Xây dựng môi trường học tập lành mạnh

Tiếng trống khai trường năm học 2022-2023 vừa dứt, trên các trang mạng, thông tin mời chào học thêm cho học sinh các khối và cả những dòng tin nhắn “nóng hổi” của các bậc phụ huynh để tìm lớp luyện thi, lớp bổ túc trình độ… cho con đã như “nấm sau mưa”.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh được rèn kỹ năng tự học sẽ giảm bớt áp lực học thêm. Ảnh: KHIẾU MINH
Học sinh được rèn kỹ năng tự học sẽ giảm bớt áp lực học thêm. Ảnh: KHIẾU MINH

ớp 1 đã học thêm

Trên mạng xã hội Facebook, Trung tâm cô Lê Mai để sẵn số điện thoại Hotline: 0988562690 kèm lời mời gọi: “Trung tâm đã khai giảng lớp học Ngữ Văn - Tiếng Việt qua phần mềm zoom từ lớp 2 đến lớp 10. Đăng ký ngay!”. Hay qua Nhóm Ôn thi cùng con vào lớp 6 chất lượng cao với hơn 10 nghìn thành viên tham gia, nhiều phụ huynh cũng sốt sắng, săn tìm các lớp học thêm cho con, như: “Con em sinh năm 2013, học lớp 4 trường công, nhà ở Thanh Xuân, em đang muốn tìm lớp học nâng cao cả ba môn Toán, Văn, Anh để con ôn luyện thi vào lớp 6. Các anh, chị biết thầy cô nào có tiếng, có nhiều học sinh đỗ, giới thiệu cho em với!!!”. Trên các nhóm này, mới vào năm học mới, nhiều dòng trạng thái của các bố mẹ có nội dung khiến người đọc không khỏi “giật mình”: “Con em mới vào lớp 1, nhưng nhà em có định hướng cấp 2 học các trường chuyên, chất lượng cao nên xác định tìm lớp học thêm ngay!”…

Dù mới chân ướt chân ráo đi học, chưa đọc thông viết thạo chứ chưa nói đến năng lực của con ra sao, những đứa trẻ đã bị kéo vào guồng “học thêm, dạy thêm”. Ở môi trường tiểu học, nhiều trường lấy khẩu hiệu là “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, điều đó có nghĩa nhà trường đã coi trọng các hoạt động rèn kỹ năng. Thế nhưng, những đứa trẻ sẽ vui sao được khi phải ôm đồm việc học trên lớp, rồi học thêm để định hướng thi chuyên cấp II, rồi “không thua bạn, thua bè”!?

Để thi vào hệ THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam năm học 2022-2023, theo quy chế, ở vòng xét tuyển, các thí sinh phải có học bạ cuối năm lớp 2, 3, 4, 5 được khen thưởng danh hiệu “Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện”. Điều đó có nghĩa, ngay cả những nội dung rèn luyện, các em đều phải đạt điểm 9-10. Sau đó, các thí sinh còn vượt qua kỳ thi đánh giá năng lực gồm ba môn: Toán - Văn - tiếng Anh với tỷ lệ “chọi” rất cao. Khó khăn hơn vào hệ lớp 6 trường Ams là Trường THCS Ngoại ngữ, thuộc Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm học 2022-2023, các thí sinh phải làm hai bài kiểm tra đánh giá năng lực, gồm: Bài trắc nghiệm bao gồm ba hợp phần kiến thức: Tiếng Anh, tổ hợp Khoa học tự nhiên và Toán, tổ hợp Khoa học xã hội và Văn, bài tự luận gồm ba môn Toán, tiếng Việt và tiếng Anh. Năm học này, có gần 2.000 thí sinh dự tuyển, nhưng trường chỉ lấy 100 học sinh.

Chưa kể, mùa tuyển sinh vào lớp 6 của các trường chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân… hay Nguyễn Tất Thành đều tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển đầu vào. Để vào được các trường này, trung bình cứ sáu bạn dự thi, chỉ lấy một bạn.

Như vậy, để con mình không bị loại khỏi cuộc đua vào các trường chuyên, chất lượng cao THCS thì con đường mà rất nhiều phụ huynh và học sinh lựa chọn là... ôn luyện ở các “lò” học thêm ngay từ những năm cấp I.

