Đầu xuân vui chợ Tết Thành Nam

Những ngày đầu Xuân Ất Tỵ, không gian Bảo tàng tỉnh Nam Định rực rỡ sắc mầu, rộn rã âm thanh... Dòng người nô nức tìm về “phiên” chợ Tết "Một thoáng Thành Nam" để cảm nhận hương sắc lễ hội mùa xuân và những giá trị văn hóa truyền thống ngỡ như đã trôi xa vào ký ức.
0:00 / 0:00
0:00
Các hoạt động văn hóa của đồng bào Tây Bắc được nhiều người yêu thích tại chợ Tết.
Các hoạt động văn hóa của đồng bào Tây Bắc được nhiều người yêu thích tại chợ Tết.

Điểm hẹn của ký ức

“Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết”, câu thơ xưa trong bài “Chợ Tết” của nhà thơ Đoàn Văn Cừ cách đây hơn 80 năm vẫn thể hiện đầy đủ không khí náo nức, tươi vui của phiên chợ Tết ở Thành Nam hôm nay.

Khuôn viên Bảo tàng tỉnh sáng mồng 7 tháng Giêng nhộn nhịp người. Nơi này trình diễn văn nghệ, chỗ kia thưởng trà ở quán nước dưới gốc đa; nơi bàn tán sôi nổi về cây cảnh, đồ cổ, thưởng thức ẩm thực, chỗ náo nhiệt trò chơi dân gian… Có hàng chục hoạt động (chia làm các nhóm gồm “Trưng bày, triển lãm”, “Giao lưu cổ vật đầu xuân”, “Trình diễn di sản văn hóa phi vật thể”, “Giới thiệu ẩm thực và sản phẩm OCOP” và “Tham quan, trải nghiệm”) được tổ chức để phục vụ người dân trong những ngày diễn ra chợ Tết.

Sân bảo tàng mướt sắc xanh, rực rỡ sắc hoa từ hàng trăm cây các loại, từ cây bonsai, mộc hương, trà cổ, mai chiếu thủy đến khu vực riêng của hoa địa lan, được tuyển chọn từ những vùng cây cảnh nổi tiếng trong tỉnh. Mỗi cây đều được gọi là “tác phẩm”, có bảng thông tin chi tiết. Chỉ tay vào cây địa lan cánh vàng trước mặt, ông Trần Ngọc Thụ (phường Vị Xuyên, TP Nam Định) cho biết, đây là “đứa con” mà ông tâm huyết chăm sóc cả năm, chờ đến ngày trưng bày ở chợ Tết. Thấy tác phẩm được tấm tắc khen ngợi, ông lâng lâng trong lòng suốt mấy hôm.

Gần đó, chị Vũ Thị Hương (huyện Nam Trực) đang cổ vũ cậu con trai trải nghiệm cảm giác làm một sĩ tử thời xưa với lều, chõng, bút, nghiên trong khu vực mô hình trường thi Hương Nam Định. Hai mẹ con cũng không quên xin chữ của một “thầy khóa” đang trình diễn thư pháp kế bên mô hình trường thi, với ước nguyện về một năm Ất Tỵ hanh thông, thuận lợi.

Khu vực thu hút đông người nhất là trưng bày, giao lưu cổ vật. Hàng trăm cổ vật từ đồng hồ, tranh, hộp khảm trai cho đến bình hoa, sập gụ, ấm chén… được bày biện, trước những ánh mắt yêu thích và lời bàn tán xôn xao. Theo biên soạn của Bảo tàng tỉnh Nam Định, TP Nam Định là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Từ thế kỷ thứ XIII, vương triều Trần đã cho xây dựng Hành cung Thiên Trường, có vị thế như kinh đô thứ 2 sau Thăng Long. Trải qua các triều đại Lê, Mạc, Tây Sơn, vùng đất này là trị sở của trấn Sơn Nam Hạ, nơi có quân doanh và kho lương Vị Hoàng. Thế kỷ XIX, triều Nguyễn cho xây thành, cột cờ, văn miếu, trường thi…, từ đó khẳng định vai trò và vị thế địa chính trị-văn hóa của mảnh đất Thành Nam trong lịch sử dân tộc.

Bác Nguyễn Văn Hưng (phường Năng Tĩnh, TP Nam Định) đánh giá, đến với chợ Tết, người Thành Nam thêm hiểu, thêm yêu những lát cắt lịch sử, văn hóa truyền thống của quê hương. Nơi này trở thành điểm hẹn quen thuộc của những người muốn về miền ký ức mỗi dịp Tết đến, xuân sang.

Giữ gìn truyền thống

Khiêm nhường ở một góc bên cạnh những gian hàng phở bò, bánh cuốn Làng Kênh, bánh gai, xíu páo… anh Tống Văn Phong (phường Bà Triệu, TP Nam Định) tỉ mẩn nặn từng con tò he, trò chơi dân gian của con trẻ. Anh bảo, gia đình đã gắn bó nghề tò he từ thời ông nội, trao truyền qua mấy thế hệ. Đến anh Phong, nặn tò he không còn đủ nuôi sống cả nhà, nên anh phải đi làm công nhân. Nhưng mỗi dịp xuân, anh vẫn đến bảo tàng để phục vụ các cháu cho “đỡ nhớ nghề”. Khác thời xưa, tò he bây giờ không nặn bằng bột gạo, mà bằng đất sét Nhật Bản, giá từ 20 nghìn đến 50 nghìn đồng một con tùy kích cỡ. “Bán được hàng thì vui, nhưng điều khiến tôi vui nhất là sự thích thú, mê say của các cháu. Xã hội phát triển nhanh quá, tôi cứ sợ đến một ngày, trẻ con không còn biết đến tò he…”, anh Phong tâm sự.

Bên cạnh những hoạt động văn hóa truyền thống như thi đấu cờ người, múa lân, múa rồng, chợ Tết sôi nổi nhất là hội thi chim. Anh Vũ Mạnh Hà (phường Trần Tế Xương, TP Nam Định) cho biết, chợ Tết quy tụ cuộc thi “Tiếng hót chim vành khuyên” lớn nhất trong năm của Nam Định. 66 ứng viên từ nhiều CLB của Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội, Thanh Hóa… tham gia tranh tài qua 9 vòng thi. Những chú chim vành khuyên đạt điểm cao thường rất đắt giá, ngay tại hội thi lần này có chú được bán với giá tới 120 triệu đồng.

Năm nay, chương trình chợ Tết có một số hoạt động mới như giao lưu văn hóa nghệ thuật Tây Bắc “Sắc xuân”; tổ chức các trò chơi dân gian; trải nghiệm dệt vải thổ cẩm... Cô Phạm Thị Minh Thương, giáo viên văn hóa Trường tiểu học Trần Phú, TP Nam Định cho biết: Các em tỏ ra rất yêu thích các trò chơi dân gian, đây là điều đáng mừng trong thời đại mọi người đều cắm cúi với thiết bị điện tử. Tôi nghĩ, tổ chức những hoạt động như thế này là cách rất tốt để giữ gìn những giá trị truyền thống.

Chương trình Chợ Tết “Một thoáng Thành Nam” là sự kiện thường niên do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định tổ chức nhằm tái hiện không gian văn hóa Thành Nam xưa. Từ năm 2018 đến nay, sự kiện đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa và phát triển du lịch của tỉnh Nam Định.