Bài toán dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính

Công việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã chưa bao giờ là dễ dàng bởi nó tác động tới các địa phương, tới tài sản và đội ngũ cán bộ công chức nơi đó, nhưng là việc bắt buộc phải làm để bộ máy công quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ người dân được tốt hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, công chức trao đổi ý kiến về công tác trong địa bàn phường. Ảnh: NAM HẢI
Cán bộ, công chức trao đổi ý kiến về công tác trong địa bàn phường. Ảnh: NAM HẢI

Mong quan tâm đến nguyện vọng anh em

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, thực hiện Kết luận số 48 của Bộ Chính trị. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV QH) đã ban hành Nghị quyết 35 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, trong đó chia làm hai giai đoạn thành phần là 2023-2025 và 2026-2030.

Hiện nay các địa phương đều đã hoàn thành phương án tổng thể về sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 và Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành của T.Ư tham gia ý kiến về phương án tổng thể của các địa phương. Hiện các địa phương đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các đề án về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Sau khi các đề án hoàn thành sẽ được báo cáo chính phủ làm cơ sở xem xét trình UBTV QH thông qua các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cho từng địa phương.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, số cán bộ, công chức, viên chức chịu ảnh hưởng tác động và có thể thuộc diện dôi dư, cần phải tinh giảm khá lớn (khoảng 46 nghìn). Thực tế sáp nhập các đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 đã cho thấy, đây là một công việc rất khó khi mà khung biên chế tại các huyện và từng đơn vị đã được duyệt và cơ bản ổn định.

Theo phương án của UBND thành phố Hà Nội, sẽ nhập 48 xã, phường, thị trấn (40 xã, phường, thị trấn thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 và 8 xã, phường, thị trấn liền kề) thành 27 xã, phường, thị trấn; giảm 21 xã, phường, thị trấn. Tới đây, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng sẽ được sáp nhập vào phường Đống Mác. Nhiều cán bộ công chức tại hai phường này đều có chung ý kiến: “Mong Nhà nước quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của anh em. Đó là được ổn định công việc. Thứ hai, nếu thuộc diện dôi dư, mong được bảo đảm các chế độ, quyền lợi, chính sách”.

Cần những chính sách hỗ trợ dài hạn

Năm 2023, UBTV QH đã thực hiện một giám sát chuyên đề về việc thực hiện các nghị quyết của UBTV QH về sắp xếp đơn vị hành chính tại các địa phương. Trong đó có vấn đề giải quyết cán bộ dôi dư. Khi xây dựng Nghị quyết 35 để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cho giai đoạn này, việc xử lý cán bộ công chức, viên chức ở những đơn vị sắp xếp đã được quy định tại 2 điều. Trong đó, đặt ra yêu cầu UBND cấp tỉnh phải có phương án xử lý, bố trí, phân công cán bộ công chức ở các đơn vị thuộc diện sắp xếp. Đồng thời phải xác định rõ số lượng công chức, viên chức dôi dư và xây dựng lộ trình để tinh giản biên chế đối với cả số lượng cán bộ công chức dôi dư.

Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu trong vòng 5 năm, số lượng cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ công chức, viên chức ở những nơi thực hiện sắp xếp phải được giảm đến mức như quy định chung. Trong nghị quyết cũng đặt ra những định hướng quan trọng trong việc giải quyết chế độ chính sách một cách thỏa đáng, hợp lý cho nhóm đối tượng phải dôi dư này. Bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: “Đối với những người phải ra đi sau khi sắp xếp bộ máy, chúng ta phải có chế độ quan tâm, tạo điều kiện một cách thuận lợi nhất để họ có thể chuyển đổi nghề nghiệp. Đó không chỉ là những quyền lợi về mặt vật chất mà cần có những chính sách hỗ trợ dài hạn hơn như là học nghề để chuyển đổi công việc, bảo đảm chế độ về bảo hiểm xã hội để những người chưa đủ điều kiện được hưởng…”.

Theo bà Thủy, điều quan trọng nhất để tạo ra sự đồng thuận ở mức độ nhất định cũng như sự ổn định trong bộ máy của chính quyền các địa phương tham gia sắp xếp là phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo một cách quyết liệt, sát sao thường xuyên của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các địa phương. Lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị có những phương án, lộ trình để tuyên truyền, vận động, giải thích về mặt chính sách cho các cán bộ, công chức, viên chức tại đơn vị mình. Khi thực hiện sắp xếp không chỉ giảm một cách cơ học về số lượng các đơn vị hành chính mà qua đó cần phải kết hợp được với việc bố trí, sắp xếp, đổi mới bộ máy nói chung.

Theo tinh thần các nghị quyết của T.Ư Đảng, UBTV QH và Chính phủ, việc sáp nhập huyện, xã là để tạo ra không gian phát triển mới với tư duy mới, tạo giá trị mới và nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân. Theo kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025, có 50 đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp lại và sau khi sắp xếp dự kiến giảm 14 đơn vị. Còn đối với cấp xã có 1.243 đơn vị thực hiện sắp xếp và sau sắp xếp dự kiến giảm 619 đơn vị.