Xây dựng môi trường học tập lành mạnh ảnh 1

Hướng tới giáo dục toàn diện, giảm bớt áp lực thi cử. Ảnh: KHIẾU MINH

Chị Nguyễn Thu Hòa (quận Ba Đình), có con học Trường tiểu học Kim Đồng năm học 2022-2023 đã đỗ vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và THCS Cầu Giấy. Chị chia sẻ bí quyết: “Từ năm lớp 1 thấy cô chủ nhiệm đánh giá con tiếp thu bài nhanh nên tôi đã chú ý đầu tư để con ôn luyện vào các trường THCS có tiếng. Năm lớp 1 và 2, con được học các trung tâm ngoại ngữ có người nước ngoài giảng dạy. Từ năm lớp 3, con phải theo các “lò” luyện vào lớp 6. Tôi chọn các trung tâm có các thầy, cô giáo trường Ams dạy cả ba môn Toán, Văn, tiếng Anh để con ôn luyện. Hai năm dịch bệnh, các “lò” luyện chỉ học trực tuyến, con tôi cũng không bỏ buổi nào”.

Anh Hoàng Văn Bảo (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ nỗi niềm: “Trên phố cổ ít “lò” dạy thêm, học thêm nên sau giờ học, tôi đón con ở Trường tiểu học Nguyễn Du và chở tới lớp ôn luyện ở quận Cầu Giấy luôn. Mẹ cháu phải chuẩn bị sẵn túi đồ ăn vì lo con đói, không học được. Có hôm tắc đường, gần một giờ đồng hồ hai bố con mới tới nơi. Con ngồi học, tôi cũng phải lang thang, vạ vật các quán nước chè, cà-phê để đợi đón luôn. Tôi luôn mong mỏi làm sao các kỳ thi đừng “đánh đố” để các con học trên lớp thôi cũng làm được. Như vậy, không vất vả chuyện học thêm nữa”.

Chị Lê Thanh Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có con học Trường tiểu học Dịch Vọng A tâm sự: “Lớp con tôi rất đông học sinh, trung bình mỗi lớp đến 60 cháu. Vì vậy, cô giáo không thể bao quát hết học sinh và các cháu khó tập trung để học tốt ngay trên lớp. Điều này khiến tôi phải cho con đi học thêm từ năm lớp 1. Có những cô giáo có tiếng trong trường đã tổ chức những lớp học thêm từ năm lớp 1. Nếu phụ huynh nào “chậm chân”, lớp học kín chỗ thì còn không đăng ký được cho con”.

Học sinh trường tư, trường chuyên cũng học thêm

Thực tế cho thấy, ở mỗi kỳ thi vào THPT, riêng học sinh trên địa bàn nội đô, chỉ khoảng gần 60% các em mới có suất vào các trường công lập. Điều này, khiến các gia đình, các em học sinh lại càng ganh đua học thêm. Không chỉ hệ thống trường công, mà ngay tại các trường tư, nơi học phí cao gấp nhiều lần, phụ huynh vẫn kỳ vọng vào chất lượng đào tạo thì phong trào học thêm cũng “rầm rộ” không kém. Ngay sát Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm và THCS Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm) là các trung tâm học thêm lớn mở ra để “đón” học sinh của trường như Trung tâm Trí Tuệ Việt hay Trung tâm EduLead. Các em học sinh cấp I tan trường, chỉ vài bước chân là đến trung tâm học thêm Trí Tuệ Việt. Ở đây, có các lớp bồi dưỡng kiến thức cho các học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 cho mọi đối tượng: Chưa nắm vững kiến thức cơ bản rồi cả nâng cao, luyện thi vào chuyên cấp II với ba môn: Toán, Văn, Anh. Trung tâm cũng rất “thức thời” đón bắt nhu cầu như mở những lớp luyện nghe - nói với giáo viên nước ngoài, dạy tranh biện và dạy cả viết luận cho học sinh cấp I để thi vào chuyên Anh cấp II….

Điều đặc biệt, không chỉ học sinh lớp thường, trường “làng” phải đi học thêm mà các học sinh trường chuyên, lớp chọn lại “chiến đấu” học thêm nhiều hơn cả. Học thêm vì ganh đua giữa những bạn giỏi với nhau, để vào đội tuyển thi học sinh giỏi, để có bảng thành tích đẹp xin học bổng nước ngoài, để có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như SAT, IELTS… Điều đó lý giải vì sao, càng gần các trường chuyên, lại càng có nhiều các lò luyện học thêm đến thế. Ngay các tuyến phố gần Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam như Nguyễn Thị Thập, Đỗ Quang, Trần Duy Hưng, Trung Yên… có rất nhiều các trung tâm học thêm. Vì ở đó, có nhiều đối tượng khách hàng “tiềm năng”. Chị Hoàng Thùy Linh, có con từng học hệ THCS Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, chia sẻ: “Thi đầu vào khó như vậy nhưng kiến thức học trên lớp của học sinh lại theo đúng chương trình của Sở Giáo dục và Đào tạo. Do vậy, 100% các em trong trường đều phải đi học thêm để tiếp tục thi được vào các trường chuyên hệ THPT của sở, của bộ”. Anh Hoàng Anh Tú, có con học lớp 8 hệ THCS Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nói: “Có gia đình phải cho con học thêm từ cơ bản đến nâng cao vì các thầy, cô giáo trường chuyên dạy theo phong cách cho học sinh giỏi, lướt rất nhanh. Nếu không học thêm lại hổng kiến thức. Sau đó, em nào định hướng thi chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia) thì lại tìm học nâng cao tại các lò học thêm của các thầy trường này. Em nào thi hệ cấp III của trường thì học các thầy cô trong trường. Nói chung là học thêm tối ngày”.

