Tỷ lệ phủ xanh thấp
Đảo nhiệt đô thị là hiện tượng nóng lên ở khu vực trung tâm thành phố hay sự chênh lệch giữa nhiệt độ của đô thị lõi và khu vực ngoại thành, vùng nông thôn. Kết hợp hiệu ứng khí nhà kính, bê-tông hóa, hai khu vực (trung tâm và ngoại thành) sẽ có nhiệt độ chênh lệch nhau rất lớn. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh cho thấy, với tốc độ phát triển đô thị nhanh của TP Hồ Chí Minh thì hiện tượng đảo nhiệt biểu hiện ngày một rõ hơn. Thực tế cho thấy, việc phát triển hàng loạt dự án hạ tầng về giao thông, nhà ở… đã “chiếm” nhiều diện tích mà trước đó vốn là các mảng xanh có tác dụng điều hòa môi trường sống cho thành phố. Theo thống kê, thành phố hiện có hàng triệu phương tiện giao thông bao gồm: xe ô-tô các loại, hơn tám triệu xe gắn máy, xe buýt, xe cơ giới... Con số này vẫn không ngừng tăng lên theo từng tháng đã “góp phần” làm tăng nhiệt độ và ô nhiễm không khí tại thành phố.
Trong nghiên cứu về “Tác động của đô thị hóa đến hiện tượng đảo nhiệt tại TP Hồ Chí Minh”, TS Dương Thị Thúy Nga, giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) chỉ ra rằng, tài nguyên cây xanh của thành phố đang có xu hướng giảm nhanh, trong khi mật độ dân cư, tốc độ đô thị hóa ngày càng gia tăng. Theo đó, tại TP Hồ Chí Minh đang hình thành các “hòn đảo nhiệt độ”, nhất là ở khu vực vùng lõi trung tâm thành phố. Việc lấy số liệu nhiệt độ trung bình của thành phố thông qua các tính toán nhiệt độ của các trạm quan trắc theo đó cũng có phần bị hạn chế, dẫn đến khó khăn trong quá trình đề xuất, kiến nghị các giải pháp ứng phó các hiện tượng thời tiết bất thường.
Tỷ lệ phủ xanh của TP Hồ Chí Minh hiện ở mức 18%, trong khi tại Singapore đã đạt tỷ lệ 56%; tỷ lệ đất công viên, vườn hoa chỉ đạt gần 0,7 m²/người. Theo quy hoạch, tỷ lệ này đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 7 m²/người (tỷ lệ hiện nay của Singapore đang là 30,3 m²/người; Seoul (Hàn Quốc) là 41 m²/người) với mục tiêu hướng đến đạt hơn 837 ha cây xanh (công viên, đường phố). Các chuyên gia cho rằng, với sự phát triển nhanh như hiện nay của TP Hồ Chí Minh, người dân vẫn chưa phải “nếm trải” nhiều hiện tượng cực đoan của thời tiết là nhờ vào “lá phổi xanh” từ Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (rừng Sác) với tổng diện tích hơn 75.700 ha. Tuy nhiên, thành phố không thể chỉ dựa vào đây để phát triển đô thị mà cần sớm chủ động thực hiện nhiều giải pháp xanh khác.
Tốc độ đô thị hóa cao của TP Hồ Chí Minh làm tỷ lệ mảng xanh của thành phố giảm.
Cần các giải pháp chủ động
Một trong những mục tiêu quan trọng của Quyết định số1570/QĐ-TTg ngày 27-11-2006 về phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 là phát triển thành phố một cách bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường cho hiện tại và cả tương lai. Không thể phủ nhận, quá trình đô thị hóa đã góp phần cải thiện môi trường sống, cảnh quan thành phố ngày càng đẹp hơn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng được cải thiện đáng kể góp phần nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng để lại nhiều vấn đề xã hội về giao thông, ngập lụt, môi trường mà thành phố đang phải ra sức giải quyết.
