Bước chuyển ở Mường Khương

Đang vụ thu hoạch chè, doanh nghiệp chè Cao Sơn (Mường Khương, Lào Cai) gần như không có thời gian trống. “Chỉ cần có hàng, không sợ không có đơn”, chị Hà Thị Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH Mường Hoa, chuyên chế biến chè Ô Long ở Mường Khương bảo.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch ở đồi chè Cao Sơn.
Thu hoạch ở đồi chè Cao Sơn.

Từ chuyện 1kg chè đổi bằng 1kg thóc

“Bà con hái bao nhiêu chè tôi thu mua hết”, chị Tuyến khẳng định. Ngay cả khi những lý do khách quan như dịch bệnh, chiến tranh, hay cả những chính sách siết nhập khẩu ở nước đối tác, vẫn có những thị trường khác mời chào. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương Lê Thanh Hoa khẳng định riêng với sản phẩm chè, kể cả đợt cao điểm Covid-19 trên toàn thế giới, sản lượng xuất khẩu của Mường Khương vẫn không ảnh hưởng.

Chị Tuyến kể rằng, xây dựng nhà máy chè ở đây là một hành trình. 2011 chị lên Mường Khương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai giới thiệu chị về thu mua chè ở đồi cao xã Cao Sơn. Thời điểm đó khu vực này còn chưa có điện lưới, người dân chưa hào hứng với cây chè, chỉ có một vài cây cổ thụ, sản lượng không đáng kể. Lúc ấy huyện đang ra sức thuyết phục người dân chuyển hướng sang cây chè. “Có những thời điểm lãnh đạo huyện cam kết với nông dân mua lại một kg chè bằng một kg thóc. Nhờ vậy mới giúp người dân nơi đây thay đổi được nhận thức, chuyển từ trồng các loại cây hiệu quả kinh tế thấp, một vụ như ngô, khoai, sắn… sang trồng chè”, Bí thư Huyện ủy Mường Khương Giàng Quốc Hưng kể.

Doanh nghiệp thu mua như chị Tuyến, nhà xưởng xây xong, cũng phải xắn tay lên làm cùng. Năm 2018, chị Tuyến có những đơn hàng xuất khẩu đầu tiên. Những năm đầu lợi nhuận đem lại không cao bởi kỹ năng trồng và hái chè của người dân còn hạn chế, các kỹ năng đều được cán bộ nông nghiệp và chuyên gia hướng dẫn nhưng bà con không chú ý khi thực hiện. Nhiều hộ gia đình không chú ý thu hoạch, sợ lá chè già chị còn thuê nhân công thu hoạch giúp rồi thu mua lại. Vào vụ mùa thu hoạch chè, người dân đi hái chè thuê cũng có thể thu được 200-250 nghìn đồng/ngày công. “Nhờ trồng cây chè mà nhiều hộ dân ở xã Cao Sơn (Mường Khương) có thể thu về được cả trăm triệu đồng mỗi năm, nhà nào ít cũng được khoảng 30 triệu đồng/năm”, chị Tuyến chia sẻ. Thào A Phừ, công nhân xưởng chè nói tháng nào thu nhập thấp anh cũng được 4-5 triệu đồng, tháng nhiều 8-9 triệu đồng. Đó là con số khả quan ở một huyện vùng cao mà thu nhập bình quân đầu người 2022 mới là 26,51 triệu đồng/năm.

Cao Sơn giờ đã là thương hiệu chè sạch đất Mường Khương. Chè Ô Long của công ty Mường Hoa chuyên xuất khẩu đi Đài Loan (Trung Quốc). Năm vừa rồi, phía Đài Loan thay đổi chính sách để bảo hộ cây chè nội địa, nhưng chị Tuyến nói công ty đã xoay qua hướng đi mới. Chị đang thử nghiệm một đồi chè để xuất khẩu sang châu Âu. Đó mới là thị trường cao cấp, cần chuẩn hóa hơn ở nhiều khâu.

Mường Khương hiện có nhiều loại cây chè, với các xã có độ cao 400-500m trở xuống hiện đang trồng cây chè Shan tuyết, chè Shan tuyết tốt nhưng giá trị kinh tế đem lại không cao nhưng ổn định, có năng suất tốt và quan trọng nhất là có thị trường. Ở vùng cao hơn có cây chè Kim Tuyên (chè sản xuất ra trà Ô Long). Loại cây chè này đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần chè Shan tuyết nhưng sản lượng ít, cần có kỹ thuật chăm bón cao, nên để hướng dẫn cho người dân đồng bào vùng cao cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, huyện Mường Khương có một vùng trồng chè cho sản phẩm tốt, một hộp trà chỉ vài lạng nhưng có thể giá lên đến cả chục triệu đồng, đó là vùng nguyên liệu chè cổ thụ ở xã Tả Thàng ở độ cao hơn 1.500m. Hiện ở đây còn khoảng vài nghìn cây chè cổ thụ, thời gian qua đã ươm giống phát triển trồng thêm được vài chục ha, đây chính là nguyên liệu làm trà cao cấp Tiên Thiên.

Cả huyện Mường Khương hiện có bảy nhà máy chè, công suất tối đa lên đến 50 nghìn tấn mỗi năm. Thực tế diện tích chè hiện tại ở Mường Khương mới chỉ đáp ứng được 50% công suất các nhà máy.

Bước chuyển ở Mường Khương ảnh 1

Công nhân chế biến dứa HTX Thịnh Phong.

Xác định cây giống chủ lực

Bài toán được mùa mất giá, được giá mất mùa, hay làm ra không ai mua hầu như không thấy trong câu chuyện làm nông nghiệp ở Mường Khương. Với đặc điểm có tới ba tiểu vùng khí hậu là nhiệt đới, á đới và ôn đới nên Mường Khương có khả năng phát triển nông nghiệp đa dạng về sản phẩm. Từ những lợi thế trời phú, Nghị quyết số 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã xác định Mường Khương sẽ hình thành các vùng sản xuất dược liệu tập trung, sản xuất chè, các cây ăn quả như quýt, mận, chuối, dứa… Trong đó cây chè sẽ được tập trung thâm canh nâng cao năng suất, đẩy mạnh chế biến sâu đạt chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bí thư Huyện ủy Mường Khương Giàng Quốc Hưng cũng nói, Mường Khương đang nỗ lực để làm nông nghiệp quy mô, xác định tinh thần “cuộc chơi” nông nghiệp không làm manh mún, đơn lẻ mà phải theo quy hoạch vùng trồng từng loại cây đã được nghiên cứu sẽ phù hợp thổ nhưỡng và khí hậu của từng vùng, từng xã. “Chỗ chúng tôi phải mời mọc, nịnh từ dân chuyển đổi giống cây tới nịnh doanh nghiệp đến đầu tư ấy chứ”, ông Bí thư cười đùa. Sau hai năm thực hiện Nghị quyết 10 đến nay đã có năm giống cây trồng là thế mạnh của địa phương là chè, dứa, chuối, quýt, lúa Séng Cù. Trong đó riêng với cây chè, Mường Khương khẳng định vị thế với danh xưng thủ phủ chè của tỉnh Lào Cai với gần 5.000ha. Trong giai đoạn 3 năm xuất hiện dịch Covid-19, Mường Khương vẫn “tranh thủ” trồng từ 700-800ha/năm.

Người phụ nữ được mệnh danh tỷ phú vùng biên Nguyễn Thị Hà - Chủ nhiệm HTX Thịnh Phong (thôn Nà Mạ 1, Bản Lầu), cũng là một doanh nghiệp không lo không có việc. Mấy năm nay quả dứa không vào được thị trường Trung Quốc, chị Hà nói đã xoay ra làm sắn với ngô. Nông sản không sợ không có người mua, chỉ là giá bao nhiêu.

Phát triển chế biến sâu từ cây dứa, HTX của Hà gồm 14 thành viên và 25 thành viên liên kết sẽ thu mua dứa của người dân cùng với sản phẩm dứa của các thành viên, đem gọt vỏ, làm sạch rồi bán cho thị trường trong nước, mỗi ngày xuất đi được từ

60-70 tấn/ngày. Thành phẩm sau khi chế biến sâu được khoảng 10 nghìn đồng/kg, trong đó HTX chi trả nhân công cho người dân trong vùng khoảng 300 nghìn đồng/ngày. Cao điểm vào vụ mùa xưởng của chị Hà có khoảng 40 nhân công lao động.

Chị Hà chia sẻ, năm nay hoạt động trước mắt để tháo gỡ khó khăn cho người nông dân. Bởi năm 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá phân bón tăng cao do không nhập được nguyên liệu từ nước ngoài, tính thương mại “3kg dứa = 1kg phân bón”. Năm nay hoạt động đầu ra cũng gặp khó khăn do vụ mùa dứa ở Nghệ An trùng với Mường Khương, các công ty thu mua hay chợ đầu mối thường sẽ chọn Nghệ An vì cước vận chuyển rẻ hơn. Thế nhưng ngay cả khó khăn, đơn hàng dứa vẫn được đi đều. Đơn hàng một tấn dứa với Hà chỉ là bán lẻ.

Sản xuất nông nghiệp đã là ngành kinh tế chủ lực của Mường Khương, chiếm hơn 40% đóng góp vào ngân sách địa phương và phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Mục tiêu năm 2023 của huyện Mường Khương sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác gắn liền với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; chuyển đổi 1.100ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Dự kiến giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 79 triệu đồng/ha.

Huyện Mường Khương đã chuyển đổi hơn 2.000ha đất trồng cây kém hiệu quả sang phát triển các cây trồng chủ lực (chè, dứa, chuối…). Từ một huyện nghèo của cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2022 của Mường Khương đã đạt 6,8%. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2022 đạt 35.980,8 tấn; sản lượng chè búp tươi đạt 26.234 tấn, năng suất bình quân 99 tạ/ha, giá trị sản lượng đạt 172 tỷ đồng.