Cách đây hơn 2.000 năm, người Đông Sơn đã có những hội lễ mừng vụ mùa bội thu, mừng năm mới có thể mang ý nghĩa Tết là như vậy. Những hình ảnh này được khắc họa trên trống đồng và thạp đồng Đông Sơn như các mảnh “hóa thạch” về mặt văn hóa đang được các nhà khoa học từng bước giải mã và cũng từng bước ngạc nhiên trước nền văn hiến độc đáo của cha ông ta từ thuở mới dựng nước.
1/Tết là phải vui và phải uống rượu. Cái hình duy nhất cho đến nay được biết, tả cảnh một người đàn ông đầu đội mũ cắm lông chim, đang say rượu được khắc họa trên một chiếc trống Đông Sơn mới được phát hiện năm 2024 đã cho thấy nghệ sĩ tạo hình đã sáng tác một hình ảnh hết sức sống động: người nghiêng như sắp ngã, chân phải duỗi thẳng, chân trái co lên. Đây không giống hình tượng người đang múa cũng được khắc nhiều trên trống mà là dáng người say… nghiêng ngả, phải có người ngồi co chân bên cạnh, đỡ lấy tay. Đặc biệt bên trái khuôn hình là hình một bao gạo tròn được buộc túm, bên phải là một vò rượu. Ngôn ngữ tạo hình đã cho thấy thông điệp: một chu trình từ gạo nấu rồi đựng trong vò giống kiểu vò rượu cần ngày nay, rồi cái cuối cùng là… say sưa. Phía trên khung hình là cảnh 2 con chim nữa, tạo nên một bố cục hình ảnh thoáng đãng, đơn giản mà sinh động, đậm phong cách tạo hình kiểu “phù điêu” mỹ thuật Đông Sơn.
Người thời Đông Sơn đã biết “lấy bã cơm làm rượu, lấy cầm thú, cá, tôm làm mắm, lấy rễ gừng làm muối. Đất trồng được nhiều gạo nếp, dùng ống tre để thổi cơm ăn” (Trần Thế Pháp, “Lĩnh Nam Chích quái”, truyện Họ Hồng Bàng (bản dịch của Lê Hữu Mục), Nhà sách Khai Trí xuất bản, tr. 2).
Các nhà khoa học đã tìm được chứng tích việc trồng lúa, hạt gạo và cả chiếc chõ đồ xôi trong các di tích thời Đông Sơn để bổ sung các công đoạn nấu rượu từ xưa đến nay vẫn thế, trải qua hơn 2.000 năm.
2/Tết là phải mổ lợn. Trên chiếc trống đồng Đông Sơn có cảnh lễ hội. Đặc biệt lần đầu thấy cảnh người xưa đang mổ lợn được miêu tả hiện thực. Người trong tư thế đứng cong lưng, hai tay giữ chặt con lợn đang nằm ngửa, một chân choãi, một chân đạp vào thân lợn. Đây là con lợn khá lớn, phải dùng cả tay và chân mới giữ được lợn để mổ. Con lợn được miêu tả hoa văn chấm trên thân, có cả chân và đuôi. Đây là hình ảnh mới phát hiện trên trống Đông Sơn. Trong câu tục ngữ về nét đặc trưng của người Mường (một dân tộc có gốc gác từ thời Đông Sơn) “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui” thì con lợn là một yếu tố văn hóa ẩm thực không thể thiếu được. Người Việt hiện nay cũng có những lễ hội rước “Ông lợn” ra đình để dâng thánh như lễ hội làng La Phù, Hoài Đức, Hà Nội. Tài liệu khai quật khảo cổ cũng tìm thấy xương lợn trong tầng văn hóa của người Đông Sơn. Con lợn đúng là con vật gần gũi với nhà nông và là món ăn không thể thiếu được của người Việt. Con lợn có mặt trong tranh dân gian Đông Hồ, trong ca dao nói về tục thách cưới “Mẹ em tham thúng xôi rền, tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng”…