Theo ông Phạm Trần Hải, Phó Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh, với mục tiêu xây dựng thành phố theo hướng bền vững thì hiện tượng đảo nhiệt đô thị là vấn đề cần được xem xét thận trọng và có những giải pháp chủ động để giải quyết. Một trong những giải pháp quan trọng là phải tăng được mảng xanh cho không gian đô thị. Cụ thể là tăng cường độ bao phủ của cây xanh tại các công viên, hai bên các con đường và các khu vực công cộng. Cây xanh và thảm thực vật sẽ giúp giảm nhiệt độ bề mặt mặt đất và không khí bằng cách cung cấp bóng râm và làm mát thông qua sự thoát hơi nước. Hẳn nhiều người dân thành phố vẫn còn luyến tiếc về việc hơn 250 gốc cây cổ thụ bị chặt hạ và di dời trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1 để phục vụ dự án giao thông đô thị của thành phố cách đây gần hai năm.
Một giải pháp khác được nhiều chuyên gia đề xuất là xây dựng các mái nhà xanh, mái nhà sinh thái tại các công trình xây dựng, tòa nhà cao tầng và hộ gia đình. Đây là giải pháp nhằm giảm nhiệt độ bề mặt mái và không khí chung quanh, đồng thời cải thiện việc quản lý nước mưa. Ông Phạm Trần Hải cho rằng, đây là giải pháp mang tính khả thi rất cao vì nó thật sự có lợi cho các bên. Tuy nhiên, để đi từ vận động đến thực tiễn, thành phố cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ để các chủ đầu tư mạnh dạn thực hiện ý tưởng này. Tại Singapore, đối với các công trình được xây dựng trước tháng 4-2009, Chính phủ nước này hỗ trợ 50% chi phí đầu tư xây dựng mảng tường xanh; còn tại Seoul (Hàn Quốc) mô hình mái nhà xanh được nhiều hộ gia đình thực hiện với triết lý “Nước - Năng lượng - Thực phẩm”. Trên các mái nhà, người dân thiết kế các bể kín trữ nước để tưới cho vườn rau, phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững, đồng thời giúp giảm hiện tượng đảo nhiệt đô thị.
Đối với các giải pháp về hạ tầng, kỹ thuật, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, hệ thống xe buýt, metro được xem là loại hình giao thông công cộng thay thế phương tiện cá nhân (xe máy, ô-tô con) không chỉ nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc mà còn góp phần bảo vệ môi trường cho tương lai. Riêng xe buýt, ngành giao thông cũng nỗ lực thay thế hệ thống xe buýt sử dụng xăng dầu sang dùng khí CNG, đẩy mạnh nghiên cứu và sử dụng xăng sinh học với lộ trình phù hợp để giảm thiểu dần lượng khí thải từ giao thông gây hiệu ứng khí nhà kính. Theo phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 của Chính phủ, thị phần vận tải hành khách công cộng bảo đảm sẽ thực hiện được tối thiểu 60 - 80%. Theo đó, vận tải bằng xe buýt tối ưu hóa mạng lưới hiện tại và phát triển mở mới bình quân 20 - 25 tuyến/năm (giai đoạn 2019 - 2020) và 17 - 18 tuyến/năm (giai đoạn 2021 - 2030). Cuối năm 2020, có khoảng 200 - 220 tuyến, với 4.500 - 5.200 phương tiện...
Ngoài ra, hướng đến mục tiêu đô thị thông minh mà thành phố đang nỗ lực triển khai, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đang phối hợp với các đơn vị tổ chức tuyên truyền, vận động để người dân chủ động thích nghi và nắm bắt các kiến thức về môi trường bằng các ứng dụng công nghệ. Sở này cũng đề cao vai trò của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu để đề xuất, hiến kế cho thành phố trong các vấn đề liên quan đến bảo vệ và phát triển bền vững môi trường trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Thời gian qua, thành phố cũng không ngừng nỗ lực thực hiện các cuộc vận động, tuyên truyền sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn năng lượng trong cộng đồng, doanh nghiệp song song với việc thực hiện các chính sách giãn dân tại khu vực trung tâm thành phố.