Bình Phước là tỉnh nằm trong vùng Đông Nam Bộ và ở cuối dãy Trường Sơn hùng vĩ. Nơi đây có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào Xtiêng được xem là dân tộc sống lâu đời nhất trên mảnh đất này.
Trong kháng chiến chống Mỹ, đây là điểm cuối của hai con đường huyền thoại, đường mòn Hồ Chí Minh và đường ống xăng dầu chạy vào từ bắc vào nam chi viện cho chiến trường miền nam. Bình Phước còn được biết đến với những chiến công như: Chiến thắng Đồng Xoài, Phước Long, Chốt chặn Tàu Ô… và nhất là trận đánh giải phóng Lộc Ninh năm 1972, trở thành căn cứ địa của cách mạng.
Trong những năm đầu đánh Mỹ, sóc Bom Bo (nay thuộc xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) là một đơn vị hậu phương vững chắc. Người dân nơi đây sẵn sàng ăn củ rừng để nhường gạo cho cách mạng, ăn tro để nhường muối cho bộ đội.
Già làng Điểu Lên, dũng sĩ diệt Mỹ ở sóc Bom Bo nhớ lại, thời ấy đời sống đồng bào nơi đây còn nghèo khổ, nhà cửa thưa thớt. Đồng bào phải đi vào rừng sâu đào củ mài, củ chuối về ăn, thế nhưng mọi người đều rất đoàn kết, kiên quyết bám trụ, làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng, là hậu phương tiếp tế lương thực quan trọng cho quân giải phóng. Ban đầu, những thanh niên yêu nước, như: Điểu Beo, Điểu Lết, Điểu B’riêng, Điểu Lúp, Điểu Siêng… góp mỗi người nửa lon gạo nuôi bộ đội. Sau này thành lập căn cứ “Nửa lon” trong rừng, bên dòng suối Đắk Nhau và Đắk Liêng, vào những năm 1962-1963.
Tại đây, không kể ngày đêm, người dân thay nhau giã gạo để cung cấp nguồn lương thực cho bộ đội chiến đấu. Những ngày tháng giã gạo nuôi quân của đồng bào nơi đây được cố nhạc sĩ Xuân Hồng viết thành lời bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, mà sau này được xem là “tuyên ngôn” về lòng yêu nước của đồng bào Xtiêng, với những ca từ “Cách mạng cần gạo nhiều để đánh Mỹ/ Sóc Bom Bo sẵn có cối chày đây/Người Bom Bo sẵn có đôi bàn tay/Với tình yêu nước và thù giặc ngày ngày”.
Nhằm góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của cha ông để lại năm 2010, UBND tỉnh Bình Phước đã triển khai xây dựng Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Xtiêng sóc Bom Bo trên diện tích 113,4ha, với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng.
Đến đây, du khách được chiêm ngưỡng bộ cồng chiêng lớn nhất Việt Nam; bộ Đàn đá có trọng lượng hơn 20 tấn và nhất là tham quan nhà dài cùng một số vật dụng truyền thống của đồng bào Xtiêng. Tối đến, du khách được nghe giai điệu của bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, cùng hòa nhịp với tiếng cồng chiêng và múa, hát với các cô gái, chàng trai người Xtiêng bên ánh lửa bập bùng.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bù Đăng, Vũ Đức Hoàng cho biết: Bom Bo nói chung và văn hóa dân tộc Xtiêng của người dân Bom Bo nói riêng không chỉ là văn hóa thuần túy mà nó được con người nơi đây tạc vào những trang sử bằng máu, nước mắt và cả sự hy sinh.
Vì vậy chúng tôi, những người được phân công làm quản lý văn hóa phải học, phải tìm hiểu, phải biết cảm nhận để lan tỏa những giá trị tốt đẹp ấy đến mỗi người dân, đặc biệt là các bạn trẻ biết trân quý, giữ gìn và cộng đồng trách nhiệm để mỗi ngày qua đi, nét đẹp văn hóa ấy ngày càng rực rỡ, tỏa sáng như hình ảnh những ngọn đuốc lồ ô giã gạo nuôi quân, đánh giặc giữ nước năm nào.