Theo Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), rạng sáng 5/6 vừa qua, những phần tử có vũ trang đã thực hiện cuộc tiến công vào làng Solhan, đông bắc Burkina Faso, khiến 160 người thiệt mạng. Đây được xem là vụ tiến công đẫm máu nhất do các phần tử thánh chiến thực hiện ở nước này kể từ năm 2015. Chính quyền Burkina Faso cho biết, khoảng 7.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa sau cuộc tiến công trên. Trong một tuyên bố, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) nêu rõ: “Chúng tôi lên án mạnh mẽ hoạt động tuyển mộ trẻ em và thanh thiếu niên của các nhóm vũ trang. Đây là vi phạm nghiêm trọng quyền cơ bản của trẻ em”.
Theo giới chức ở miền Bắc Burkina Faso, nơi các phần tử Hồi giáo kiểm soát các vùng rộng lớn, trẻ em là đối tượng mà các nhóm Hồi giáo vũ trang tuyển mộ trong năm qua. Tuy nhiên, vụ thảm sát vừa qua ở làng Solhan là vụ tiến công thu hút sự chú ý nhiều nhất. UNICEF cho hay, kể từ khi các cuộc tiến công vào dân thường và binh sĩ gia tăng ở quốc gia Tây Phi này từ năm 2018 đến nay, hàng trăm người đã thiệt mạng và hơn 1,2 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa, hơn 2.200 trường học phải đóng cửa và ảnh hưởng tới hơn 300.000 trẻ em.
Bất chấp sự can thiệp của các binh sĩ gìn giữ hòa bình LHQ và các lực lượng quốc tế, những vụ tiến công do các phần tử Hồi giáo thực hiện tiếp tục gia tăng trên toàn khu vực vùng Sahel ở Tây Phi, trong đó có các nước láng giềng của Burkina Faso là Mali và Niger. Kể từ khi ra đời vào năm 2000 đến nay, Nghị định thư của LHQ cấm sử dụng binh lính trẻ em đã được 126 nước ký kết. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 300.000 - 500.000 trẻ em tại 87 quốc gia khác nhau tham chiến. Số lượng trẻ em cầm súng đặc biệt nhiều tại châu Phi, nơi có hơn 120.000 binh lính dưới 18 tuổi.
Trong khi đó, việc sử dụng trẻ em làm binh sĩ là vi phạm Công ước quốc tế về quyền trẻ em, ra đời năm 1989. Điều 38 của Công ước lên án việc tuyển mộ những trẻ em dưới 15 tuổi cầm súng. Nghị định thư của LHQ năm 2000 đã nâng độ tuổi tối thiểu tham gia các cuộc xung đột từ 15 lên 18. Hiện, chỉ có hai nước không phê chuẩn Công ước trên là Mỹ và Somalia.
Theo AP, một số thủ lĩnh phiến quân ở CHDC Congo thừa nhận rằng, việc bắt lính trẻ em rất dễ dàng, chi phí huấn luyện rẻ mạt, được lợi dụng làm những tấm bia đỡ đạn trong các cuộc giao tranh. Ngoài ra, các tay súng dưới 18 tuổi thích thể hiện bản thân và coi chiến tranh như một trò chơi, dẫn đến dễ bị “tẩy não” để trở nên hung bạo, thiện chiến và không biết sợ. Tại Uganda, có những đứa trẻ mới 8 - 9 tuổi đã bị buộc phải tra tấn tới chết những tù binh cứng đầu. Bất ổn an ninh càng kéo dài, càng có nhiều trẻ em châu Phi bị sung vào lực lượng phiến quân. Trẻ em trai thì buộc làm lính, làm phu, trong khi trẻ em gái bị trở thành nô lệ tình dục. CNN cho biết, một bé gái 14 tuổi người Uganda, bị một nhóm phiến quân bắt cóc về trại ở Sudan, kể lại rằng: “Chúng tôi bị chia cho những người đàn ông. Những ai không phục tùng binh sĩ sẽ bị sát hại”.
Hầu hết các quốc gia châu Phi đều cấm tuyển mộ binh sĩ dưới 18 tuổi, nhưng điều luật này không hề có hiệu lực trên thực tế. Theo UNICEF, các nỗ lực chống lại việc tuyển mộ trẻ vị thành niên làm lính sẽ như “muối bỏ bể” nếu các quốc gia châu Phi không giải quyết các vấn đề về tài chính. Bất ổn an ninh và tình trạng nghèo đói trong khu vực dẫn đến trẻ em hiếm có chọn lựa nào khác để không phải tham gia những nhóm vũ trang.