Vẫn vẹn nguyên trong tim và nỗi nhớ người yêu nhạc

Nhạc sĩ Phó Đức Phương (1944 - 2020) nguyên quán ở Văn Giang, Hưng Yên. Ngay từ ca khúc “Những cô gái quan họ”, được sáng tác năm 1966 khi Trường Âm nhạc Việt Nam sơ tán về Hà Bắc, tác phẩm của Phó Đức Phương đã được đón nhận nồng nhiệt. 

Nhạc sĩ Phó Đức Phương. Ảnh: TL
Nhạc sĩ Phó Đức Phương. Ảnh: TL

1. Chất liệu dân ca Bắc Bộ hòa quyện cùng giai điệu ngọt ngào đã vang lên trong suốt những năm tháng chống Mỹ, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho cả tiền tuyến lẫn hậu phương. Làm sao có thể không xúc động đến nao lòng khi nghe những câu ca: “Trên quê hương quan họ (i), một làn nắng (i) cũng mang điệu dân ca. Giữa mùa lúa thơm, cánh cò bay đẹp như trong mộng (i). Những cô Tấm ngày xưa như vẫn còn đây trong mùa trảy hội”. “Những cô gái quan họ” đã được xem là một trong hai ca khúc hay nhất về quê hương Bắc Ninh (cùng với “Làng quan họ quê tôi” của Nguyễn Trọng Tạo phổ thơ Nguyễn Phan Hách). 

Chất liệu dân ca Bắc Bộ tiếp tục thấm thía để làm nên nét đặc sắc và phong cách riêng trong hầu hết các ca khúc nổi tiếng của Phó Đức Phương trong những giai đoạn sau. Từ “Hồ trên núi”, “Huyền thoại hồ núi Cốc” cho đến “Một thoáng Tây Hồ”, “Trên đỉnh Phù Vân”, “Chảy đi sông ơi”. Nhiều ca khúc của ông có sức lan tỏa mạnh mẽ, gây xúc động đặc biệt cho nhiều thế hệ thính giả. Chẳng hạn “Về quê” có thể xem là ca khúc đạt đến độ kỷ lục về số lượng ca sĩ đã trình diễn hoặc thu âm (hiện nay có thể tìm thấy trên mạng hơn 30 phiên bản thu âm/trình diễn ca khúc này của nhiều ca sĩ nổi tiếng như Quang Lý, Quang Linh, Trọng Tấn, Thu Hiền, Anh Thơ…). Giai điệu và lời ca da diết, rưng rưng, nghẹn ngào như xoáy mãi vào lòng người: “Bao nhiêu năm theo dòng đời đua chen/Phiêu bạt nơi phồn hoa cát bụi/Đôi khi cánh cò xưa, lạc vào giấc mơ/Nước qua cầu thời gian trôi mau/Nơi bền lâu là nơi lắng sâu/Thiếu quê hương ta về, ta về đâu”.

2. Phó Đức Phương có duyên với các vùng miền trên khắp Tổ quốc. Ông có nhiều bài hát gắn với các địa danh và không ít tác phẩm trong số đó đã trở thành bài hát điển hình của vùng miền. Đến Thái Nguyên, ông có “Huyền thoại hồ núi Cốc”. Đến Yên Tử (Quảng Ninh), ông có ca khúc nổi tiếng “Trên đỉnh Phù Vân”. Đến Yên Bái, ông có ca khúc “Nao nao thác Bà”. Đến Vĩnh Phúc, ông có bài “Người đi Tam Đảo”. Về Ninh Bình, ông có “Hoa Lư đại trận tập”. Lên Bắc Kạn, ông viết “Nơi áo chàm hồ xanh Ba Bể”. Vào Khánh Hòa, ông có “Nha Trang thu”. Và không thể không nhắc tới Hà Nội, thành phố mà ông sinh sống và gắn bó nhiều năm tháng nhất, ca khúc “Một thoáng Tây Hồ” với chất ca trù hòa quyện nhuần nhuyễn cùng giai điệu đã tạc lên một không khí vừa cổ kính vừa trầm hùng linh thiêng: “Nhớ giọng thơ thuở nào, vẫn đây bóng dương hồn thu thảo/Đây Nghi Tàm, kia Trúc Bạch kìa hồn xe trong vuông lụa xưa đó/Tây Hồ Tây Hồ… Tình này xin đem bóng mặt gương trong xanh/Theo gió bay về xa xưa…”.

Những ca khúc của ông thật sự đã mang đến cho mỗi chúng ta tình yêu quê hương xứ sở, yêu mỗi mảnh đất ta đã từng đi qua, yêu cả những nơi mà ta chưa hề đến, nhưng đã được thưởng thức qua các tác phẩm âm nhạc của ông. Âm nhạc của Phó Đức Phương không chỉ có tình quê hương sâu nặng mà còn đọng đầy những trầm tích văn hóa. Một chuyện tình bất diệt bên hồ núi Cốc đã nói với chúng ta biết bao điều về vẻ đẹp tâm hồn của con người, về sức mạnh của tình yêu: “Ơi chàng trai ơi ngọn núi biếc, ơi cô gái ơi dòng sông sâu/Mối tình thương đau hóa sông hóa núi, dằng dặc một khúc ca giữa bao la mây trời… Một hồ nước đắm say miệt mài/Để ngừng trôi, nước mắt thành sông và ngày ngày hồ lồng bóng núi…”.

3. Trong những ngày mang trọng bệnh, nhạc sĩ Phó Đức Phương vẫn gắng sức hoàn thành những ca khúc cuối cùng, mang đậm âm hưởng sử thi hào hùng, lấy cảm hứng từ lịch sử dân tộc. Hai trong số sáu ca khúc này, “Bài ca thần chim Lạc” và “Hội thề Mê Linh” đã được các ca sĩ thể hiện rất thành công trong Đêm nhạc “Khúc hát phiêu ly” được tổ chức vào hồi đầu tháng 7 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương giờ đã rong chơi cõi khác. Chợt nhớ tới những câu hát đầy khắc khoải về thời gian và kiếp người trong ca khúc “Không thể và có thể” của ông: “Thời gian đã qua đi không thể trở lại/Dòng sông đã ra đi làm sao về chốn cũ/Náo nức khơi xa không thể thiếu những suối nguồn/Áng mây trên đầu không thể ngừng trôi…”. Cũng trong bài hát ấy, ông còn viết: “Vắng anh trên đời đâu còn tình yêu…”. Trần gian đã vắng ông nhưng tình yêu và âm nhạc của ông vẫn còn vẹn nguyên  trong trái tim và nỗi nhớ của người nghe nhạc Việt nhiều thế hệ.