Tệ dạy thêm tiêu cực đã làm tăng gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình, đặc biệt là gia đình sống ở khu vực đô thị và gia đình cán bộ, công chức; làm ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh; làm cho quan hệ đạo đức thầy - trò bị méo mó, và nghiêm trọng hơn làm giảm lòng tin của người dân đối với hệ thống giáo dục. Hậu quả cuối cùng là ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và góp phần tạo ra sự không bình đẳng trong tiếp cận nền giáo dục chất lượng, nếu không được quản lý tốt (TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Tăng cường công tác quản lý

Trong bài viết của mình, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, nhu cầu dạy thêm và học thêm là một thực tế cả với lý do chính đáng và không chính đáng. Dạy thêm chính đáng là dạy thêm giúp những học sinh học yếu, có hoàn cảnh khó khăn hoặc những học sinh khá, giỏi có nguyện vọng muốn được phát triển hơn nữa bằng chính lao động chuyên môn của nhà giáo. Dạy thêm không chính đáng phải lên án là hình thức dạy mang tính cưỡng ép, bắt buộc học sinh của một bộ phận giáo viên.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, có thể chia ra ba nhóm nguyên nhân từ vấn đề nêu trên có nguồn cơn từ các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội và quản lý giáo dục đã tác động vào người học, giáo viên, phụ huynh học sinh.

Xây dựng môi trường học tập lành mạnh ảnh 2

Áp lực thi cử khiến nhiều học sinh phải tìm đến các trung tâm bồi dưỡng văn hóa. Ảnh: SONG ANH

Dạy thêm do nhu cầu của người học: Kể cả những học sinh kém và học sinh khá đều có nhu cầu học thêm. Theo nhiều nghiên cứu ở các nước đang phát triển, phần nhiều do việc làm trong xã hội thiếu đòi hỏi mọi người phải cạnh tranh nhau để được học ở trình độ cao hơn với hy vọng có nhiều cơ hội việc làm, đời sống tốt hơn; ngoài ra do các yếu tố văn hóa trọng bằng cấp (địa vị xã hội, tuyển dụng việc làm, ganh đua...) và do nhận thức cũng như thiếu thông tin tư vấn hướng nghiệp và thông tin thị trường việc làm…

Dạy thêm do người dạy: Cụ thể, do đồng lương giáo viên không đủ sống trong các khu vực kinh tế phát triển do nhu cầu tiêu dùng tăng là một yếu tố khách quan buộc các nhà giáo phải dạy thêm bằng lao động của mình. Nguyên nhân nữa do trình độ giáo viên bất cập, người giỏi, người yếu dẫn đến xu hướng tự nhiên là học sinh sẽ tìm thầy giỏi để học thêm. Bên cạnh đó, nhân cách giáo viên, yếu tố văn hóa (đặc biệt văn hóa ganh đua ngay giữa các giáo viên với nhau...) cũng dẫn đến dạy thêm…

Trả lời các đại biểu Quốc hội xoay quanh vấn đề dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, nếu dạy thêm ngoài giờ, ngoài nhà trường xuất phát và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của phụ huynh, học sinh thì không thể cấm. Còn dạy thêm, học thêm mà giáo viên trực tiếp dạy cho học sinh, nhưng lại bớt nội dung chính thức mới là điều lưu ý, cần nghiêm khắc loại bỏ.

Ngày 26/8/2019, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 2499 về việc cả nước sẽ ngừng cấp phép dạy thêm. Không có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Tuy nhiên, đến nay, chưa có quy định khác thay thế nên thực tế, mỗi địa phương quản lý dạy thêm, học thêm theo quy định riêng từng nơi. Nhưng thực tế, việc học thêm không những không giảm, mà ngày càng gia tăng.

Dù hoạt động dạy thêm, học thêm hiện nay không cấp phép nữa, nhưng theo quy định vẫn phải có đăng ký với Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hai lần gửi văn bản kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội thông qua. Mục đích là để tăng cường công tác quản lý hoạt động này.

