Chợ đêm Kuala Lumpur

Đến bất cứ địa phương nào, tôi cũng muốn đi chợ. Không phải để tìm mua hàng hóa, mà là để cảm nhận từ góc nhìn văn hóa. Tôi nghĩ có thể hiểu biết về văn hóa, con người của một vùng, miền nào đó thì chợ là nơi dễ quan sát nhất. Qua chợ, có thể tạm đánh giá được mức sống, mức văn minh, văn hóa bản địa, ẩm thực, du lịch, thậm chí là chính sách của chính quyền. Nhất là trong chuyến đi này.

Chợ đêm Kuala Lumpur

Cách khách sạn Novotel khoảng 10 phút đi bộ, là chợ ẩm thực Kuala Lumpur. Thoạt nhìn, khu chợ rất giống chợ đêm ở Đài Loan (Trung Quốc), đó là tràn ngập các cửa hàng ăn. Điểm ấn tượng đầu tiên của tôi, đó là các biển hiệu. Thay vì cố gắng phóng to các thương hiệu, thì các cửa hàng lại dành phần lớn biển quảng cáo cho hình ảnh các món ăn.

Đây là một điều rất thú vị!

Mục đích của các cửa hàng ăn nói chung là đông khách, là lợi nhuận. Nhưng người Malaysia có cách tiếp cận trực tiếp và thân thiện, tạo cảm giác thoải mái cho thực khách. Các biển hiệu phóng lớn hình ảnh các món ăn. Thực khách dễ hình dung về món mình sẽ được ăn, kích thích thị giác. Các nhân viên tiếp thị mở rộng những cuốn menu khổ lớn để chào mời. Rút ngắn rất nhanh quá trình quyết định, lựa chọn của du khách.

Các quầy bán hoa quả, đồ uống, đồ ăn take away cũng hết sức phô trương món ăn, như mời gọi... Khứu giác du khách cũng được kích hoạt tối đa khi mùi các loại gia vị sực nức cả khu phố. Đặc biệt, cách ghi giá tạo sự thuận tiện tối đa cho người mua. Thí dụ, hoa quả ghi rõ giá tiền và tính theo đơn vị QUẢ. Vậy là du khách có thể lập tức trở thành thực khách, mà không cần quá rành ngôn ngữ bản địa, và cũng không quy đổi từ kg sang quả làm gì cho mất công.

Ban nhạc sống có trống, đàn, ca sĩ biểu diễn di động khá chuyên nghiệp và vui tươi. Nhiều thực khách vỗ tay hát theo. Họ có sự đầu tư và biểu diễn bằng cảm xúc, gần gũi với khái niệm nghệ sĩ đường phố.

Đường về, tôi vòng ra ngoài khu trung tâm, bắt một chiếc taxi để dạo phố và cảm nhận. Người lái xe bản xứ râu tóc như cước, đã 72 tuổi, đoán ngay tôi là người Việt Nam. Tôi hỏi lý do, ông ấy cứ cười. Sau mới biết, ông ấy lúc trẻ sống ở Sài Gòn, và có nghe tôi gọi điện trên xe. Tôi bày tỏ sự khâm phục về sức lao động bền bỉ của ông, thì ông ấy nói rằng: Người Việt Nam rất cần cù, chịu khó. Rất tốt!

Chia tay, tôi gửi thêm chút tiền dư, nhất định ông ấy không cầm. Ông bắt tay tôi rất chặt. Tôi thấy may mắn và rất vui.

Chợt nhật ra, ở đây, mọi người rất dễ chào nhau, cười với nhau và nhường đường cho nhau. Phải chăng đó là bản sắc văn hóa?