Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, việc cho phép vay tiền của ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng kia sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, người vay tiền được hưởng lãi suất thấp. Tuy nhiên, một số người quan tâm đến hình thức “đảo” nợ mới này cho biết, “không dễ như tính toán”.
Lợi cả đôi đường
Ngay sau khi Thông tư 06 có hiệu lực, các tổ chức tín dụng đã bắt đầu bước vào cuộc đua tung gói lãi suất ưu đãi cho vay “đảo” nợ với lãi suất ưu đãi dao động từ 6%-6,9% cho thời hạn sáu tháng đầu, hoặc 8% trong 24 tháng đầu. Không chỉ đưa ra mức lãi suất hấp dẫn, các ngân hàng còn đưa ra những chính sách khác như thời hạn vay lên tới 30-35 năm, cho vay 100% dư nợ gốc còn lại, thời gian ân hạn gốc lên đến 24 tháng.
Đây là một thông tin khá tích cực đối với những khách hàng đang có các khoản vay chịu mức lãi suất hơn 10%. Chị Hoàng Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị rất quan tâm đến chương trình cho vay mới này bởi chị đang có một khoản vay mua nhà với lãi suất 13,5%, trong khi thời hạn tất toán còn tới 5 năm nữa.
“Tôi sẵn sàng bị phạt lãi trả sớm của ngân hàng mình đang vay nếu được vay gói lãi suất thấp của ngân hàng khác. Điều này khiến áp lực gốc lãi hằng tháng của tôi sẽ được giảm bớt. Thay vì phải trả hơn 12 triệu đồng mỗi tháng thì nay có thể giảm xuống hơn một nửa”, chị Hiền chia sẻ.
Đồng quan điểm với chị Hiền, chị Thu Huyền (Trung Văn, Hà Nội) cho biết, trước đây muốn đáo hạn khoản vay cũ để vay khoản vay mới, chị phải vay tiền người thân, bạn bè để trả trước, sau đó được giải ngân mới trả lại cho mọi người, nay có chính sách mới này sẽ tạo điều kiện cho các khách hàng giảm bớt áp lực xoay xở.
Thực tế, ngay từ khi ban hành Thông tư 06, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã khẳng định những quy định mới sẽ tháo gỡ rất nhiều nội dung, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ở nhiều khía cạnh.
Không chỉ mang lại lợi ích cho khách hàng, theo các chuyên gia, quy định mới này sẽ tạo nên làn sóng “cạnh tranh lãi suất” theo chiều hướng giảm để giữ chân khách hàng. Bởi lẽ, các ngân hàng hiện nay đang bước vào chu kỳ giảm lãi suất dồn dập, nếu lãi vay không giảm thì sẽ mất cả khách hàng cũ lẫn khách hàng mới.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, thị trường tài chính tiêu dùng sẽ dễ chịu hơn nhờ việc lãi suất cho vay giảm, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Đặc biệt là trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng bảy tháng đầu năm 2023 đang ở mức quá thấp khi mới đạt gần 4,3%, trong khi định hướng cả năm là 14-15%.
Trong thời gian qua, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn, NHNN đã bốn lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm. Tuy nhiên, lãi suất huy động vẫn neo ở mức cao, người có khoản vay cũ vẫn “oằn mình” trả nợ lãi, khách hàng mới thì tỏ ra e ngại với việc tiếp cận vốn vay.
Nhưng có dễ tiếp cận?
Không thể phủ nhận những lợi ích mà Thông tư 06 mang lại cho người vay tiền, tuy nhiên, theo một số người vay tiền, phương pháp “đảo” nợ mới này “không dễ như
tính toán”.
Anh Hoàng Duy (Tây Mỗ, Hà Nội) cho biết, mình đã liên hệ với hai ngân hàng để tìm hiểu về chính sách chuyển khoản nợ một tỷ đồng vay mua nhà của gia đình. Một ngân hàng có vốn nhà nước đưa ra cho anh này hai phương án, một là chủ động vay khoản tiền trên để trả nợ cũ rồi đăng ký một khoản vay mới tại ngân hàng; hai là phải thế chấp một tài sản khác để vay khoản tiền tương đương với mục đích trả nợ ngân hàng cũ.