Đề nghị nêu trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo không được chấp nhận. Đến nay, trong văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi trả lời cử tri về vấn đề này cũng thừa nhận: “Công tác quản lý dạy thêm, học thêm còn gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân do trong luật sửa đổi, bổ sung điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2014, không có nội dung về dạy thêm, học thêm. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thông tư quy định về dạy thêm, học thêm không được quy định các điều kiện về hoạt động, nên không có căn cứ để cấp phép mới cho hoạt động dạy thêm, học thêm cũng như xử lý khi có sai phạm trong thời gian qua”.

Xây dựng môi trường học tập lành mạnh ảnh 3

Các thông tin mời chào học sinh học thêm và tìm lớp học thêm cho con xuất hiện dày đặc trên mạng.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội đóng góp: “Quan điểm của tôi, giải pháp tốt nhất chính là Nhà nước hãy tổ chức, quản lý việc dạy thêm, học thêm sao cho thật phù hợp, giúp nền giáo dục phát triển trong sáng, lành mạnh, hướng theo quan điểm “Học thật” theo chỉ đạo mà Thủ tướng Chính phủ đề ra”.

Ở một góc nhìn khác, GS, TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: Học tập ngày nay không chỉ gói gọn trong nhà trường hay ở các bậc học phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học… mà là quá trình học tập suốt đời. Khi nhà trường rèn cho người học được kỹ năng tự học thì khi đó, sẽ không còn tồn tại hình thức dạy thêm như ngày nay. Bởi với công nghệ số phát triển, việc học tập có thể diễn ra ở bất cứ nơi đâu không phụ thuộc vào thời gian, khoảng cách địa lý… Về phía giáo viên cũng phải “cạnh tranh” với những “ông thầy” khác như Google… nên nếu giữ cách giảng dạy truyền thống sẽ khó lòng theo kịp thời đại.

TS Hoàng Ngọc Vinh đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có những nghiên cứu một cách hệ thống về vấn đề này. Cần tìm hiểu nguyên nhân dạy thêm và học thêm ở mỗi địa phương khác nhau để có chính sách chỉ đạo địa phương. Ban hành kèm theo chính sách đãi ngộ giáo viên do làm thêm giờ theo quy định. Bên cạnh việc cải thiện đời sống giáo viên, cần bồi dưỡng kỹ năng dạy học, sa thải những giáo viên quá yếu kém về chuyên môn và đạo đức để họ thực hiện tốt hơn sứ mệnh của người thầy. Đặc biệt, vẫn phải xem xét đánh giá tải trọng chương trình giáo dục phổ thông chính khóa và yêu cầu thi kiểm tra đánh giá. Quản lý nhà nước hướng đến lợi ích người dân một khi có nhu cầu chính đáng nên cần đáp ứng và coi đó là một loại hình cung cấp dịch vụ đặc biệt (có điều kiện) để quản lý. Tất cả việc dạy thêm, học thêm đều phải hướng đến sự phát triển hài hòa của trẻ về trí tuệ, tình cảm và các phẩm chất tâm sinh lý khác. Nghiêm cấm hành vi vì bệnh thành tích để ép học sinh học thêm, cũng như cấm giáo viên trục lợi bằng cách ép buộc cha mẹ học sinh và học sinh phải học thêm mới cho điểm cao.

Cuối cùng, cũng cần thay đổi cái gốc tâm lý ganh đua thành tích học tập của con cái ở một bộ phận phụ huynh và ngay cả trong đội ngũ giáo viên và nhìn thấy lợi ích chính đáng của con mình là những phẩm chất trí tuệ, tình thương yêu, đạo đức và các giá trị lành mạnh mà trẻ nhận được từ giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thanh tra hoạt động dạy thêm, học thêm đầu năm học

Trong Công văn số 4255 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo đó, hướng dẫn tập trung vào những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2022- 2023 như sau:

Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; việc biên soạn, phát hành, mua sắm và sử dụng sách giáo khoa theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 85 của Chính phủ; việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông theo Thông tư số 25 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; việc chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu cấp tiểu học theo Thông tư số 37, 38, 39 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định pháp luật có liên quan.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra theo chỉ đạo tại Nghị quyết 41 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhất là đối với hoạt động dạy thêm, học thêm; hoạt động thu chi đầu năm học, việc thực hiện tiếp nhận tài trợ, xã hội hóa giáo dục; việc thực hiện các khoản kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh…

Thực hiện thanh tra, kiểm tra trách nhiệm quản lý của người đứng đầu; thực hiện chỉ tiêu biên chế, số lượng và việc quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên trong các cơ sở giáo dục theo quy định; quy hoạch, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn…