Cần “tiêu diệt” rao vặt, quảng cáo dán tường

Bạn đọc viết:
0:00 / 0:00
0:00

Trần Thị Liễu (quận Hà Đông, thành phố Hà Nội)

Đã từ lâu, quảng cáo dán tường được nhiều doanh nghiệp, tiểu thương ưa chuộng bởi chi phí thấp hơn nhiều so những loại hình truyền thông khác. Ở chiều ngược lại, đây cũng là một “vấn nạn” vì trực tiếp làm mất mỹ quan, thậm chí gây ảnh hưởng, hư hỏng đối với nhiều công trình tư nhân cũng như công cộng.

Thời gian gần đây, với sự vào cuộc của các tổ chức chính trị-xã hội ở nhiều địa phương, sự chung tay từ lực lượng tình nguyện viên, tình trạng quảng cáo, rao vặt “rác” đã được kéo giảm đáng kể. Tuy nhiên, những ngày sát Tết Nguyên đán, “rác” đã nhanh chóng quay lại một cách nhanh chóng. Bất cứ bức tường, cột điện, hông nhà nào cũng có thể trở thành một tấm bảng quảng cáo cỡ lớn với đủ thứ nội dung vặt từ “cổ điển” như khoan cắt bê tông, cho thuê nhà, thu mua đồ cũ hỏng... cho tới những thông tin tiềm ẩn hệ lụy cho cộng đồng như cho vay tiền không cần thế chấp, đổi tiền mới chi dùng Tết. Đáng chú ý, những đối tượng dán quảng cáo thậm chí còn ngang nhiên dán đè lên cảnh báo, biển cấm của chính quyền địa phương, lực lượng tự quản.

Nhếch nhác, nhem nhuốc về mỹ quan là đã rõ, nhưng những gì mà “quảng cáo tặc” gây ra đôi lúc còn ảnh hưởng tới các giá trị văn hóa, lịch sử. Đơn cử như tại khu vực tôi sinh sống, “quảng cáo tặc” đã ngang nhiên dán chi chít rao vặt lên tường, cột của một ngôi chùa cổ. Khắc phục hậu quả trên tường đã khó, xử lý những tờ giấy cỡ lớn “tắm” keo dính chặt vào cột gỗ của công trình văn hóa càng không đơn giản. Thiết nghĩ, đã đến lúc phải có những biện pháp thật sự nghiêm minh, cụ thể đối với loại hình quảng cáo vô ý thức này. Trước mắt, có thể nghĩ tới việc ngừng cung cấp dịch vụ đối với tất cả những số điện thoại xuất hiện trong quảng cáo, rao vặt “rác”, đồng thời tăng cao mức phạt hành chính đối với người có hành vi dán quảng cáo, rao vặt trái phép lên các công trình.