Gỡ nút thắt cho nhà tập thể cũ

UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố, xác định lộ trình theo thứ tự ưu tiên giai đoạn 2022-2023 và các năm tiếp theo. Tuy nhiên, vấn đề giải phóng mặt bằng vẫn là rào cản lớn nhất hiện nay.

Việc cải tạo nhà tập thể cũ vẫn còn nhiều khó khăn.
Việc cải tạo nhà tập thể cũ vẫn còn nhiều khó khăn.

Người dân mong chờ

Những mảng tường bong tróc, lộ cả lõi sắt hoen gỉ, hệ thống cầu thang sụt lún phải gia cố… là hình ảnh thường thấy ở những chung cư cũ được xây dựng từ nhiều thập kỷ trước. Qua nhiều năm, người dân đã tự ý cơi nới thêm hệ thống “chuồng cọp”, đặt bình nước trọng tải lớn lên sân thượng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết cấu, gây ra hiện tượng nghiêng và sụt lún, không an toàn với các chung cư cũ. Thực trạng này xảy ra đã nhiều năm và dù đã có những cảnh báo về sự thiếu an toàn của nhà tập thể cũ, thế nhưng việc cải tạo, sửa chữa, xây mới những tòa nhà này vẫn còn nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Thành, khu tập thể 5 tầng, phường Thành Công (quận Ba Đình) cho biết, nhiều hộ dân ở đây rất mong dự án cải tạo nhà tập thể cũ được triển khai. Các căn hộ ở đây đã xuống cấp nghiêm trọng hàng chục năm nay. Tường nhà thấm mốc, trần bong tróc hàng mảng, mỗi khi trời mưa là lại chịu cảnh thấm dột. “UBND phường đã tiến hành khảo sát và họp cùng cư dân vài lần nhưng từ đó tới nay đã vẫn chưa thấy triển khai cụ thể. Người dân băn khoăn với các thông tin về dự án như tầng cao của các tòa nhà sau khi cải tạo, không gian quanh chung cư, đặc biệt là khâu giải phóng mặt bằng, diện tích trong sổ đỏ được bồi thường ra sao, diện tích người dân cơi nới được tính như thế nào? Người dân chưa đi vì chưa biết ai đầu tư chứ chúng tôi sẵn sàng hợp tác, với điều kiện chủ đầu tư phải thống nhất các phương án xây dựng, đền bù tái định cư…”, ông nói. 

Theo kế hoạch, trong năm 2022, bốn khu chung cư cũ và hai nhà chung cư đơn lẻ nguy hiểm cấp D sẽ được triển khai cải tạo, xây dựng lại tại quận Ba Đình gồm Khu tập thể Giảng Võ (nhà C8); Khu tập thể Thành Công (Nhà G6A); Khu tập thể Ngọc Khánh (Nhà A); Khu tập thể Bộ Tư pháp (hai đơn nguyên đầu hồi ở cấp D); Nhà 148-150 Sơn Tây. Quận Đống Đa có nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng. Dự kiến nguồn vốn thực hiện cải tạo chung cư cũ sẽ huy động từ ba nguồn, gồm vốn xã hội hóa (trường hợp chủ sở hữu nhà chung cư thỏa thuận với doanh nghiệp bất động sản lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư); nguồn vốn đầu tư công; nguồn vốn vay từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố cho các chủ đầu tư vay để triển khai… Trường hợp Nhà nước trực tiếp thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư và đầu tư xây dựng quỹ nhà tạm cư, nhu cầu vốn đầu tư công khoảng 65.360 tỷ đồng, gồm khoảng 60.500 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng dự án cải tạo, xây dựng lại bốn khu chung cư có nhà nguy hiểm cấp D (Thành Công, Giảng Võ, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp). Khoảng 4.860 tỷ đồng để xây dựng 5 dự án tạm cư tại quận Hoàng Mai, Tây Hồ, huyện Đông Anh.

Cần hài hòa lợi ích trong quy hoạch

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến năm 2020, trên địa bàn thành phố có 1.579 chung cư cũ, nhiều nhất cả nước. Diện tích các căn hộ phần lớn chỉ khoảng 30-50 m2/căn. Qua nhiều thập niên sử dụng, hầu hết các nhà chung cư cũ đã bị đục phá, cơi nới, biến đổi cấu trúc, gây ảnh hưởng chất lượng công trình; trong đó có nhiều nhà đã xuống cấp, thậm chí hư hỏng nặng. Sửa chữa, cải tạo là vấn đề được đặt ra từ lâu, thế nhưng rào cản lớn nhất từ trước đến nay vẫn là vấn đề giải phóng mặt bằng và làm thế nào để hài hòa lợi ích ba bên là bài toán khó nhất. Câu chuyện về quyền lợi của người dân khi cải tạo chung cư vẫn là nút thắt, khi phải tìm được tiếng nói đồng thuận giữa các bên thì dự án mới có tính khả thi. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng lo ngại việc triển khai Nghị quyết Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố liệu có kịp tiến độ đề ra? Thực tế, TP Hà Nội có số lượng chung cư cũ nhiều nhất cả nước nên việc kiểm định, lập quy hoạch, xây dựng, tháo dỡ, cải tạo khối lượng công việc rất nhiều.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, TP Hà Nội đang có những bước tiến mới trong việc cải tạo, xây mới chung cư cũ trong thời gian tới. “Tuy nhiên, việc quy hoạch cần tính đến lợi ích của chủ đầu tư, cũng như đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân cần thỏa đáng, phù hợp với lợi ích các bên. Bởi nếu lợi ích các bên không hài hòa, dự án sẽ gặp khó khăn, rồi lại rơi vào vòng luẩn quẩn”, ông Đính nêu ý kiến.

Nghị định 69 của Chính phủ về cải tạo chung cư cũ đã có hiệu lực, HĐND TP Hà Nội đã thống nhất Nghị quyết về cải tạo xây dựng chung cư cũ, xem xét triển khai đề án, dự án quy gom tái định cư các chung cư cũ đơn lẻ trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp, những đơn vị sẽ đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng, cải tạo chung cư cũ vẫn chưa thật sự mặn mà. Thực tế, thời gian qua, rất nhiều chủ đầu tư đăng ký tham gia cải tạo, xây mới chung cư cũ nhưng mới chỉ dừng lại ở mức thăm dò.