Trách nhiệm niềm tin trước độc giả

Thực tế thời gian qua cho thấy, vì chạy theo số lượng lượt "view", lượt "like" mà không ít tờ báo đã đánh mất dần niềm tin nơi độc giả. Câu hỏi đặt ra là, báo chí online nên lựa chọn gì: hoặc chạy theo thuật toán để có lượng truy cập cao nhưng giảm uy tín hoặc chọn lọc thông tin hữu ích, đúng với tôn chỉ mục đích để nâng cao trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Phóng viên tác nghiệp tại các sự kiện thời sự. Ảnh: Viết Chung
Phóng viên tác nghiệp tại các sự kiện thời sự. Ảnh: Viết Chung

Đi tìm độc giả thật sự

Công cuộc chinh phục, giữ chân người đọc trên không gian mạng của mỗi ấn phẩm báo chí ngày càng khó khăn và nhiều áp lực. Lượt view, lượt like là thước đo thể hiện mức độ hấp dẫn của các thông tin đến bạn đọc. Hình ảnh người dân ngồi vỉa hè đọc báo giấy thơm mùi mực in mỗi sáng tại các đô thị lớn dần thay thế bằng hình ảnh họ cầm điện thoại thông minh hay các thiết bị có kết nối internet. Do đó, người làm báo phải thay đổi thói quen sản xuất nội dung thông tin và tư duy làm báo cho phù hợp xu hướng chung.

Cuộc đua thông tin để "hút" người lướt mạng của báo chí online kéo theo nhiều hệ lụy. Chẳng hạn như, vì mong muốn tốc độ thông tin tối đa để tăng tính cạnh tranh, một số tờ báo chấp nhận đưa thông tin sơ sài, thiếu kiểm chứng, hoặc copy-paste lẫn nhau, khiến người đọc lướt vào trang báo nào cũng thấy độ dài ngắn, các tình tiết của thông tin tương tự.

Với một thông tin có sự quan tâm lớn của xã hội nhưng mất ưu thế về thời gian cập nhật thì "mánh khóe" của một số tờ báo online là cách giật tít lá cải, kiểu "sốc-sex-sến", thậm chí tít bài và nội dung không mấy liên quan, hay phần tít lập lờ gây cho người đọc hiểu nhầm nội dung thông tin cập nhật diễn biến mới của sự kiện nhưng khi họ lướt vào thì vẫn là thông tin cũ.

Nhiều cơ quan báo chí đánh giá chất lượng thông tin, trả tiền nhuận bút cho người viết theo số lượt like, lượt view càng khiến cho áp lực đè nặng lên người làm nội dung. Không ít phóng viên, nhất là phóng viên trẻ tại các cơ quan báo chí online đang sẵn sàng "làm tất cả" miễn sao nội dung mình sản xuất ra thu hút được nhiều lượt người xem.

Các tin bài họ sản xuất thường "đu bám" chung quanh "hệ sinh thái thông tin" được tìm kiếm nhiều thông qua các từ khóa "hot" tại mỗi thời điểm, ngoài mục đích kiếm like, đôi khi nó chẳng mang lại mấy tác động xã hội đúng với vai trò của báo chí.

Vậy độc giả thật sự của báo chí online là ai? Và số view, lượt like được đếm thông qua các thuật toán nhờ các nền tảng công nghệ có "đại diện" hoàn toàn cho mức độ quan tâm của người sử dụng thiết bị công nghệ đến một nội dung thông tin nào đó?

Nếu đúng thì thật đáng buồn, bởi thống kê cho rằng các thông tin giật gân "mì ăn liền" liên quan đời tư các ngôi sao, các vụ án thường nằm trong top các thông tin nhiều lượt xem hơn là các thông tin liên quan chính trị, kinh tế, môi trường và nhiều lĩnh vực khác?

Và sẽ còn buồn hơn nếu đánh giá của xã hội, hay của chính các cơ quan báo chí cho rằng các thông tin nhắm vào thị hiếu tức thời của độc giả thì có giá trị hơn những bài viết chuyên sâu mà người viết dành nhiều công sức để thực hiện.

Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra, báo chí online hiện đối mặt vấn đề chỉ có lượt truy cập chứ không có độc giả. Nghĩa là những người "lướt qua" thông tin thì rất nhiều, nhưng người đọc, quan tâm, thích thú, tìm kiếm thật sự thì rất ít. Nhiều tờ báo online có tỷ lệ người vào xem rồi ra luôn lên đến 80%, còn số người nán lại đọc thông tin trong một khoảng thời gian và truy cập vào một vài trang của tờ báo không nhiều.

Nghịch lý là báo chí online đang cố đi tìm 80% số người đọc lướt, trong khi lẽ ra phải "chăm sóc" số lượng ít ỏi người đọc còn lại (khoảng 20%), là những người có khoảng thời gian "nán lại" đọc các bài báo dài hơn. Họ chính là những độc giả thật sự quan tâm đến thông tin của tờ báo.

Định nghĩa lại và công phu tìm kiếm độc giả

Muốn giữ được chân độc giả thì mỗi tờ báo online phải nhận diện chính xác độc giả thật sự của mình. Nghĩa là phải có dữ liệu về người đọc, biết rằng những ai thường xuyên truy cập vào trang báo điện tử của mình và ở lại trong một khoảng thời gian bao lâu. Việc phân tích để nhận diện họ đọc những loại thông tin nào sẽ giúp ích cho người làm báo trong việc sản xuất các dạng bài phù hợp nhu cầu tiêu thụ thông tin của từng đối tượng người đọc.

Chúng ta biết rằng, báo chí tồn tại được và trở nên có uy tín xã hội nhờ vào lượng độc giả trung thành của mình. Theo nghĩa đó thì ngay cả một tờ báo có số lượng người lướt qua rất lớn cũng chưa chắc đã là tờ báo có nhiều độc giả trung thành. Việc sản xuất tin bài chạy theo nhu cầu, thị hiếu số đông, chạy theo thuật toán với những từ khóa "bắt trend" nhằm tăng khả năng tiếp cận người sử dụng công nghệ thực chất chỉ là "chiêu thức" để có một con số cơ học về lượt người xem.

Đã đến lúc báo chí online phải định nghĩa lại độc giả và công phu tìm kiếm độc giả trung thành, những người quan tâm thật sự đến thông tin mình sản xuất ra chứ không phải "vô tình" có họ nhờ các thuật toán.

Điều này là cần thiết bởi nếu nhìn vào thực tế phát triển của báo chí online thời gian qua chúng ta không khó nhận thấy một nghịch lý, uy tín của nhiều tờ báo giảm sút nghiêm trọng vì mải mốt chạy theo lượt người xem. Thông tin giải trí vô bổ, lá cải câu khách tràn lan trên báo chí online, trong khi rất ít người lăn lộn với những đề tài mang tính chuyên sâu, về nhiều lĩnh vực quan trọng, cần thiết của đời sống.

Xét theo tiêu chí nghề nghiệp, mất uy tín về mặt thông tin chính là một sự thụt lùi của báo chí. Tại chương trình đào tạo "Chuyển đổi số báo chí" gần đây, các chuyên gia hàng đầu về báo chí đã nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh mạng xã hội, truyền thông số phát triển như hiện nay, không thể chỉ căn cứ vào lượt truy cập để đánh giá sự tăng trưởng của một tờ báo, cũng như không thể đánh giá năng lực, trả nhuận bút cho phóng viên dựa trên các tin bài có lượt truy cập cao, rằng coi trọng lượt truy cập là một sai lầm của báo chí online.

Để có bạn đọc trung thành mà không chỉ là "lướt qua", báo chí online cần phải quay về với đúng tôn chỉ mục đích, vai trò của mình, không ngừng nỗ lực cung cấp đến độc giả những thông tin hữu ích, những sản phẩm mang tính sáng tạo, chuyên sâu gây xúc động người đọc. Chất lượng, tính hữu dụng và khả năng thay đổi nhận thức của người đọc theo chiều hướng tích cực của các thông tin báo chí là con đường đi đến cảm tình của độc giả, giữ chân họ ở lại lâu hơn khi tiếp cận với bài báo, trang báo, tờ báo. Sự tin yêu của độc giả thì không một thuật toán nào có thể tạo ra, mà hoàn toàn nhờ vào nội lực của mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí.