Chủ động sống chung với lũ lụt

Quảng Bình đang vào mùa bão lũ với những đợt mưa lụt gây nhiều thiệt hại. Rút kinh nghiệm từ đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2020, người dân vùng lũ đã sáng tạo biện pháp ứng phó mới. 

Người dân huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) treo xe máy lên cao, kết bè nổi đi lại trong lũ.
Người dân huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) treo xe máy lên cao, kết bè nổi đi lại trong lũ.

Từ nhà tránh lũ…

Những năm qua, Quảng Bình đã tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các chương trình, dự án để giúp người dân làm nhà an toàn chống chịu thiên tai. Trận lũ năm 2020 cho thấy, nhà chòi tránh lũ an toàn không chỉ với hộ nghèo mà rất cần cho các hộ chưa có điều kiện xây nhà kiên cố. 

Bà Lê Thị Diệu ở thôn Tân Thịnh, xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy kể, trong mưa lũ cuối năm ngoái, ngôi nhà cấp 4 cũ của bà nước ngập gần 2 m, hoảng loạn giữa biển nước, bà liều mình bơi ra, trèo lên cây mít trước nhà kêu cứu. Sau đó, người cháu trong làng dùng thuyền ra đưa bà đến nơi an toàn. Sau đó, bà Diệu được tài trợ xây nhà chòi hai tầng để tránh lũ, nhờ chính quyền và dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” (GCF) thuộc Chương trình phát triển LHQ. Chúng tôi thăm ngôi nhà hai tầng rộng 25 m2 còn thơm mùi vôi mới, sàn tầng một có cầu thang sắt lên tầng hai là ngôi nhà nhỏ lợp tôn, có cửa thoát hiểm. Bà Diệu đã vơi nỗi lo sợ khi mùa mưa lũ đến. 

Ông Trần Xuân Tiến, Giám đốc Ban quản lý GCF tại Quảng Bình cho biết, từ cuối năm 2020 đến nay, đã hỗ trợ tỉnh xây dựng gần 900 nhà an toàn chống chịu bão, lụt cho các xã ven biển và cận ven biển. Nhà làm theo mẫu do Sở Xây dựng tỉnh phê duyệt thiết kế với diện tích sàn tránh lũ khoảng 25 m2. Kinh phí làm nhà 75 - 80 triệu đồng, trong đó người dân được hỗ trợ 52 - 55 triệu đồng. Qua khảo sát, đa số các nhà không bị thiệt hại trong đợt lũ lụt vừa rồi. Tại các xã ngập đến mức 2,5 m thì nước lụt nằm phía dưới sàn vượt lũ từ 0,5 - 1,5 m. Đặc biệt, mô hình này rất tốt với những địa phương có ít nhà cao tầng, xa các điểm sơ tán tập trung, được xem là những điểm sơ tán tập trung quy mô nhỏ. Nhiều địa phương trong tỉnh đang đề nghị mở rộng đối tượng và địa bàn hỗ trợ.

Ở vùng “rốn lũ” hai xã Tân Hóa và Minh Hóa của huyện Minh Hóa, người dân đã sáng tạo nhà phao để tránh lũ. Từ những thí điểm thành công, đến nay, với sự hỗ trợ của tỉnh và các dự án, tổ chức thiện nguyện, đã có gần 1.000 nhà phao tránh lũ. Đó là những ngôi nhà rộng từ 25 - 30 m2, được thiết kế chắc chắn trên hệ thống thùng phuy nhựa. Nơi đó còn được tạo thành những cửa hàng phục vụ nhu cầu mua bán hàng hóa trong những ngày mưa lũ. 

… đến việc sống chung 

Từ mô hình nhà phao, vùng lũ các huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh cũng áp dụng làm thành những bè nổi để chất đồ đạc, tài sản lên cho an toàn. Nước dâng, bè phao nổi, tài sản và vật nuôi không bị ướt nước. Rút kinh nghiệm năm trước, năm nay ông Lê Văn Thế ở xã Tân Ninh lắp một dàn bằng sắt sát mái tôn trước nhà để kê đồ đạc. Ông nhờ thanh niên trong xóm đến dùng dây buộc ba xe máy lên chạm mái tôn. Hình ảnh gia đình ông Thế chủ động ứng phó lũ lụt được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Sau lũ, gặp chúng tôi, ông Tân xoa tay cười: “Cất đồ sớm, treo xe máy cao, hết lũ lụt là tháo dây, đưa xe xuống đi lại dễ dàng, không mất tiền sửa vì xe ngâm nước”. 

Ở vùng lũ Quảng Bình, khi nước chưa ngập, người dân dùng tấm nylon dày và dây cao-su để che, buộc toàn bộ miệng giếng khơi, gọi “đóng nắp giếng” để bảo vệ nguồn nước. Lũ rút, bà con tháo tấm che là có ngay nước sạch để dùng. Theo ông Nguyễn Lâm ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, nếu để nước lũ tràn vào, sau khi nước lũ rút, phải mất nhiều công sức bơm nước, súc giếng rồi vệ sinh bằng thuốc Cloruamin B mới dùng được. “Mà sau lũ làm gì có điện để bơm nước nên cách làm này vừa dễ, lại nhanh mà hiệu quả”, ông Lâm nói. 

Theo ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, sau trận lũ lớn năm ngoái, người dân rút ra được nhiều bài học và nghĩ nhiều cách để chung sống với lũ lụt sao cho tiết kiệm và hiệu quả. “Người dân đã bình tĩnh hơn, chủ động ứng phó mưa lũ với phương châm “4 tại chỗ” nên hạn chế được thiệt hại. Đợt lũ giữa tháng 10, tuy chưa lớn nhưng đã thấy rõ là người dân luôn tự tin và bình an”, ông Hán nhận xét.