1. Quỹ NAFOSTED (Bộ Khoa học và Công nghệ) chính thức đi vào vận hành từ tháng 2-2008. Ban đầu Quỹ triển khai các hoạt động tài trợ, hỗ trợ các chương trình nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật (KHTN & KT). Thực hiện Nghị định 23/2014/NĐ-CP (ngày 3-4-2014) của Chính phủ, hoạt động của Quỹ NAFOSTED hướng tới tiếp tục việc nâng cao chất lượng và hiệu quả các chương trình tài trợ, hỗ trợ; đồng thời thống nhất phương thức tổ chức thực hiện giữa lĩnh vực KHTN và KT và lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (KHXH và NV); tăng cường hỗ trợ nhóm nghiên cứu mạnh…
Đến cuối năm 2019, Quỹ NAFOSTED đã tài trợ, hỗ trợ hơn 10 nghìn lượt nhà khoa học thuộc các viện, trường đại học (ĐH) nghiên cứu trải rộng trên nhiều lĩnh vực toán học, vật lý, hóa học, cơ học, khoa học sự sống, vật liệu mới, công nghệ vũ trụ, triết học, ngôn ngữ học… với khoảng 3.200 đề tài. Trong năm 2020, quỹ đã và đang cấp kinh phí cho khoảng 400 đề tài, nhiệm vụ khoa học với tổng nguồn đầu tư 138,5 tỷ đồng.
Mặt khác, không ít trường ĐH những năm gần đây coi trọng nhiều hơn đến hoạt động nghiên cứu, trong đó có việc “treo thưởng” cho các công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus (Trường ĐH Quốc tế thuộc ĐH quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH kinh tế TP Hồ Chí Minh đặt mức thưởng từ 50 triệu đến 200 triệu đồng/công trình). Theo đó, các nhà khoa học cũng đã công bố được hàng chục nghìn bài báo trên các tạp chí quốc tế có uy tín và đào tạo được 2.400 TS các chuyên ngành khác nhau. Tính trung bình hằng năm, Quỹ NAFOSTED tài trợ hơn 300 đề tài, nhiệm vụ khoa học (chưa kể các đề tài đột xuất), góp phần nâng cao số lượng và chất lượng các bài báo quốc tế đạt chuẩn ISI/Scopus (chiếm khoảng 20 - 25%) trong tổng số công bố quốc tế hằng năm của Việt Nam.
2. GS Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam (nguyên Viện trưởng Toán học) cho rằng, việc công khai minh bạch, giảm thiểu thủ tục hành chính và dân chủ từ khâu đăng ký đề tài đến “công đoạn” thẩm định đánh giá đầu vào, đầu ra của các đề tài khoa học theo chuẩn mực quốc tế của các Hội đồng của Quỹ ngày càng kích thích sự sáng tạo của các nhà khoa học. Việc đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong nghiên cứu khoa học, đã tạo điều kiện cho các Hội đồng Khoa học của Quỹ tự đề xuất thành viên và tự chủ trong hoạt động chuyên môn; áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong đánh giá sản phẩm nghiên cứu khoa học; mặt khác bước đầu hình thành nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực KHXH và NV… là những đột phá của Quỹ NAFOSTED khiến hoạt động KH và CN thời gian gần đây trong cả nước khởi sắc hơn. Chẳng hạn năm 2019, Việt Nam có 6.178 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí đạt chuẩn ISI/Scopus (tăng hơn 40% so năm 2014). Trong đó có không ít đơn vị nghiên cứu như Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có mức tăng 15 - 20% mỗi năm nhờ có các đề tài được tài trợ, hỗ trợ từ Quỹ NAFOSTED.
TS Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Quỹ cho biết, ba năm trở lại đây NAFOSTED triển khai thực hiện tài trợ, hỗ trợ nhiều hơn cho các đề tài nghiên cứu ứng dụng, nhiệm vụ khoa học đột xuất và nhất là lĩnh vực KHXH và NV. Việc mở rộng phạm vi và đối tượng tài trợ, hỗ trợ trong KHXH và NV của quỹ đã góp phần nâng số lượng bài báo quốc tế trong lĩnh vực này (tuy còn chậm). Đồng thời, tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu cơ hội giao lưu, học hỏi bạn bè thế giới về các lĩnh vực cùng quan tâm…