Viết tiếp bài “Trẻ hóa đội ngũ cán bộ ở Thủ đô”

Chọn mặt gửi vàng, chọn sao cho đúng?

Trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là một chủ trương đúng đắn và cấp thiết. Tuy nhiên, cũng không thể vì trẻ hóa mà để lọt những cán bộ năng lực yếu kém… Sau loạt bài với những lát cắt nhỏ về công tác trẻ hóa cán bộ quản lý, lãnh đạo tại Thủ đô, Thời Nay đã nhận được thêm nhiều chia sẻ tâm huyết, góp phần đưa công tác này ngày càng “trúng, đúng và hiệu quả” trên cả nước.

Các cán bộ trẻ phường Mộ Lao, Hà Đông họp triển khai công việc.
Các cán bộ trẻ phường Mộ Lao, Hà Đông họp triển khai công việc.

Chọn đúng người, giao đúng việc, đào tạo đúng hướng

Chọn mặt gửi vàng, chọn sao cho đúng? ảnh 1

GS, TS Phùng Hữu Phú (nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận T.Ư): Hiện nay, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại. Từ mục tiêu đó, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải có một đội ngũ cán bộ trẻ có tri thức, trình độ chuyên môn cao, năng động, thích ứng được với thời cuộc.

Nhiều năm qua, tại Hà Nội, tỷ lệ cán bộ trẻ tuy đã tăng cường nhưng cũng chưa được như mong muốn. Tuy nhiên, đây là khó khăn không riêng của Hà Nội mà còn của rất nhiều địa phương khác, đòi hỏi phải có một loạt những giải pháp nhất quán, đồng bộ và xuyên suốt. Muốn có được cán bộ trẻ, bản thân sự nỗ lực của thanh niên là rất quý nhưng trên hết các cấp ủy phải thật sự coi việc bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch và sử dụng cán bộ trẻ là nhiệm vụ chính trị mang ý nghĩa sống còn.

Với những tài năng trẻ, cần có cơ chế riêng với sự đầu tư đặc biệt. Đầu tư không chỉ đơn thuần về điều kiện, vật chất mà phải tạo ra được môi trường lành mạnh, dân chủ, bình đẳng cho tất cả mọi người có cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, trong công tác cán bộ, sau khi chọn được đúng người thì cần phải giao đúng việc, đào tạo đúng hướng. Nếu đồng chí đó phù hợp làm công tác chuyên môn, không nhất thiết phải đưa vào làm công chức ngay, có thể cử đi đào tạo nâng cao tại nước ngoài. Ai có năng lực, năng khiếu làm quản lý thì mạnh dạn đưa xuống những địa bàn khó khăn, phức tạp nhất để thử thách và rèn luyện, “chín” rồi đưa về bồi dưỡng kỹ năng rồi lại tiếp tục đưa xuống địa bàn lớn hơn, phức tạp hơn, khó khăn hơn... Như thế thì chúng ta sẽ có cả lãnh đạo và những nhà khoa học, tổng công trình sư giỏi.

Vừa qua, Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” trình tại Hội nghị T.Ư 7, khóa XII đề cập việc có thể bổ nhiệm cán bộ trẻ “vượt cấp” vào vị trí lãnh đạo chủ chốt. Đây là ý tưởng mang tính đột phá nhằm khuyến khích cán bộ trẻ phát huy tối đa năng lực bản thân, nếu có thực tài, có phẩm chất tốt, có triển vọng sẽ được đề bạt vượt cấp. Điều này sẽ loại bỏ được tư duy muốn thăng tiến phải “xếp hàng” đợi các “lão làng” đi trước. Ý tưởng là tốt nhưng phải đi kèm các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định cụ thể để tránh nảy sinh tiêu cực.

Mặt khác, tôi vẫn muốn nhấn mạnh, lực lượng quản lý tuy quan trọng nhưng để phát triển, đất nước chúng ta cần một lượng lớn chuyên gia của tất cả các lĩnh vực. Thành công không chỉ có con đường quan lộ, cần phải tạo ra những cơ chế đãi ngộ tốt, khuyến khích người trẻ yên tâm đi theo con đường nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Bố bổ nhiệm con, dù đúng cũng không nên

Chọn mặt gửi vàng, chọn sao cho đúng? ảnh 2

Đồng chí Phan Chu Đức (Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội): Sau Chỉ thị 07-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ trẻ, cán bộ nữ”, tất cả các đơn vị trên địa bàn Hà Nội đều có kế hoạch, chỉ thị hoặc đề án để tổ chức chỉ đạo về việc tăng cường, phát triển cán bộ trẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những đơn vị mà có đồng chí Bí thư quan tâm sát sao, tổ chức chỉ đạo tốt thì kết quả thể hiện rõ hơn. Tiếp đến là ban thường vụ, cấp ủy ở đó cùng vào cuộc. Bởi vậy nhận thức vẫn là cái gốc, khi nhận thức đúng thì sẽ cụ thể hóa ra thành các giải pháp để tổ chức chỉ đạo thực hiện.

Chủ trương trẻ hóa cán bộ là yêu cầu cần thiết và cấp bách của thực tiễn, tuy nhiên khi triển khai thực hiện chúng tôi cũng đã lường trước những tiêu cực, biến tướng, lợi dụng chủ trương. Bởi vậy, việc lựa chọn cán bộ được thực hiện hết sức thận trọng. Việc đánh giá cán bộ cũng ngày càng được làm một cách thực chất. Từ ngày 1-7, Thành Ủy Hà Nội đã bắt đầu thực hiện đánh giá cán bộ theo tháng với nguyên tắc cấp nào, đồng chí nào giao việc thì cấp ấy, đồng chí đấy phải chịu trách nhiệm đánh giá cán bộ mình phụ trách. Kết quả đánh giá phải công khai toàn cơ quan trong buổi chào cờ đầu tiên của tháng. Đây là căn cứ để quy hoạch, tạo nguồn, bổ nhiệm, tái bổ nhiệm cán bộ.

Riêng câu chuyện con em lãnh đạo, theo tôi cũng nên được nhìn nhận ở hai khía cạnh. Nếu đồng chí ấy có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất thì nên được đánh giá công tâm. Nhưng nếu là lợi dụng bố mẹ có chức vụ để nâng đỡ, cất nhắc thì đúng là đáng trách. Thậm chí, nếu bố làm thủ trưởng mà bổ nhiệm con, dù có đủ điều kiện vẫn không nên. Đã là lãnh đạo, thứ nhất phải gương mẫu, thứ hai phải trong sáng và chịu phần thiệt thòi về mình thì luôn luôn làm được việc.

Người tài không nhất thiết phải là đảng viên

Chọn mặt gửi vàng, chọn sao cho đúng? ảnh 3

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu (Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam): Thời gian qua, báo chí và dư luận đã phản ánh, đặt nhiều câu hỏi về con đường quan lộ thần tốc của một số cán bộ trẻ. Đặc biệt, khi một số vụ được xác minh làm rõ thì trong đó có con, cháu của nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo. Việc đó làm cho quan niệm, nhìn nhận của nhiều người về cán bộ trẻ cũng có chiều không thuận. Theo tôi, một cán bộ dưới 35 tuổi làm Phó Chủ tịch một tỉnh cũng không nên nghĩ là quá trẻ và không tin tưởng họ, vì ít ra họ đã trải nghiệm công tác hơn chục năm rồi. Vấn đề là những trải nghiệm trong quá trình công tác của họ có thật sự phong phú, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, có theo tuần tự được rèn luyện hay không? Nếu được đề bạt vượt cấp thì họ có những thành tích xuất sắc hay không, có triển vọng thật sự hay không?

Để hạn chế những tiêu cực trong bổ nhiệm cán bộ, Nghị quyết 26-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đã đề ra rất nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp đánh giá cán bộ bằng các sản phẩm cụ thể và so sánh với chức danh tương đương, coi trọng cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dấn thân; mỗi vị trí chọn từ nhiều ứng viên với các sản phẩm và đóng góp thực tế của họ, chứ không còn là đánh giá chung chung nữa.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ chúng ta cần nghiên cứu thấu đáo và triển khai chế độ tiến cử. Công khai và minh bạch đồng chí này do ai đề xuất, tiến cử để khi có sự vụ gì xảy ra, người tiến cử cũng phải chịu liên đới trách nhiệm. Làm được vậy thì người tiến cử ắt sẽ thận trọng, công tâm, trách nhiệm hơn khi giới thiệu cán bộ.

Trẻ hóa cán bộ là đúng nhưng để trúng và thật sự hiệu quả thì cần đặt ra vấn đề toàn diện hơn trong việc thu hút được đội ngũ nhân sự trẻ, thật sự có tài, đức. Nếu chúng ta chọn nhầm một cán bộ trẻ, thì hậu quả phải gánh chịu rất lớn vì họ có thời gian công tác dài. Muốn vậy, trước tiên phải sớm hình thành một chiến lược quốc gia về nhân tài, trong đó cần phân chia nhân tài theo từng lĩnh vực để có những tiêu chuẩn khác nhau.

Tôi cũng rất ủng hộ quan điểm đã là người tài không nhất thiết phải là đảng viên, ta đều trọng dụng. Thời gian qua, nhiều địa phương đã đưa ra chính sách thu hút nhân tài nhưng khi nhân tài làm việc được một thời gian thì họ phải ra đi vì những kèn cựa, gièm pha từ đồng nghiệp hay lương không đủ sống. Chế độ đãi ngộ, bên cạnh lợi ích vật chất phải tạo được môi trường thật sự trân trọng người tài, để người tài cống hiến và làm việc. Thậm chí một số nước còn xây riêng khu nhà dành cho người tài. Khi sống ở đấy họ ắt sẽ phải ý thức hơn việc cống hiến để xứng với những gì được hưởng. Điều quan trọng mang tính quyết định là khi chọn người đứng đầu, phải thật sự chọn được những người có tài, có đức nổi bật. Người tài thì sẽ thích sử dụng người tài, họ như thỏi nam châm, thu hút thêm những tài năng khác cùng cống hiến và làm việc!