Đáng ngại việc sử dụng cây cầu lịch sử

Bạn đọc viết:
0:00 / 0:00
0:00

Phạm Thắng Lợi (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên)

Ngày 19/5 vừa qua, cầu Mường Thanh (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) chính thức hoàn thành quá trình tu sửa, bảo dưỡng sau khi phát hiện một số dấu hiệu biến dạng, xuống cấp nghiêm trọng. Ngay sau khi rào chắn được tháo dỡ, hàng loạt xe gắn máy đã di chuyển qua cầu trong niềm phấn khởi, hân hoan.

Hoạt động trên sẽ là rất bình thường, nếu như cầu Mường Thanh không phải là một trong số những di dích thành phần của Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Năm 1954, quân đội ta đã sử dụng cây cầu này, từ cứ điểm đồi A1 tiến vào sở chỉ huy của kẻ địch, làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Dài 40m, rộng khoảng 5m, cầu Mường Thanh là công trình đã có tuổi đời lên tới gần 70 năm. Sau thời gian dài sử dụng như một công trình giao thông bình thường, cầu ngày càng xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, chính quyền sở tại chưa đưa ra được phương án thay thế để người dân có thể qua lại sông Nậm Rốm một cách an toàn gắn với việc giảm tải cho cầu A1. Trong khi đó, cây cầu Thanh Bình mới cũng vừa được khởi công vào trung tuần tháng 3 ngay tại vị trí cầu Thanh Bình cũ, chắc hẳn cũng không thể hoàn thiện trong một sớm một chiều.

Cùng với những nguy hiểm rình rập trên một công trình nối hai bờ sông vốn đã gần 70 năm tuổi đối với người tham gia giao thông, cần phải lưu ý rằng, cầu Mường Thanh là một di tích lịch sử không thể thay thế. Việc tận dụng những chứng tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc cần phải được xem xét dừng lại, không chỉ để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, mà còn nhằm bảo tồn, lưu giữ cho đời sau niềm tự hào về truyền thống anh dũng, kiên cường của cha ông năm xưa.