cách tự nguyện từ năm 2022 và áp dụng bắt buộc từ năm 2025. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp sẽ quan tâm nhiều đến tác động của Quyết định số 345, đặc biệt là những doanh nghiệp thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng IFRS như các tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính.
Khảo sát của Công ty kiểm toán Deloitte với 322 phản hồi đến từ các loại hình doanh nghiệp cho thấy nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tỷ lệ quan tâm cao nhất đến việc áp dụng IFRS tại Việt Nam với con số là 34%, tiếp đến là nhóm các doanh nghiệp niêm yết với tỷ lệ 20% và nhóm doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn và các tập đoàn kinh tế nhà nước theo sau với tỷ lệ lần lượt là 14% và 7%. Bốn nhóm này chiếm gần 75% số doanh nghiệp tham gia khảo sát, là những nhóm đóng góp nhiều cho xã hội và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Theo ngành nghề kinh tế, các doanh nghiệp quan tâm IFRS gồm: nhóm ngành hàng dân dụng và phân phối chiếm 26% (phần lớn có yếu tố nước ngoài); nhóm tài chính ngân hàng và bảo hiểm chiếm 23% (do yêu cầu niêm yết, quản lý và tuân thủ); công nghiệp tự động hóa và công nghệ thông tin chiếm 18% (IT và dịch vụ viễn thông là ngành chiến lược của Việt Nam). Đây cũng là các nhóm ngành có số lượng doanh nghiệp hoạt động nhiều nhất tại Việt Nam và có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ cao.
Trong nhóm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính tham gia khảo sát, 32% phản hồi có lập và trình bày báo cáo theo IFRS và 24% đang trong giai đoạn chuẩn bị. Ngoài ra, kết quả khảo sát về tình hình áp dụng IFRS ở các doanh nghiệp phi tài chính cũng khá khả quan, khi có 23% phản hồi có nhu cầu lập và trình bày báo cáo theo IFRS và 27% đang trong giai đoạn chuẩn bị. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp tài chính có tỷ lệ áp dụng IFRS cao hơn các doanh nghiệp phi tài chính.
Trong số các doanh nghiệp hiện đang áp dụng IFRS, 30% phản hồi áp dụng đầy đủ chuẩn mực của IFRS (tất cả các nghiệp vụ kế toán được ghi nhận theo IFRS từ ban đầu) và 70% còn lại chỉ thực hiện các bút toán chuyển đổi khi lập và trình bày BCTC.
Deloitte đưa ra nhận định, trong quá trình xây dựng lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam, các doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề:
Thứ nhất, cân nhắc giữa lợi ích và chi phí. Nếu doanh nghiệp đã sẵn sàng và lên kế hoạch chuyển đổi trong giai đoạn tự nguyện, thì có thể cân bằng giữa chi phí chuyển đổi và lợi ích đạt được, đồng thời kế hoạch phải có phạm vi đủ rộng để nắm được hết các yêu cầu khắt khe khi áp dụng chuẩn mực. Nhưng nếu doanh nghiệp đang trong giai đoạn bắt buộc áp dụng, thì chi phí chuyển đổi có thể sẽ lớn hơn rất nhiều so với lợi ích mà doanh nghiệp mong muốn nhận về.
Thứ hai, đặt ra kế hoạch chuyển đổi nên dựa vào tình trạng thực tế của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần phát triển năng lực và kiến thức của đội ngũ nhân viên trong việc lập và trình bày BCTC theo IFRS. Một thực tế cần quan tâm là nguồn nhân lực được đào tạo về các chuẩn mực này tại Việt Nam hiện chưa nhiều.
Thứ ba, chuẩn bị cho những thay đổi trọng yếu trên BCTC. Thay đổi các chính sách kế toán và các chính sách mới này sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn đến BCTC. Một số ảnh hưởng có thể kể đến như ghi nhận thêm tài sản và nợ, đánh giá lại tài sản, thay đổi các ước tính kế toán hoặc cách ghi nhận doanh thu. Ngoài ra, sự chuyển đổi sang IFRS cũng thúc đẩy việc xem xét lại những cân nhắc các vấn đề như nâng cấp hệ thống IT, thay đổi quy trình, thay đổi điều khoản hợp đồng với đối tác. Điều này có thể khiến doanh nghiệp phải có sự nâng cấp và đổi mới từ những phòng ban khác bên trong doanh nghiệp để phối hợp tốt nhất với phòng kế toán.
Thứ tư, sử dụng các dịch vụ tư vấn độc lập bên ngoài doanh nghiệp. Việc sử dụng nguồn lực hiện có của doanh nghiệp để áp dụng kế hoạch chuyển đổi, thiết kế các hướng dẫn, truyền đạt đến các cấp quản lý và nhân viên nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tự thực hiện và đánh giá tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ xuyên suốt quá trình chuyển đổi sẽ đem lại kết quả với chi phí chuyển đổi thấp nhất.
Thứ năm, không cần phải xóa bỏ hoàn toàn cái cũ khi cái mới chưa hoàn thiện. Doanh nghiệp có thể đồng thời vận hành hệ thống dưới VAS và phát triển hệ thống IFRS song song đến khi nào Bộ Tài chính ban hành áp dụng bắt buộc với IFRS.
Thứ sáu, cập nhật liên tục và dự đoán các thay đổi sắp tới. IFRS sẽ được áp dụng bắt buộc sau năm 2025 và sẽ chính thức có hiệu lực với tất cả các doanh nghiệp. IFRS không phải là bộ chuẩn mực cố định, nó có thể có những thay đổi bổ sung hoặc cập nhật thay thế trong suốt quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp.
Hiện tại, hơn 55% số doanh nghiệp đang trong giai đoạn chuẩn bị hoặc chưa áp dụng IFRS nói rằng, họ sẽ áp dụng chuyển đổi trước năm 2025. Mức độ đáp ứng trong thời gian ngắn như vừa qua cũng cho thấy việc đón nhận tích cực của các doanh nghiệp đối với Quyết định số 345/QĐ-BTC so với các chính sách về kế toán - tài chính đã ban hành trước đây. Đây là một tín hiệu lạc quan cho thấy các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của chuẩn mực này.