Phát triển 11 khu vực trọng điểm
UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa có tờ trình về quy hoạch chung TP Thủ Đức gửi Bộ Xây dựng để thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt đồ án đến năm 2040. Theo đó, quy mô lập quy hoạch bao gồm toàn bộ khu vực địa giới hành chính của TP Thủ Đức, với tổng diện tích tự nhiên gần 21.160 ha.
Về định hướng không gian phát triển, đồ án tập trung phát triển TP Thủ Đức thành 11 khu vực trọng điểm và được quản lý theo 36 khu vực quản lý quy hoạch với một số chỉ tiêu xác định cho từng khu vực quản lý quy hoạch, nhằm kích thích kinh tế, sáng tạo, đổi mới.
Quy hoạch xây dựng ngầm, các khu vực trung tâm đô thị hoặc đô thị hiện hữu mật độ cao khuyến khích xây dựng công trình ngầm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Theo đó, định hướng sử dụng đất, mục tiêu chính đến năm 2040, đất xây dựng đô thị khoảng 18.673 ha, trung bình 62 m2/người; đất dân dụng khoảng 13.715 ha; đất ở khoảng 7.673 ha, trung bình 26 m2/người; đất dịch vụ - công cộng đô thị khoảng 1.350 ha; đất cây xanh sử dụng công cộng khoảng 1.805 ha, trung bình 6 m2/người; đất giao thông đô thị khoảng 3.466 ha, chiếm 18% đất xây dựng đô thị…
Bên cạnh đó, TP Thủ Đức cũng được tổ chức thành một đô thị đa trung tâm, với các trung tâm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu vực Trường Thọ, khu vực Long Phước. Đặc biệt, phát triển khu vực Thủ Thiêm thành trung tâm của TP Thủ Đức và Thành phố Hồ Chí Minh, với tính chất chính là khu đô thị thương mại, tài chính dịch vụ hiện đại, phát huy giá trị của khu đô thị trung tâm và công viên rừng ngập mặn ven sông Sài Gòn, kết nối với khu trung tâm hiện hữu của Thành phố Hồ Chí Minh.
Về giao thông, TP Thủ Đức sẽ bổ sung các hướng kết nối qua sông Sài Gòn, sông Tắc, sông Đồng Nai, để phát huy vai trò và giá trị trung tâm của TP Thủ Đức đối với Thành phố Hồ Chí Minh cũng như đối với vùng trọng điểm phía nam.
Trao đổi ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng kỳ vọng tổ chức bộ máy phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển, yêu cầu vận hành thành phố trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh mạnh dạn ủy quyền cho TP Thủ Đức sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ xử lý công việc, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ Đức.
Cũng theo ông Hoàng Tùng, dự thảo nghị quyết mới cho phép UBND Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, quyết định thành lập bộ máy của Thanh tra xây dựng và Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc UBND TP Thủ Đức. Đây là những mô hình mới và TP Thủ Đức có sự chuẩn bị để sớm hình thành nhằm phục vụ phát triển chính quyền đô thị và mục tiêu phát triển của thành phố.
Cũng theo đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức, dự báo quy mô dân số TP Thủ Đức đến năm 2030 khoảng 1,5 triệu người; đến năm 2040 khoảng 2,2 triệu người; sau năm 2040 là 3 triệu người. Mặt khác, TP Thủ Đức cũng xác định sẽ quy hoạch khu vực Tam Đa - giáp phía bắc khu Depot thành khu đô thị công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, có khu phi thuế quan.
TP Thủ Đức cũng sẽ phát triển 4 trung tâm dịch vụ logistics quy mô khoảng 400 - 450 ha, tại Khu công nghệ cao; khu hỗn hợp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đào tạo, đô thị Linh Trung; trung tâm logistics Long Bình; trung tâm logistics Cát Lái. Ngoài ra, có thể bổ sung trung tâm logistics theo nhu cầu tại Khu đô thị tri thức và công nghệ cao, công nghệ tiên tiến ở Khu vực Long Phước - Tam Đa, các trung tâm hoạt động kinh tế và các khu đầu mối hạ tầng, đầu mối giao thông...
Phát triển đô thị theo mô hình đa trung tâm
Mới đây, đại biểu HĐND Thành phố Hồ Chí Minh khóa X cũng đã biểu quyết thông qua đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Theo tờ trình, đồ án dự báo quy mô dân số Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040 là 13 triệu người, năm 2050 là 14,5 triệu người và đạt 16 triệu người vào năm 2060. Đồ án định hướng phát triển đô thị thành phố dự kiến hình thành và phát triển thành 5 phân vùng, gồm có: Vùng đô thị trung tâm; đô thị phía đông; đô thị phía bắc - tây bắc; đô thị phía tây và đô thị phía nam.
Trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, việc tính toán, đề xuất quy mô đất xây dựng đô thị cần tiếp tục nghiên cứu tham khảo mô hình phát triển của các thành phố lớn tương tự trong khu vực, từ đó đề xuất chỉ tiêu và quy mô đất xây dựng đô thị phù hợp cho Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng ưu tiên phát triển nén hơn là dàn trải.
Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cũng hướng tới mục tiêu sử dụng đất và đầu tư hạ tầng hiệu quả với quy mô đô thị cực lớn, theo hướng giảm chỉ tiêu sử dụng đất đô thị và hạn chế gia tăng diện tích đô thị hóa. Đồng thời tăng cao giá trị khai thác đất, thuận lợi đầu tư hạ tầng tập trung, giữ lại đất tự nhiên cho mảng xanh sinh thái, dành đất dự trữ phát triển cho tương lai.
Với tầm nhìn là hạt nhân của vùng Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và các mục tiêu phát triển đầu tư lớn, đạt tầm quốc tế toàn cầu, có thích ứng và biến đổi khí hậu cũng như các yêu cầu mới, định hướng phát triển đô thị thành phố dự kiến hình thành và phát triển 5 phân vùng.
Cụ thể, vùng đô thị trung tâm có ranh giới phía bắc, phía tây là đường vành đai 2; phía nam là kênh Đôi - kênh Tẻ; phía đông là sông Sài Gòn. Vùng trung tâm bao gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân, một phần Quận 12. Tổng diện tích khoảng 17.000 ha, quy mô dân số hiện hữu (năm 2019) khoảng 4,5 triệu người. Vùng đô thị phía đông đã thành lập TP Thủ Đức, tổng diện tích khoảng 21.000 ha, quy mô dân số hiện hữu (năm 2019) khoảng 1,1 triệu người.
Vùng đô thị phía bắc - tây bắc ranh giới phía bắc giáp Tây Ninh; phía tây giáp tỉnh Long An; phía nam là ranh hành chính giữa huyện Hóc Môn và Bình Chánh và đường vành đai 2. Vùng đô thị phía bắc - tây bắc bao gồm huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, một phần Quận 12. Tổng diện tích khoảng 58.500 ha, quy mô dân số khoảng 1,4 triệu người.
Vùng đô thị phía tây có ranh giới phía bắc giáp ranh hành chính giữa huyện Hóc Môn và Bình Chánh; ranh giới phía nam giáp rạch tỉnh Long An; phía đông giáp đường vành đai 2 và sông Cần Giuộc; phía tây và phía nam là tỉnh Long An. Vùng đô thị phía tây bao gồm phần lớn huyện Bình Chánh. Tổng diện tích khoảng 23.300 ha, quy mô dân số khoảng 840.000 người.
Vùng đô thị phía nam ranh giới phía bắc giáp kênh Đôi, kênh Tẻ, ranh giới phía nam giáp tỉnh Long An và biển Cần Giờ, phía đông giáp sông Đồng Nai, phía tây là sông Cần Giuộc. Vùng đô thị phía nam bao gồm
Quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh và toàn bộ huyện Cần Giờ. Tổng diện tích 93.300 ha, trong đó có Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Quy mô dân số khoảng 1,2 triệu người.
Về giao thông, dự kiến bổ sung kết nối đường bộ để củng cố vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh như kéo dài trục đường Nguyễn Hữu Thọ, kết nối đường ven biển tại Tiền Giang; kết nối sân bay Long Thành; kết nối với Đồng Nai; kết nối đường sắt… Đồ án cũng xác định các khu vực phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) dọc tuyến metro, đường vành đai 3.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho hay, hiện thành phố đã gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đang lấy ý kiến các bộ, ngành để trình Hội đồng thẩm định quốc gia. Còn để phê duyệt quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải dự kiến chậm nhất cuối quý III tới.