Văn hóa - Một yêu cầu khách quan của báo chí

Phong trào thi đua với chủ đề "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí" đã diễn ra được một năm. Vậy sau một năm vận hành ấy, có thể nói gì về phong trào thi đua đó?
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện các cơ quan thông tấn báo chí ký cam kết thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí".
Đại diện các cơ quan thông tấn báo chí ký cam kết thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí".

Những ý kiến sau đây mới chỉ xuất phát từ cái nhìn chủ quan với mong muốn góp thêm một tiếng nói cùng nỗ lực chung nhằm xây dựng, phát triển văn hóa báo chí nước nhà lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và sứ mệnh của báo chí, truyền thông trong điều kiện mới.

Trước hết, cần phải khẳng định rằng, việc các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí, truyền thông và các cơ quan báo chí hàng đầu cả nước phát động phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí" là rất cần thiết và đáp ứng yêu cầu khách quan cấp bách đang đặt ra trong báo chí, truyền thông nước ta hiện nay.

Do vai trò, tầm quan trọng ấy của báo chí, truyền thông, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn coi trọng, dành cho lĩnh vực này sự quan tâm to lớn trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người nhiều lần nhắc đến luận điểm của Lê-nin về chức năng, trách nhiệm của báo chí để nói về trách nhiệm của báo chí nước ta.

Ngoài ba chức năng của báo chí mà Lê-nin đã chỉ ra là "tuyên truyền tập thể", "cổ động tập thể", "tổ chức tập thể", Người nhấn mạnh thêm chức năng "người lãnh đạo chung". Từ đó, Người cho rằng: "nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang".

Trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh và nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của báo chí, truyền thông, Đảng ta coi lĩnh vực hoạt động này là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là diễn đàn thể hiện tâm tư, nguyện vọng và ý chí của nhân dân, là một công cụ để lãnh đạo xã hội, quản lý đất nước, là trường học để truyền bá các giá trị văn hóa, không ngừng nâng cao dân trí, là vũ khí đấu tranh chống kẻ thù, bảo vệ những thành tựu của cách mạng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân và bảo vệ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Với trách nhiệm nặng nề và vẻ vang đó, văn hóa đương nhiên là một yêu cầu, đòi hỏi khách quan thiết yếu, một tính chất, điều kiện căn bản của báo chí, truyền thông. Bởi một lẽ rất rõ ràng, chỉ có trang bị cho mình một nền tảng văn hóa toàn diện, đủ tầm, cả về đạo đức, lối sống, tri thức, nhận thức chính trị-xã hội và năng lực chuyên môn nghiệp vụ, cơ quan báo chí và người làm báo mới có thể truyền bá, lan tỏa các giá trị văn hóa; hơn thế nữa, mới có thể trở thành "người lãnh đạo chung", trực tiếp tham gia quá trình dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Vậy báo chí, truyền thông của ta thực hiện yêu cầu văn hóa như thế nào? Cùng với sự phát triển của đất nước, báo chí, truyền thông nước ta đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành mọi mặt, cả về đội ngũ người làm báo, hệ thống tổ chức, trình độ kỹ thuật-công nghệ cũng như phạm vi ảnh hưởng.

Hệ thống các cơ quan báo chí với các loại hình báo in, tạp chí, phát thanh, truyền hình, báo điện tử ngày càng được củng cố, hoàn thiện về tổ chức và cơ chế vận hành. Đội ngũ nhà báo không chỉ tăng thêm về số lượng, mà còn được bồi dưỡng thường xuyên về chính trị, rèn luyện về đạo đức lối sống, đạo đức nghề nghiệp, đào tạo cơ bản về nghiệp vụ, cập nhật những tiến bộ chung của thế giới, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Hệ thống trang bị, thiết bị kỹ thuật công nghệ được đầu tư, trong đó có những đơn vị, những khâu công việc đã theo kịp trình độ tiên tiến của thế giới. Phạm vi ảnh hưởng của hệ thống báo chí, truyền thông nước ta không chỉ trong không gian địa lý của đất nước, mà còn từng bước lan tỏa ra thế giới. Sự phát triển lớn mạnh của hệ thống báo chí, truyền thông đất nước nhìn từ yêu cầu văn hóa được khẳng định bởi những đóng góp to lớn, toàn diện, không thể phủ nhận đối với công cuộc đổi mới.

Cùng với những thành tựu phát triển và đóng góp to lớn của báo chí, truyền thông, cũng không thể không nhắc đến một số vấn đề đang đặt ra, hay những biểu hiện chưa phù hợp với yêu cầu văn hóa của báo chí, truyền thông hiện nay. Đó là, hiệu quả tác động xã hội của một số cơ quan báo chí, truyền thông chưa cao, chưa đáp ứng tốt yêu cầu, trách nhiệm đặt ra, chưa có sự quan tâm thích đáng đến nhu cầu, cách tiếp nhận thông tin của công chúng. Một bộ phận nhà báo chưa được rèn luyện, quản lý chặt chẽ, còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo, thậm chí vi phạm cả những điều không được làm đã quy định trong Luật Báo chí.

Một số không nhỏ cơ quan báo chí, truyền thông còn nặng thông tin một chiều, chủ yếu theo hướng ngợi ca, thành tích, chưa thể hiện rõ vai trò trong phát hiện, đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực. Trong khi đó, vẫn còn có những cơ quan báo chí, nhà báo, chạy theo thị hiếu xã hội, chỉ quan tâm khai thác, khoét sâu vào những hạn chế, yếu kém, tiêu cực để thu hút sự quan tâm của công chúng, chưa quan tâm phát hiện, phản ánh, lan tỏa, động viên những điển hình tiên tiến, những tấm gương người tốt, những giá trị tích cực trong xã hội.

Thậm chí, có nơi, có chỗ, có người làm báo còn sử dụng báo chí, nhân danh báo chí để làm những việc cá nhân, vụ lợi, làm ảnh hưởng đến uy tín của đội ngũ nhà báo và hệ thống báo chí, truyền thông.

Đặc biệt, vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt hiện nay đáng để báo động. Những hiện tượng diễn đạt theo "kiểu Tây", dùng từ ngữ tiếng nước ngoài tràn lan trong các chương trình phát thanh, truyền hình, các trang báo in, báo mạng.

Cách viết, cách nói, cách biểu đạt đang có những biểu hiện lệch chuẩn nghiêm trọng. Thiếu những nghiên cứu, những quy định chuẩn mực trước sự vận động nhanh chóng của tiếng Việt trong bối cảnh xã hội trong nước và trên thế giới. Những vấn đề đó không chỉ dẫn đến nguy cơ làm rối loạn quá trình trao đổi, tiếp nhận thông điệp ngôn ngữ, mà còn làm cho tiếng Việt vận động theo hướng bất lợi.

Ngày nay, trong điều kiện nước ta đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc bảo vệ được sự trong sáng và phát huy được sức mạnh của tiếng nói dân tộc càng có ý nghĩa quan trọng và cấp bách. Bởi giữ gìn, bảo vệ tiếng Việt là giữ gìn, bảo vệ hồn cốt của nền văn hóa, hồn cốt của dân tộc.

Làm gì để báo chí, truyền thông khắc phục được những vấn đề, biểu hiện chưa phù hợp nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu văn hóa, tạo dựng cơ sở, điều kiện hoàn thành trách nhiệm chính trị-xã hội được giao phó? Câu hỏi này trước hết là đặt ra với các nhà báo và các cơ quan báo chí.

Trong trường hợp này, câu trả lời đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong bài nói tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16/4/1959: "nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình". Các nội dung theo lời dạy trên đây của Người đã được cụ thể hóa trong nội dung của phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí".

Tuy nhiên, việc xây dựng và hoàn thiện môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí nước ta không thể xong trong ngày một, ngày hai. Mặt khác, việc thực hiện những yêu cầu đó cũng phụ thuộc vào những điều kiện khách quan, những yếu tố bên ngoài rất quan trọng như: Sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống quy định, chuẩn mực pháp lý, cơ chế quản lý hợp lý từ phía Nhà nước và sự giám sát, ủng hộ từ nhân dân. Nói cách khác, môi trường văn hóa trong nội bộ hệ thống báo chí chỉ được xây dựng hoàn thiện và vận hành tích cực trong một môi trường văn hóa rộng lớn hơn-môi trường văn hóa chính trị, môi trường văn hóa kinh tế.

Và với sự hoàn thiện không ngừng môi trường văn hóa báo chí chính là điều kiện để báo chí, truyền thông đóng góp tích cực hơn, nhiều hơn vào sự phát triển chung của con người và nền văn hóa, vào công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.