"Luật chơi" trong kỷ nguyên số

Thích ứng, liên tục làm mới mình từ tư duy đến khả năng làm chủ công nghệ là đòi hỏi bức thiết đang đặt ra với mỗi người làm báo, trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
0:00 / 0:00
0:00
Các cơ quan báo chí nỗ lực tìm giải pháp thích ứng trong kỷ nguyên số.
Các cơ quan báo chí nỗ lực tìm giải pháp thích ứng trong kỷ nguyên số.

Thay đổi tư duy và kỹ năng

Nhiều ý kiến cho rằng, khoảng 80% số sản phẩm của các nhà báo hiện nay được đưa lên các trang báo online. Do đó, phóng viên không chỉ là đi săn tin, viết bài mà còn phải am hiểu về "thế giới ảo". Rất nhiều báo, tạp chí không chỉ sản xuất, cải tiến báo in, mà phát triển báo chí đa phương tiện, như media, clip, sản xuất E-magazine, Podcast… Nhiều tờ báo còn tận dụng hiệu quả kênh Facebook và YouTube… để lan tỏa nội dung của mình, coi đó là những kênh chủ lực để tiếp cận với công chúng và khách hàng.

Nhà báo Đinh Luyện, Báo Lao động thủ đô, cho hay: "Hiện nay mỗi phóng viên đều có kỹ năng "multimedia" (đa phương tiện), phải tác nghiệp được ở mọi môi trường và sử dụng được mọi công nghệ để hỗ trợ đưa bài báo của mình tới công chúng. Trước câu hỏi "chuyển đổi số hay là chết?" mỗi cơ quan, phóng viên phải tự có lựa chọn đúng nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau. Là người thuộc thế hệ 9X, tôi và các đồng nghiệp không ngần ngại lao vào học hỏi, thực hiện các kiểu viết khó hơn so với lối viết thông thường như MegaStory, E-magazine, Longform…".

Đồng quan điểm ấy, nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hànộimới cho biết thêm: Trong kỷ nguyên số, người làm báo hôm nay phải biết luật chơi của công nghệ, thay đổi tư duy ngôn ngữ làm báo truyền thống sang tư duy báo chí số. Tại mỗi sự kiện, nhà báo phải kết hợp tác nghiệp trên nhiều nền tảng, tạo ra sản phẩm đa dạng loại hình để đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả.

Hiện nay, kinh tế báo chí là thách thức đối với rất nhiều cơ quan. Người làm báo phải tận dụng công nghệ để truyền thông, làm kinh tế báo chí. "Rất nhiều cơ quan gặp khó khăn trong quảng cáo trên báo in. Tuy nhiên một cánh cửa này đóng lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra. Mỗi cơ quan cần tích cực tổ chức sự kiện, hợp tác truyền thông, khai thác quảng cáo trên báo điện tử", nhà báo Nguyễn Minh Đức bày tỏ.

Cần bệ đỡ chính sách phù hợp thời đại số

Cũng phải nói rằng, công nghệ ngày càng phát triển tạo nên nhiều sức ép, khiến cho không ít phóng viên vì muốn đưa thông tin nhanh (cạnh tranh về thời gian đăng tải sớm) nên thông tin chưa được kiểm chứng, dẫn đến những sai sót đáng tiếc.

Cùng với đó, nhà báo kỷ nguyên số còn bị mất nhiều thời gian cho mạng xã hội, thiết bị công nghệ, điều này làm giảm thời gian để họ chú tâm, đào sâu vấn đề chuyên môn. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Báo điện tử Dân Việt/Nông thôn ngày nay cho rằng, trong trào lưu chuyển đổi số, phóng viên trẻ có xu hướng chạy theo những thông tin giật gân, câu khách mà quên đi tính nhân văn của báo chí.

Họ bắt nhịp công nghệ nhanh nhưng bị trượt theo thông tin mà không đi sâu vào vấn đề, tìm giải pháp. "Sử dụng công nghệ nhanh nhưng phải chuẩn. Công nghệ chỉ là phương tiện thôi. Có một giải pháp là phóng viên phải tự nâng cao tay nghề, đạo đức, chắt chiu chi tiết, câu chữ, chịu trách nhiệm về ngòi bút của mình", Đỗ Doãn Hoàng nhấn mạnh.

Nhìn từ một góc độ khác, mạng xã hội cũng tạo ra không ít nguy cơ, bởi nếu không tỉnh táo, báo chí có thể trở thành công cụ sản xuất nội dung cho các nền tảng mạng xã hội. Thực tế, đang tồn tại không ít trang mạng xã hội đưa tin giả (fake news), làm người dân hoang mang.

Vậy nhưng, theo nhà báo Đinh Luyện, fake news chính là điểm yếu của mạng xã hội, và trở thành điểm mạnh giúp kéo người đọc tìm về với báo chính thống. Nói cách khác, báo chí chính thống sẽ giúp người đọc có thể kiểm chứng lại tin tức trên mạng xã hội, phân biệt đâu là fake news .

Báo chí đang từng ngày tiến sâu vào kỷ nguyên số, nhưng những người làm báo chân chính cần luôn vững vàng hướng về giá trị cốt lõi của báo chí, đó là định hướng xã hội, tính nhân văn, sự chia sẻ với đời sống xã hội. Nhà báo Nguyễn Minh Đức kiến nghị, cơ quan chuyên môn nên sửa Luật Báo chí để có cơ chế khuyến khích chuyển đổi số, làm kinh tế báo chí, đồng thời tăng tính chịu trách nhiệm trong hoạt động đưa thông tin trên các nền tảng mạng xã hội cũng như trên báo chính thống.

Trong kỷ nguyên số, ai dám "đập vỡ mình", khám phá tiềm năng của bản thân cũng như tận dụng tốt những ứng dụng mà công nghệ mang lại, người đó sẽ được nếm mùi vị thành công.