Bản quyền báo chí thời Chuyển đổi số

Điều cốt lõi vẫn là con người

Thuốc có thể cứu người, cũng có thể giết người. Trí tuệ nhân tạo (AI) nói riêng và các thành tựu công nghệ nói chung, trong vấn đề bản quyền báo chí hiện đại, không hề có lỗi, mà những hệ lụy tiêu cực lại chỉ có thể xuất phát từ tư tưởng của chính những con người sử dụng chúng nhằm trục lợi.
0:00 / 0:00
0:00
Điều cốt lõi vẫn là con người

Và bởi vậy, cuộc chiến đấu gian nan nhằm đòi lại quyền lợi chính đáng cho những nhà báo chân chính, những người sẵn sàng đầu tư công sức, thời gian, tiền bạc, thậm chí đôi khi là cả máu trộn mồ hôi… nhất thiết phải được tiến hành trên cả ba phương diện: kỹ thuật, đạo đức và đặc biệt là pháp lý.

1 Cuối tháng 3/2023, các nhà lập pháp bang California (Mỹ) đưa ra một dự luật, trong đó yêu cầu Google và Facebook trả tiền bản quyền cho các cơ quan cung cấp nội dung tin tức.

Trả lời phỏng vấn tờ The Los Angeles Times, bà Emily Charrier, lãnh đạo Hiệp hội các nhà xuất bản tin tức California, gay gắt chỉ ra: "Trên thực tế, nhóm đại gia công nghệ (Big Tech) đã trở thành bên kiểm soát quyền truy cập nội dung báo chí, và họ đang sử dụng sự thống trị của mình để đặt ra những quy tắc về hình thức hiển thị, quyền ưu tiên cũng như khả năng tạo ra lợi nhuận của các nội dung tin tức". Như The Los Angeles bình luận: "Đây là dấu hiệu mới nhất được bộc lộ, cho thấy sự bất mãn đối với những gã khổng lồ công nghệ".

Và đây cũng chẳng phải là lần đầu, báo giới quốc tế phẫn nộ đòi tác quyền từ Big Tech. Từ năm 2021, Google - hệ thống tìm kiếm quyền lực nhất thế giới- đã phải chấp nhận thỏa thuận với Hiệp hội gồm 121 nhà xuất bản của Pháp (APIG) liên quan vấn đề bản quyền tin bài báo chí, và chi trả tiền bản quyền lên tới 76 triệu USD trong ba năm.

2 Tuy vậy, trên thực tế, The Los Angeles Times và tất cả mọi hãng thông tấn-báo chí toàn cầu vẫn đang phải dựa rất nhiều vào công nghệ, từ các nền tảng mạng xã hội đến các phát minh về AI, để thay đổi, phát triển và hoàn thiện chính mình (đặc biệt là ở khâu đưa sản phẩm báo chí tiếp cận khách hàng). Và bên cạnh đó, các đại gia công nghệ cũng chính là những người giỏi nhất, trong việc ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong thời đại bùng nổ công nghệ.

Nắm trong tay các thuật toán cần thiết để điều phối những kho dữ liệu lớn (big data) khổng lồ, đơn cử, YouTube của Google có thể ngăn chặn việc đăng tải một clip ngắn chứa các thông tin đã được xác nhận bản quyền lên bất cứ kênh cá nhân nào, dù là vô danh. Tương tự, khi một nội dung bị báo cáo vi phạm bản quyền, Facebook, những năm gần đây, cũng có thể lập tức can thiệp, và thậm chí có thể áp dụng các "hình phạt" nghiêm khắc đối với các chủ tài khoản (users) vi phạm luật chơi.

Trên phương diện kỹ thuật, đó chính là những tiền đề quan trọng để cho dù AI có phát triển đến đâu, hay các nền tảng mạng xã hội, các trang thông tin điện tử, các kênh riêng lẻ có bùng nổ "muôn hình muôn vẻ" đến mức độ nào, thì cơ sở bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho báo chí vẫn luôn hiện hữu. Điều kiện cần vẫn luôn chỉ là: a - Đăng ký bản quyền cho các sản phẩm của mình sớm nhất có thể; và b - Đừng ngại ngần báo cáo các vi phạm.

3 Song, cũng như chính cuộc đời, hiện trạng báo chí quốc tế nói chung và báo chí ở một quốc gia đang phát triển như Việt Nam nói riêng sẽ không bao giờ đơn giản và mạch lạc như thế, trong vòng kiềm tỏa của lợi ích - yếu tố mang tính cốt lõi.

Không phải ngẫu nhiên, vào tháng 12/2022, Meta - tập đoàn sở hữu Facebook - đã "hăm dọa" rằng trong tương lai, họ sẽ có thể thực hiện chuyển hướng chiến lược, xóa hoàn toàn các nội dung tin tức khỏi nền tảng của họ, còn hơn là "tuân theo những cuộc đàm phán do chính phủ ủy quyền, và coi thường những giá trị mà chúng tôi đem lại cho các hãng tin (nghĩa là lưu lượng truy cập và số lượt theo dõi từ độc giả)".

Ở Việt Nam, từ nhiều năm nay, chưa cần đến sự xuất hiện của các AI "thời thượng"như ChatGPT, nạn "xào bài" hay tình trạng một bài báo vừa kịp gây tiếng vang sau khi xuất bản đã bị "nhân bản" theo muôn triệu cách, trên báo bạn, trên các trang thông tin điện tử hay trên những nền tảng mạng xã hội cũng đã trở nên vô cùng phổ biến. Mà thật ra, ở một khía cạnh khác của "nghề viết" nói chung, chuyện các content (nội dung) bị copy tràn lan từ lẫn nhau cũng như từ nhiều nguồn khác của không ít người dùng Facebook, Instagram, TikTok hay Zalo cũng phần nào khắc họa rõ nét thêm bức tranh ảm đạm, về thực trạng quyền sở hữu trí tuệ.

Trên phương diện đạo đức, lòng tự tôn, tự trọng của những "người viết" đã và đang suy thoái nghiêm trọng, khi có thể dễ dàng "ngồi mát ăn bát vàng", thay vì nhọc nhằn lao động trí tuệ theo đúng nghĩa. Tình trạng này, với sự "tiếp tay"của AI, hoàn toàn có thể trở nên trầm trọng hơn nữa, bởi các hành vi đều có thể thực hiện dễ dàng hơn.

Đó đều là những hành vi được thực hiện bởi con người, và chính bởi vậy giải pháp tất yếu sẽ phải là sự siết chặt các chế tài pháp luật. Pháp luật cần phải đủ mạnh mẽ và cứng rắn nhằm điều chỉnh hành vi của con người trong xã hội, ảo cũng như thực, đánh thẳng vào những khối lợi ích được tạo nên bằng cách vi phạm tác quyền.

Đó là một tiến trình dài và đầy thách thức. Nó cần phải được tiến hành một cách chuyên nghiệp, và đồng bộ. Nó đòi hỏi việc hình thành những "liên minh" giữa các cơ quan báo chí, nhằm tự bảo vệ cũng như tự kiểm soát chính mình. Nó cần được hỗ trợ bởi sự liên kết giữa các ngành liên quan, từ nền tảng tài chính đến cơ sở pháp lý.

Tuy nhiên, trước hết, có lẽ điều quan trọng nhất là mỗi cá nhân cũng cần phải tự trở nên chuyên nghiệp, trong tư tưởng, để khước từ chuyện sao chép cũng như bị sao chép, và kể những câu chuyện thật sự của riêng mình…