Chúng tôi tới một xã nghèo của Hà Tĩnh, nơi có tin rằng những cánh đồng khô cháy tới mức người dân hết hy vọng, phải cắt những bó lúa đang dần chết héo cho bò ăn. Vào hỏi UBND xã, lãnh đạo xã khẳng định không có chuyện đó, phụ trách nông nghiệp của xã cũng khăng khăng đó là tin đồn thất thiệt. Tuy trời hạn nhưng xã đã có hệ thống bơm nước cho các ruộng, mất mát không đáng kể.
Họ còn sắp xếp để chúng tôi tới một ruộng lúa gần đó phỏng vấn người dân.
Khi cuộc phỏng vấn gần xong, chúng tôi đi lang thang quanh xã, bắt chuyện với một vài người dân ở đó. Họ than thở nắng hạn, và một người buột miệng: Chỗ kia đang cắt lúa cho bò ăn kìa. Chúng tôi giật mình, không phải xã nói không có hiện tượng đó sao?
Tới chỗ người dân chỉ, chúng tôi gặp độ 6-7 hộ dân đang cắt những bó lúa trên nền ruộng khô cháy vứt đi, thậm chí họ dẫn cả bò vào cho ăn lúa trong ruộng. Vừa thấy chúng tôi đi cùng lãnh đạo xã, họ không ngần ngại chỉ thẳng mặt và mắng chửi, rằng chính những vị lãnh đạo kia là thủ phạm, không xả nước sang ruộng họ mà chỉ ưu tiên ruộng bên kia đường. Lãnh đạo xã đã nói dối?!
Một khung bài đã hình thành trong đầu, đó hẳn sẽ là những lời đanh thép. Nhưng khi tôi hào hứng gọi điện cho trưởng ban, ông đã rất bình tĩnh, bảo: Hãy thử tìm hiểu kỹ xem, người nông dân chăm bón cây lúa đâu dễ dàng cho bò ăn thế, kể cả là hạn nặng đi nữa.
Câu hỏi của trưởng ban khiến tôi cũng ngẩn ra. Tôi mới vào nghề, đầy đủ sự hiếu thắng và nôn nóng, tôi chỉ nhìn thấy cái gì hot, nóng, mà tôi có bịa đâu.
Thực tế sau đó, những bó lúa được cắt đó là lúa tái sinh và người dân cũng không bị cắt nước như họ tả. Cái lỗi của xã là không thể phủ nhận, nhưng bản chất câu chuyện đã khác đi rất nhiều, khi đối chiếu từ nhiều nguồn.
Sau này, tôi luôn nghĩ, cần phải dừng một nhịp mỗi khi nhận những thông tin, để phân tích và suy luận nó. Như dạo đó, trưởng ban chỉ cần đặt một câu hỏi nhẹ nhàng, để thấy sự phi logic trong vấn đề tôi đặt ra.
Một lần khác, chúng tôi làm loạt bài về những người mở đường Hạnh Phúc ở Hà Giang.
Có một chi tiết rất nhiều người biết về đường Hạnh Phúc, là để mở con đường qua Mã Pì Lèng, đã có một đội cảm tử (còn gọi là đội Cơ dũng) treo mình lên vách đá 11 tháng.
Nhưng tôi và đồng nghiệp Hải Vân lục hết tất cả tư liệu ở Bảo tàng Hà Giang, không có một văn bản chính thức nào về đội cảm tử đó, chỉ có một dòng duy nhất trong một báo cáo ngắn.
Cho đến hôm gặp mặt chính thức thanh niên xung phong nhân kỷ niệm 50 năm hoàn thành đường Hạnh Phúc, có hai nhân vật nhận mình là thành viên đội cảm tử năm ấy. Cả hai kể rất chi tiết, từ việc mình xung phong, đến lúc treo mình trên đá. Ngay cả trong cuộc gặp mặt, người phụ trách khách mời cũng khẳng định như đinh đóng cột về vai trò của hai bác đó. Chẳng có gì để nghi ngờ. Rất nhiều câu nói có thể giật tít - tôi đã bắt đầu nghĩ mình sẽ viết ra sao, tít phụ, tít chính thế nào. Nhân vật nói hay thế cơ mà!
Nhưng khi nói chuyện với một cựu thanh niên xung phong khác, ông vô tình kể: Vào năm đó, ông cùng hai người kia nổ mìn mở đường cách Mã Pì Lèng bốn cây số - tức là vào thời điểm ấy, họ ở trong đội mở đường, không phải đội Cơ dũng chính thức. Mà cùng một thời điểm thì khó có thể giữ hai vai trò. Tôi và Vân tá hỏa đi hỏi lại các nhân chứng khác, từ đầu, mất thêm một tuần nữa.
Không có danh sách bằng văn bản nào, nhưng cuối cùng chúng tôi có thể tìm ra 5/17 cái tên còn có thông tin - trong đó hai người đã mất, và có thể khẳng định không có hai bác ấy. Chúng tôi đã lên Cao Bằng tìm người đội trưởng đội Cơ dũng năm đó. Rất tiếc, ông đã bị suy giảm trí nhớ sau một cơn tai biến, cũng chỉ bập bẹ được vài từ. Câu duy nhất ông nói được với chúng tôi là: Dốc lắm, toàn đá - hai đứa chẳng biết có phải ông nói về Hà Giang không nữa.
Trong kỳ viết về đội Cơ dũng, chúng tôi không nhắc đến hai bác nọ, không nói gì về việc "nhận vơ" kia, mà ghi rõ 5 cái tên đã tìm được. Tên hai bác, tôi vẫn viết trong những phần khác, đúng với những gì bạn bè năm đó kể. Hai bác ấy nhận báo biếu cũng không nói lại gì nữa.
Thật ra ở góc độ cá nhân, "chém gió" là một nhu cầu. Họ đã từng có một thời đáng được nhắc đến, có nói quá để "lấy le" với con cháu cũng là điều có thể hiểu. Ngày đó, trên cung đường ấy, với tôi, ai cũng đáng trân trọng cả. Trong mọi trường hợp, tôi chỉ tự trách mình nếu đưa nhân vật lên quá tầm. Đó sẽ là lỗi của người viết, khi mình trao cho người ta điều kiện để "nhận vơ".
Đất nước mình đi đâu cũng thấy hồi ức. Mà văn bản ghi chép thì thiếu. Thế nên việc kiểm chứng, với tôi, thật sự là một thử thách. Đôi khi chỉ là một chi tiết thoáng qua, hay đôi khi, những phóng viên như chúng tôi, cần một câu nói dẫn đường.
Điều may mắn là, ở Ban Báo Thời Nay nói riêng và Báo Nhân Dân nói chung, chúng tôi luôn được tạo điều kiện để làm việc. Làm sao có thể bảo đảm rằng mình chẳng bao giờ sai? Nhưng quan điểm có thể bất đồng, và sếp mắng là chuyện như cơm bữa, nhưng phóng viên luôn được cho mảnh đất để tìm hiểu, để trau dồi, thậm chí, kể cả có sai. Cứ đến đó đi, ngồi ở đó, nói chuyện với người ở đó, rồi mới biết điều mình nghĩ thật - giả tới đâu! Xét cho cùng, người phóng viên luôn mong cầu mình có được một sợi dây, một sự tiếp sức như vậy từ những người lãnh đạo. Nó khiến cho mình vững tin vào công việc hơn rất nhiều.