Nếu nhìn toàn bộ các hình trang trí trên trống có thể thấy người Đông Sơn có tư duy về thế giới khá gần với quan niệm của người Mường: tầng trên (mặt trống) là thế giới trên trời và đất, tầng giữa (tang trống) là thế giới nước có thuyền, tầng dưới (lưng trống) là thế giới âm phủ với cảnh đâm bò, hiến tế…
3/Trung tâm của lễ hội Đông Sơn là ngôi nhà dài, kiểu như nhà rông ở Tây Nguyên, cầu thang lên sàn cũng là cầu thang dùng rìu đẽo thành khấc giống nhà của một số dân tộc Tây Nguyên hiện nay. Tính chất “Tây Nguyên” trong văn hóa Đông Sơn cho thấy tham gia vào cư dân Đông Sơn bấy giờ cũng có những cộng đồng có yếu tố văn hóa cổ đại mà còn thấy ở các nhóm dân tộc ít người ở Tây Nguyên bây giờ. Đặc biệt, lần đầu tiên thấy hình khắc đôi nam nữ đang giao duyên ở một góc nhà. Đó là tín ngưỡng phồn thực trong ngày hội. Điều này giúp chúng ta liên tưởng đến tín ngưỡng “linh tinh tình phộc” (Trò Trám) hằng năm ở vùng đất Tổ, huyện Lâm Thao, Phú Thọ, đêm hội người ta lấy nõ và nường (tượng trưng cho vật giới tính nam và nữ) giao nhau, mong cho thần thánh chứng giám để mùa màng tươi tốt. Cũng lại hình ảnh đôi nam nữ giao duyên trong tư thế đứng được khắc trên trống này.
4/Ở ngoài sân rộng, trong lễ hội mừng năm mới, người Đông Sơn dựng một cây nêu rất cao, cắm nhiều lông chim, hoa lá trang trí, dưới đó buộc con bò để chuẩn bị hiến tế. Tư liệu khảo cổ học đã tìm được toàn bộ quy trình lễ hiến tế bò được khắc họa trên trống đồng: từ hình khắc chở bò trên thuyền hay dắt bò đi đến buộc vào cột cây nêu, người đứng cầm rìu hay giáo bên cạnh để đâm bò. Người Đông Sơn muốn dâng bò lên đấng Thần linh để mong cho mưa thuận gió hòa. Hiện nay, tục này còn thấy nhiều dân tộc ít người ở Tây Nguyên thực hiện, tuy trong lễ hội, con bò được thay bằng con trâu và lễ hội “đâm trâu” có khi được gọi là lễ “ăn trâu”.
Trên mặt chiếc trống Đông Sơn mới phát hiện, có cảnh ngôi sao 12 cánh biểu tượng của Mặt trời, chung quanh là vành hoa văn thể hiện lễ hội với 2 dạng nhà sàn mái cong là nhà của cộng đồng như dạng nhà dài Tây Nguyên và nhà kho chứa lương thực mái tròn. Chung quanh là những người đội mũ lông chim đang diễu hành, lại có vành hoa văn chim dang cánh bay…
Thế giới nước thể hiện ở phần tang trống với những chiếc thuyền đua trong ngày hội mùa, chiếc nọ nối đuôi chiếc kia, có người đứng cầm lái, người ngồi chèo, trên lầu thuyền có người cầm cung tên. Phát hiện mới nhất là thuyền được treo cánh buồm no gió vào cây cột cao ở cạnh lầu. Thế giới âm là lưng trống có cảnh hiến tế bò.
Những giải mã chuyện người Đông Sơn thực hành lễ hội Tết đầu năm, hội mùa và những hình khắc họa vừa công bố là những phát hiện mới về trống đồng và thạp đồng trong năm 2024 của một vài sưu tập tư nhân. Chắc còn phải giải mã nhiều hoa văn nữa, để hiểu tâm lý, tâm linh người Đông Sơn. Đây sẽ là một kho di sản thật sự quý giá phục vụ giáo dục truyền thống và ngành công nghiệp văn hóa.