Ai cũng thấy, nhưng chưa ai xử lý
Ông Hoàng Văn Nhị (76 tuổi), sống tại phố Đỗ Xuân Hợp (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Cỏ dại mọc vô tội vạ, um tùm quá đầu người, che lấp cả biển báo giao thông, đèn đường và hạn chế tầm nhìn của người đi đường. Thực trạng này đã hơn hai năm mà không có đơn vị nào xử lý. Khi trời mưa, cỏ dại các khu vực này càng mọc mạnh khiến cây trồng chết héo. Cộng thêm một số người ý thức kém, tranh thủ xả rác nên dải phân cách thường bốc mùi hôi thối khi trời mưa, vừa mất vệ sinh lẫn mỹ quan đô thị. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh thực tế này nhưng vẫn chưa thấy có sự cải thiện”.
Đây cũng là tình trạng chung ở một số khu vực như tuyến đê Long Biên - Xuân Quan (Long Biên), đặc biệt như đoạn rẽ xuống đường Cổ Linh hay các bùng binh, dải phân cách trên phố Nguyễn Chánh - Dương Đình Nghệ (Cầu Giấy), cỏ dại mọc dài tràn ra cả làn đường. Hoặc như ở tuyến đường Hoàng Sa, nơi có nhiều phương tiện tham gia giao thông với tốc độ cao, việc để cỏ dại bao phủ không chỉ khiến cây xanh khó sống mà tầm nhìn đối với phương tiện ở làn đối diện sẽ bị hạn chế, gây khó khăn, nguy hiểm khi rẽ sang đường.
Ở nhiều không gian công cộng như công viên hồ điều hòa Việt Hưng (Long Biên), dự án công viên Chu Văn An (Thanh Trì)... đều dần bị bỏ hoang cho cỏ dại mọc. Ngay cả những nơi vẫn đang hoạt động, là nơi người dân trên địa bàn đến thư giãn, thể dục mỗi ngày như công viên cây xanh Ao Bồ Kết (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai) cũng rơi vào tình trạng cây xanh chết khô, cỏ dại mọc quá đầu người. Anh Ngô Xuân Tiến (43 tuổi), sống ở ngõ 36 đường Khuyến Lương bày tỏ: “Buổi chiều có một số người đi bộ tập thể dục qua khu vực này. Những dụng cụ thể dục như xà đơn, xà kép ở đây đều bị lấp trong lùm cỏ dại nên cũng không thể sử dụng. Một số người thiếu ý thức còn vứt rác, đồ dùng bỏ đi hoặc phế thải xây dựng, thậm chí họ còn trồng rau trong công viên!”.
Vì Hà Nội xanh cây trồng, không cỏ dại
Việc xử lý cỏ dại mọc tràn lan ở các tuyến đường, các khu vực công cộng như trên rõ ràng thuộc quản lý của thành phố. Một số quận, huyện đã đề nghị thành phố xử lý. Tuy nhiên đến nay, thực tế không mấy khả quan.
Được biết, từ tháng 7/2016, TP Hà Nội có chủ trương ngừng cắt cỏ tại các tuyến đường, phố (trừ khu vực trung tâm) để tiết kiệm ngân sách. Nhưng theo thời gian nếu tiếp tục để cỏ dại phát triển vô tội vạ, vô hình trung sẽ làm đất bạc mầu, khiến các loại cây xanh quy hoạch thiếu đất sống và dinh dưỡng, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế sau khi nhà nước đầu tư. Chưa kể những tác động liên quan về môi trường, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Thiết nghĩ, việc diệt cỏ để giữ không gian xanh sạch liên quan tới lợi ích cộng đồng, nên cần có thêm sự chung tay từ nguồn vốn xã hội hóa. Tuy nhiên, không chỉ là xã hội hóa theo hướng lấy tiền từ ngân sách thành phố để đặt hàng các doanh nghiệp môi trường, mà có lẽ cần thêm phương án kêu gọi sự đóng góp từ phía người dân, doanh nghiệp tại chính từng địa bàn dân cư theo nguyên tắc công khai, minh bạch.
Thực tế gần đây, có không ít mô hình trong đó chính quyền, tổ chức đoàn thể và người dân cùng chung tay, góp sức. Cụ thể như ở khuôn viên hồ Vĩnh Hoàng, phường Hoàng Văn Thụ sau 15 năm sử dụng đã bị xuống cấp, các tuyến đường bị cỏ dại mọc hoang nhiều, um tùm, không được chăm sóc, cải tạo. Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hoàng Mai đã phối hợp Đảng ủy, UBND phường và bà con liên tổ dân phố 32, 33. Tuyến đường hoa đã hoàn thành vào ngày 17/8, với sự tham gia của 150 cán bộ, hội viên và nhân dân, tổng kinh phí xã hội hóa thực hiện hơn 80 triệu đồng.
Mô hình này cũng đã được lan tỏa thực hiện trên phố Hàng Trống, Hoàng Cầu, Kim Mã hay một số khu vực ngoại ô như ở xã Tự Lập (huyện Mê Linh), thôn Trung Kiên (xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn)... Đây chắc chắn là một phương án thiết thực nếu tiếp tục được chính quyền các khu vực tuyên truyền, lan tỏa rộng.
Trên đường vành đai 2 đoạn về phía Cầu Giấy và đường Láng, cỏ dại đã bao phủ nhiều ở hai bên hông đường trên cao, che khuất cả lối của người đi bộ. Cùng với đó, tình trạng xả và đốt rác, tập trung phế liệu xây dựng vào phía trong những cụm cỏ dại trên đang trở nên đáng báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cây trồng đã quy hoạch.