Cơ hội với đào tạo chuyển tiếp

Đào tạo chuyển tiếp đại học là mô hình kết hợp đào tạo giữa trường cao đẳng và đại học trên nền tảng thỏa thuận chuyển tiếp, hoặc thừa nhận tín chỉ giữa một trường cao đẳng cộng đồng (CĐCĐ) và một trường đại học. Với mô hình này, người học sẽ giảm được lãng phí về thời gian và chi phí đào tạo.

Chương trình đào tạo chuyển tiếp triển khai sẽ mang lại lợi ích lớn cho xã hội và người học. Ảnh: N.NAM
Chương trình đào tạo chuyển tiếp triển khai sẽ mang lại lợi ích lớn cho xã hội và người học. Ảnh: N.NAM

Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Đào tạo chuyển tiếp lên trình độ đại học: Cơ hội và thách thức”, vừa diễn ra tại Hà Nội. Theo PGS, TS Phạm Tiết Khánh, Chủ tịch Hiệp hội CĐCĐ Việt Nam, việc Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường CĐCĐ được triển khai liên thông là động lực lớn để các trường nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ đưa giáo dục về cộng đồng. Chương trình đào tạo chuyển tiếp này khi triển khai mang lại lợi ích lớn cho xã hội và người học, mở ra cơ hội cho các trường CĐCĐ.

Theo đó, lợi ích của mô hình đào tạo chuyển tiếp là sinh viên (SV) được tiếp cận chương trình đại học mà không bị gián đoạn quá trình học tập. Với các trường, chất lượng đầu vào của SV học chuyển tiếp bảo đảm hơn so liên thông, vì có thể kiểm soát được chương trình đào tạo và quá trình đào tạo ngay từ đầu. Ngoài ra, các trường có thể tìm kiếm được các SV tiềm năng nhưng không có điều kiện vào đại học khi tuyển sinh.

Ông Nguyễn Công Đại, Phó Hiệu trưởng Trường CĐCĐ Hà Nội cho biết, chương trình đào tạo chuyển tiếp lên trình độ đại học được xây dựng thông qua trao đổi chương trình đào tạo giữa hai trường, nên một mặt bảo đảm được tính liên thông giữa các bậc đào tạo, mặt khác tiếp cận được chương trình đại học mà không bị gián đoạn quá trình học tập. “Giai đoạn một đào tạo hai năm tại trường CĐCĐ, giai đoạn hai SV được chuyển về học tiếp hai năm tại các trường đại học, học viện liên kết. Sau khi kết thúc chương trình đào tạo, SV sẽ được các trường cấp bằng chính quy. Những ai không đủ điều kiện học chuyển tiếp lên đại học thì sẽ học thêm khoảng 6 - 12 tháng để được cấp bằng cao đẳng. Đây là cơ hội cho người học”, ông Đại chia sẻ.

Bên cạnh những tiện ích mà mô hình này mang lại, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự băn khoăn về những vướng mắc gặp phải khi triển khai. “Về mặt pháp lý vẫn chưa có quy định cụ thể cho loại hình đào tạo chuyển tiếp lên trình độ đại học, mà mới chỉ có công văn hướng dẫn. Các văn bản hướng dẫn cũng chưa cụ thể và sát thực tình hình thực tế. Chương trình đào tạo, quy định chuẩn đầu ra của giáo dục nghề nghiệp yêu cầu với chương trình đào tạo cao đẳng phải chú trọng về kỹ năng nghề. Vì vậy, thời lượng thí nghiệm, thực hành thường chiếm hơn 70% tổng thời lượng chương trình. Trong khi đó, chương trình đào tạo đại học lại nặng về tính hàn lâm dẫn đến chưa có sự đồng bộ trong mục tiêu chương trình đào tạo”, ông Đại cho biết.

Theo thống kê của Trường CĐCĐ Hà Nội, hiện việc tổ chức giảng dạy trong giai đoạn một của trường quá nặng về kiến thức giáo dục đại cương, trong khi đầu vào của đối tượng học chuyển tiếp không cao, dẫn đến kết quả học tập không tốt.

Theo các chuyên gia tại hội thảo, cơ quan chức năng cần hoàn chỉnh cơ sở pháp lý của mô hình đào tạo chuyển tiếp để các cơ sở giáo dục được thuận lợi trong triển khai, cũng như người học yên tâm hơn khi tiếp cận các chương trình này. Đặc biệt, nhiều nội dung của mô hình chuyển tiếp lên đại học cần được làm rõ như quy trình tuyển sinh đầu vào ở cả hai giai đoạn, việc kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh tính cho trường đại học đặc biệt trong bối cảnh Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học có nhiều thay đổi, cũng như sự phân chia chức năng quản lý giữa hai Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) đang có nhiều chồng chéo.

Vì vậy, các ý kiến cũng thống nhất cho rằng Hiệp hội CĐCĐ Việt Nam cần đề xuất Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH để thống nhất trình Chính phủ ban hành Quyết định quy định về đào tạo chuyển tiếp, trong đó quy định rõ về trách nhiệm của mỗi bên, chương trình đào tạo, quy trình, chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức đào tạo, cách đánh giá kết quả học tập của từng giai đoạn. Về chương trình đào tạo, cần phải có sự thống nhất của các trường CĐCĐ đối với các ngành nghề chung trong việc xây dựng chương trình đào tạo chuyển tiếp, để một trường cao đẳng có thể liên kết đào tạo chuyển tiếp với nhiều trường đại học và ngược lại.