Cẩn thận với thức ăn đường phố

Dịch vụ bán thức ăn đường phố giúp nhiều người có việc làm, có thu nhập nhưng cũng đồng nghĩa với việc không dễ kiểm soát được thực phẩm đầu vào và vệ sinh ăn uống…
0:00 / 0:00
0:00

“Thương hiệu” cũng ngộ độc

“Không đạt được niềm tin về thực phẩm thì đừng “nhắm mắt” ăn liều. Thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, tẩm nhiều hóa chất, không ảnh hưởng trực tiếp sau khi ăn nhưng cũng tồn dư trong cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe”, đó là lời khuyên của bác sĩ Khúc Thanh Xuân, Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện đa khoa Thanh Hóa.

Hiệu bánh mì Phượng ở Hội An (Quảng Nam) vừa có cơn “địa chấn” về ẩm thực phố cổ, khiến 141 người ngộ độc và nhập viện, trong đó có 34 người nước ngoài. Nhiều người chỉ đau bụng nhẹ hoặc đi ngoài rồi ổn định, không đến bệnh viện thì chưa thể thống kê.

“Về việc này, không phải là “giậu đổ bìm leo”, nói theo để hả giận”, bà Lê Thị Linh, sinh sống ở khu dân cư Đồng Xá (Cẩm Thanh, Hội An) nói. Bà Linh kể: “Trước, thỉnh thoảng tôi lên đó mua bánh mì cho vợ chồng tôi ăn trưa vì nghĩ nó gọn nhẹ. Chồng tôi người nước ngoài, ông không chấp nhận ăn món bơ và ba-tê quẹt vào bánh. Có lẽ do bụng ông ấy yếu”.

“Tôi căn dặn họ không cho hai thứ đó vào bánh mì. Tuy nhiên, họ vẫn quen tay, tôi yêu cầu họ đổi sang hai ổ bánh khác, họ vẫn đổi sang ổ khác nhưng không lấy làm vui. Tôi cũng không vui khi mua hai ổ bánh mì đã mất công đứng đợi lại còn phải đôi co nữa”, bà Linh cho hay.

“Cách đây vài tháng, khi những đứa cháu đến chơi và muốn ăn bánh mì Phượng. Tôi ra đó mua nhưng họ nhớ mặt tôi, không bắt lời. Tôi đứng đó và thấy hết anh hướng dẫn này đặt tờ giấy mua bánh mì, rồi đến anh khác, toàn những người đến sau tôi mà được phục vụ. Buồn quá, tôi lặng lẽ ra về. Và từ đó, tôi thề, ai muốn ăn bánh mì Phượng thì cũng đừng nhờ tôi đi mua nữa”.

“Vừa qua, thông tin về ngộ độc do ăn bánh mì Phượng, đúng là may cho tôi nhưng lại không may cho khách hàng”, bà Linh nói.

Nhiều người phàn nàn bánh mì Phượng thu tiền không bao giờ cảm ơn khách. Về khía cạnh kinh doanh hàng ăn uống, chủ một nhà hàng trên đường Cửa Đại, Hội An, cho hay: “Nhà hàng của tôi nhỏ, khách không đông nhưng nhân viên của chúng tôi buộc phải mặc đồng phục, nhiều nhà hàng khác ở đây cũng mặc đồng phục. Riêng bánh mì Phượng thì không. Đây là một sự đánh giá mà chỉ có những người kinh doanh nhà hàng mới để ý đầy đủ hơn khách hàng”.

Thức ăn đường phố, ngộ nhỡ kêu ai

Nhiều món thức ăn đường phố đang phát triển theo cách tự phát mà các ban, ngành khó kiểm soát hết được. Anh Nguyễn Tiến Quyền ở Đồng Nai, kể rằng, một lần hẹn với bạn bè đi nhậu nhưng vì bụng hơi đói nên tôi phải ăn tô phở, tô bún dặm bụng, nhìn thấy hàng hủ tiếu vỉa hè đường Trần Hưng Đạo (Quận 5, TP Hồ Chí Minh) nên tấp vô: “Nghĩ rằng rẻ thì 20 nghìn đồng mà đắt thì 40 hoặc 50 nghìn đồng. Ăn xong, họ chỉ lấy tôi có 12 nghìn đồng. Tôi giật mình, ôm bụng, hối hận”, anh Quyền cho hay.

“Tô hủ tiếu đó có bốn miếng thịt heo thái mỏng, một miếng tiết luộc, hai miếng bì heo luộc, có củ cải xắt mỏng, giá đỗ, hành củ sao khô, hẹ. Nó rất ổn nhưng cái giá rẻ vậy, khi trả tiền, tôi có cảm giác không ổn chút nào”, anh Quyền phân tích.

Hàng ăn đường phố xuất hiện nhiều vào buổi sáng hoặc tầm lúc 3 giờ chiều cho đến đêm khuya. Người bán hàng ăn đa phần dùng một chiếc xe đẩy, trong đó có bát đĩa, nồi nấu, bàn ghế, xô đựng nước. Sau một lần đến thành phố Đông Hà, Quảng Trị, anh Hà Văn Công người Nghệ An tường thuật lại chuyện mắt thấy: “Bữa đó, tôi mang điện thoại đi chữa và đứng chờ. Chỗ đó có hàng cháo bò, họ bán đến 7 rưỡi tối thì dọn hàng, người đàn ông dùng chiếc chậu nhỏ đựng nước rửa bát, chén, đũa, thìa”.

“Khi rửa hết phần dầu mỡ bám, ông ấy thả vào xô nước. Khi xô nước đầy thì ông ấy vớt ra rồi úp vào thùng nhựa vuông. Chỉ có một xô nước vơi đó thôi mà rửa hết bát chén lần này, lần khác, rồi rửa nồi vung nữa. Cất đặt lên xe gọn gàng cùng với mớ bàn ghế. Ngày mai, vợ chồng ông ấy lại kéo chiếc xe đó ra chỗ đây, lại tiếp tục bán hàng. Nhìn thấy gớm, từ đó, tôi thề, không bao giờ ăn uống trên những chiếc xe đẩy”, anh Công khẳng định.

Chuyện mang găng tay trong các hàng ăn nhìn cũng nản lòng, có người dùng găng tay để lấy thức ăn cho khách đồng thời thu tiền của khách cũng bằng găng tay đó luôn. Bánh mì Phượng ở Hội An không ai dùng găng tay và cũng không có người đứng ra thu tiền, họ bán như kiểu người đứng bán xăng ở cây xăng vậy.

Liên quan đến vụ việc bánh mì Phượng ở Hội An, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế Quảng Nam yêu cầu tạm thời đình chỉ hoạt động của cơ sở bánh mì Phượng, kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở, truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ để xét nghiệm, điều tra xác định rõ căn nguyên vụ việc.