Khi được hỏi về phương án ngân hàng hỗ trợ tự tất toán khoản nợ ở ngân hàng cũ, nhân viên tín dụng cho rằng, điều này sẽ rất rủi ro cho ngân hàng nếu có tranh chấp, không thì cũng mất rất nhiều thời gian cho các thủ tục giải chấp ở ngân hàng cũ, trong khi tiền đã giải ngân rồi. Theo đó, nhân viên tín dụng này cho biết, hình thức tốt nhất là anh Duy tự vay tiền để tất toán khoản vay cũ, rồi vay mới để hưởng mức lãi suất ưu đãi 6,5%.
“Sau khi bàn bạc với vợ, tôi thấy cả hai phương án đưa ra đều chưa hợp lý. Bởi lẽ, tôi không thể tự tất toán, cũng như không có thêm tài sản thế chấp mới tìm hiểu chính sách mới này”, anh Duy cho biết.
Đây là chưa kể nếu chuyển khoản vay sang ngân hàng khác, người vay tiền sẽ phải chịu các khoản phí khác như phí phạt trả trước hạn, phí giải chấp sổ đỏ, phí đăng ký lại thế chấp. Ngoài ra, khách hàng vay sẽ phải mất phí công chứng và một số phí khác theo quy định như khách hàng vay mới.
Hiện, phí phạt trả trước hạn ở các ngân hàng dao động trong khoảng 1-3%, giả sử với khoản vay một tỷ đồng của anh Duy, phí phạt có thể lên tới 30 triệu đồng, khoản tiền làm thủ tục vay vốn mới ước tính dao động trong khoảng 10-15 triệu đồng. Ngoài ra, còn có thể có thêm một số chi phí bảo hiểm khác.
“Khoản tiền chênh lệch giữa các mức lãi suất cũng chỉ dao động trong khoảng 40-50 triệu đồng/năm cho khoản vay của gia đình tôi, nhưng những khoản chi phí tôi có thể mất cũng tương đương. Ngoài ra, mức lãi suất ưu đãi cũng chỉ được duy trì trong thời gian ngắn, trong khi khoản vay thì thời hạn dài, nên tôi đang cân nhắc việc có cần thiết phải chuyển đổi ngân hàng hay không”, anh Duy chia sẻ.
Ở một góc nhìn khác, anh Lê Đức - nhân viên bán ô-tô cho biết, phần lớn khách hàng mua xe sẽ có tâm lý đồng hành với một ngân hàng, thậm chí một nhân viên ngân hàng dù có chuyển việc sang ngân hàng khác. Bởi lẽ, để được xét duyệt hồ sơ vay rất khó, ai đã làm quen cho họ thì họ sẽ theo. Vì vậy, việc khách hàng được chuyển sang ngân hàng khác để vay trả nợ trước hạn cho ngân hàng đang vay sẽ chỉ diễn ra nếu lãi suất vay hoặc dịch vụ đi kèm giữa hai ngân hàng có sự chênh lệch lớn. Nếu mức lãi suất chênh lệch nhỏ, cách biệt không quá lớn, các khách hàng cá nhân sẽ ngại chuyển sang một ngân hàng khác để vay.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong thời kỳ áp dụng ưu đãi lãi suất cho khách hàng của Thông tư 06, các ngân hàng phải bù lỗ, nên các hợp đồng tín dụng thường có điều khoản về phí trả nợ trước hạn cao, thậm chí không loại trừ trường hợp các ngân hàng nâng mức phí phạt trả nợ trước hạn để hạn chế khách hàng chuyển vay vốn sang ngân hàng khác.
Hơn nữa, tại mỗi ngân hàng đều có những quy định, cơ chế kiểm soát để cho vay chứ không phải cho vay tùy tiện. Nhất là trong thời gian gần đây, những tiêu chí như áp dụng Basel, quy trình kiểm soát rủi ro chặt chẽ hơn… khách hàng vay tiền phải đáp ứng đủ các tiêu chí, yêu cầu đặt ra với các khoản vay này.