Không gian mới, trải nghiệm mới
Ngày 1/11, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã mở cửa đón khách tham quan. Hiện, Bảo tàng đang tạm dừng để chuẩn bị cho công tác tuyên truyền và sẽ tiếp tục phục vụ công chúng miễn phí trong vài ngày tới. Tọa lạc trên tuyến đường đại lộ Thăng Long, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội; bảo tàng được xây dựng bề thế trên khu đất rộng 74 ha, trong đó diện tích sử dụng khoảng 38,66 ha, thiết kế theo phong cách hiện đại với bốn tầng nổi và một tầng trệt.
Bảo tàng có khu vực quảng trường ngoài trời và trong nhà. Không gian trưng bày bên trong tại tầng 1 hiện được chia thành 6 chủ đề, trải dài từ khởi đầu dựng nước và giữ nước, cho đến công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước từ 1976 đến nay. Bảo tàng áp dụng các phương pháp trưng bày hiện đại, mang đến cho du khách trải nghiệm độc đáo và sinh động. Theo thông tin giới thiệu của bảo tàng, công nghệ sa bàn 3D mapping giúp tái hiện các trận chiến trong quá khứ một cách trực quan. Màn hình tra cứu thông tin và tài liệu media cho phép người xem tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng và hiệu quả. Du khách có thể tự do khám phá, mở ra không gian tương tác giữa lịch sử và hiện tại nhờ hệ thống thuyết minh tự động audio guide và mã QR cho từng hiện vật. Cùng với đó là hơn 60 video clip, giới thiệu về các chiến dịch, trận đánh, tái hiện cuộc sống và tinh thần chiến đấu của những người lính Việt Nam.
Những hiện vật vô giá
Trong hơn 150 nghìn hiện vật được lưu giữ, trưng bày tại bảo tàng, có 4 bảo vật quốc gia. Tại sảnh ra vào là chiếc tiêm kích MiG-21 mang số hiệu 4324 với 14 ngôi sao trên mũi, biểu tượng cho 14 chiến công bắn rơi máy bay Mỹ. Trong khu chuyên đề kháng chiến chống Mỹ, có chiếc tiêm kích MiG-21 số hiệu 5121 do Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân điều khiển bắn rơi máy bay ném bom B-52 của Mỹ đêm 27/12/1972. Chiếc xe tăng T-54B mang số hiệu 843 húc tung cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 cũng thu hút rất nhiều du khách. Cuối cùng là bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Chia sẻ cảm xúc khi tham quan những hiện vật quý giá này, ông Phương (74 tuổi, nguyên sĩ quan Sư đoàn 320, Quân đoàn 1) cho biết: “Để đưa những hiện vật từ chiến trường về, bảo quản và gìn giữ là một điều rất khó. Vậy nên tôi cảm kích vì Nhà nước ta đã đầu tư kỳ công, đổi lại là có được thành quả xứng đáng, một bảo tàng với quy mô lớn, đẹp đẽ như hôm nay, để nhân dân có thể tới và chiêm ngưỡng những hiện vật gắn liền với những dấu mốc quan trọng của lịch sử dân tộc”.
Trong không gian bảo tàng, các hiện vật đều được sắp xếp, trang trí với nhiều thông điệp mà những người yêu lịch sử dân tộc chắc chắn sẽ hiểu. Thí dụ ở không gian ngoài trời, ngay trước tòa nhà là Tháp Chiến thắng cao 45 m với hình ngôi sao năm cánh được xếp chồng nhiều lớp ở phía dưới, có ý nghĩa gắn liền với năm 1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Anh Trường (46 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với Tháp Chiến thắng. Tầng tầng lớp lớp của tháp cũng tượng trưng cho tầng tầng, lớp lớp thế hệ người Việt Nam ta từng bước dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước giàu mạnh như ngày hôm nay”. Còn tại đại sảnh, một phần xác máy bay bị quân và dân ta bắn rơi trên bầu trời Hà Nội năm xưa được trưng bày, ở phía trên trang trí những cánh chim bồ câu đang tung bay, thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình của đất nước và con người Việt Nam.
Trước những hiện vật quý từng trực tiếp đồng hành trong trận chiến, ánh mắt những người lính năm xưa lấp lánh như vì sao sáng rực. “Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi đã trực tiếp lái xe kéo pháo. Vậy nên khi được nhìn thấy chiếc xe ZIL-157 của Liên Xô giúp mình tại đây, tôi cảm thấy rất gần gũi và bồi hồi nhớ về những kỷ niệm hào hùng ngày xưa”; ông Nguyễn Văn Long (69 tuổi, cựu chiến binh Trung đoàn 78 pháo binh, Sư đoàn 324, đã tham gia chiến dịch mùa Xuân năm 1975) chia sẻ. Tận mắt chứng kiến vũ khí, trang bị của Quân đội và nhân dân Việt Nam cùng những hiện vật thu được từ địch trong các cuộc kháng chiến, bà Đào Thị Lục (64 tuổi, quê Vĩnh Phúc) trào dâng cảm xúc tự hào: “Trước đó tôi cũng đã biết vũ khí của ta thô sơ, không thể so sánh với cường quốc như Pháp và Mỹ, nhưng khi tận mắt chứng kiến và nghe những câu chuyện về từng hiện vật, tôi càng thêm biết ơn thế hệ đi trước”.
Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng
Mỗi người khi đến với bảo tàng đều mang nhiều cảm xúc. Nhiều đoàn cựu chiến binh từ nhiều nơi xa xôi đã đến đây để được sống lại một phần lịch sử. Vừa xem những hiện vật được trưng bày, họ vừa hào hứng chia sẻ về những vết sẹo do pháo, do bom hằn sâu vào da thịt - những dấu ấn của một thời chiến tranh mà họ tự hào bởi đó là dấu tích đặc biệt của một thời kỳ lịch sử. Đến với bảo tàng, nơi lưu giữ những hiện vật gắn với hành trình trưởng thành của đất nước, ông Phạm Văn Dũng (85 tuổi, cựu chiến binh tăng thiết giáp, quê Nam Định) đôi mắt lấp lánh cảm xúc, chia sẻ: “Bắt gặp hình ảnh của chính mình trong những năm tháng chiến đấu và nhớ lại những mất mát của dân tộc, tôi rất xúc động, nước mắt như muốn trào ra”. Ngày hôm nay, khi đã đi qua mưa bom bão đạn, “chúng ta có thể tự hào mà khẳng định với thế giới rằng, Việt Nam đã chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược và đang từng ngày phát triển,” ông Nguyễn Thanh Xuân (92 tuổi, Hà Nội) nhấn mạnh.
Khác với các thế hệ lớn tuổi, những bạn học sinh, sinh viên đến bảo tàng với lòng háo hức và khát khao tìm hiểu. Đoàn học sinh Trường tiểu học Đại Hưng (Gia Lâm, Hà Nội) phấn khởi khi lần đầu tiên được đến và tham quan nơi này. Những tiếng hô vang: “Mãi yêu Việt Nam, mãi yêu Bác Hồ kính yêu!” của các em khiến không khí thêm phần xúc động. Bạn Lê Đức Anh (sinh năm 2006, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội) bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với các thế hệ đã gác lại ước mơ học tập để tham gia kháng chiến. “Khi đứng đây, trong đầu em vang lên câu thơ mà nhiều thế hệ sinh viên trong trường vẫn nhắc: “Ra đi mang nặng lời thề/Chưa thắng giặc Mỹ chưa về Bách khoa”. Giờ đây, hòa bình đã lập lại, đất nước đang phát triển và em tự đặt cho bản thân trách nhiệm học tập thật tốt, trở thành người có ích cho xã hội, không phụ lòng cha ông”.
Từng bước chân qua những gian trưng bày là một lần nhắc nhớ về sự hy sinh, cống hiến và cũng là lời nhắn gửi cho thế hệ mai sau về lòng yêu nước và sự bền bỉ của toàn dân tộc. Ông Dũng (70 tuổi, cựu chiến binh Sư đoàn 305) nhắn nhủ: “Hãy đến đây, hãy chứng kiến để thêm yêu và hiểu về thời kỳ oanh liệt của đất nước mình. Để có được như ngày hôm nay không phải dễ dàng, vậy nên tôi hy vọng các bạn trẻ biết quý trọng công ơn của cha ông và tiếp tục góp phần xây dựng, chấn hưng Việt Nam hùng mạnh”. Những lời nhắn nhủ ấy không chỉ là tâm huyết của một người cựu chiến binh, mà còn là trách nhiệm của một thế hệ, một nguồn động lực để lớp người mai sau tiếp nối truyền thống, hướng tới tương lai, mang sức mạnh tinh thần đất Việt lưu truyền và vươn xa mãi mãi.
Với ông Trần Nguyên Sóng (67 tuổi, là cựu chiến binh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tham gia quân tình nguyện Việt Nam sang Campuchia chiến đấu), từng chiếc trực thăng, từng khẩu pháo được lưu giữ tại bảo tàng đều gợi nhắc về những ký ức đặc biệt. Nhìn thấy những quả bom bi, ông Sóng không kìm được cảm xúc: “Ô, bom bi, “thằng này” ngày xưa nổ tan nát sân nhà tôi đây mà!”. Chia sẻ thêm về ký ức đáng nhớ khi xem các hiện vật, ông nói: “Một lần tiểu đội của tôi suýt chết do bị pháo bắn gần trúng, may là có gốc cây ngay trước mặt nên thoát nạn”.